Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đưa “vùng đất chiến lược” Đồng bằng sông Hồng thành động lực chiến lược
Hà Nguyễn - 12/02/2023 07:16
 
Không chỉ là đầu tàu hay động lực kinh tế của cả nước, Vùng đồng bằng sông Hồng được xác định sẽ đi đầu trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu cả nước.
Hàng loạt tên tuổi lớn của thế giới đã chọn và đưa các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng thành “cứ điểm” sản xuất của mình. Trong ảnh: Nhà máy LG Display tại Hải Phòng 	Ảnh: Đ.T
Hàng loạt tên tuổi lớn của thế giới đã chọn và đưa các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng thành “cứ điểm” sản xuất của mình. Trong ảnh: Nhà máy LG Display tại Hải Phòng Ảnh: Đức Thanh.

Mở cơ hội đột phá cho “vùng đất chiến lược”

Theo kế hoạch, ngày 12/2, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh.

“Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Vùng đồng bằng sông Hồng được coi là một “địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng”. Hiện 7 địa phương trong Vùng đã nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trong đó, ngoài Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, thì Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây.

Nếu Hải Phòng là trung tâm logistics của cả nước, thì Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… là những trung tâm sản xuất công nghiệp quy mô lớn ở phía Bắc. Quảng Ninh những năm gần đây đã vươn mình trở thành hình mẫu cho sự đổi mới, với nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”…

Phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng là trách nhiệm của các địa phương trong Vùng và toàn hệ thống chính trị. Các địa phương trong Vùng cần phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng,

khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội; phát huy thật tốt vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng đã trở thành 3 cực tăng trưởng trong tam giác động lực phát triển kinh tế vùng.  Thêm Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam…, Vùng đồng bằng sông Hồng những năm qua đã trở thành “đầu tàu”, là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Tăng trưởng GRDP bình quân của toàn Vùng giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm…

Đây cũng là vùng kinh tế có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài cũng đứng thứ hai, chiếm 31,4% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được trong 35 năm qua.

Hàng loạt tên tuổi lớn của thế giới, như Samsung, LG, Honda, Canon, Foxconn, Toyota… đã chọn và đưa các địa phương trong Vùng thành “cứ điểm” sản xuất của mình. Đặc biệt, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Nhưng sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá và chỉ ra rằng, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế của Vùng còn chậm; các địa phương phát triển không đồng đều... Tăng trưởng khá cao, nhưng kinh tế Vùng vẫn dựa vào vốn và lao động, chưa dựa vào tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Trong khi đó, kỳ vọng vào “địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng” này lớn hơn rất nhiều. Đây là một trong những lý do quan trọng để Bộ Chính trị quyết định ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng. Để hiện thực hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện, nhằm đưa “địa bàn chiến lược” này trở thành động lực chiến lược của đất nước.

Mục tiêu đã được đặt ra rất cụ thể, trong cả Nghị quyết số 30-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ. Đó là phấn đấu đến năm 2030, Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, kết nối...

Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực, thế giới…

Trong đó, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển của Vùng và cả nước, kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Chung tay hiện thực hóa tầm nhìn

Tầm nhìn lớn đã được xác định. Các mục tiêu cụ thể cũng đã được chỉ ra. Đó là giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP trong Vùng đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP của Vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành). GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm…

Vấn đề là làm sao để hiện thực hóa được các mục tiêu này? Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết Vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững Vùng, các tiểu vùng và các địa phương trong Vùng…

Chính phủ cũng đã đề ra 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW. Trong đó, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết Vùng; phát triển kinh tế Vùng; phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... tiếp tục là những nhóm giải pháp được coi trọng.

Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng; phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.

Dự kiến, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vùng… Đây sẽ là cơ sở và là cơ hội cho Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Để hiện thực hóa được tầm nhìn, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cần sớm có thể chế, cơ chế điều phối liên kết Vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế mới vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng, cũng như tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...

Trong khi đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, cần đẩy nhanh, đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên toàn Vùng, liên vùng, bảo đảm nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch…

Ông Ký nhấn mạnh, Vùng đồng bằng sông Hồng cần đi tiên phong trong chuyển nhanh sang tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Còn Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà thì nhấn mạnh, cần có cơ chế chỉ đạo, phối hợp, thống nhất quan điểm phát triển toàn diện, bền vững cho cả Vùng, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Thể chế, chính sách là quan trọng. Nhưng để hiện thực hóa mọi kế hoạch, tầm nhìn, cần nguồn lực để triển khai. Chính vì vậy, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW sẽ là hội nghị “3 trong 1”, bao gồm công bố Chương trình hành động, Triển lãm ảnh và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vùng.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, vùng đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư