Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Đức có Thủ tướng mới
Lê Quân - 08/12/2021 18:09
 
Hôm nay 8/12, ông Olaf Scholz đã được các nhà lập pháp bầu làm tân Thủ tướng Đức, đánh dấu kết thúc kỷ nguyên của bà Angela Merkel.
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP

Ông Olaf Scholz, thành viên của đảng Dân chủ xã hội (SPD), sẽ lãnh đạo liên minh ba đảng gồm cả đảng Xanh (Greens) và đảng Dân chủ tự do (FDP). Thỏa thuận liên minh này đã khác với các kế hoạch trước đó do có ý định tăng cường đầu tư trên khắp nước Đức.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 được cho là ưu tiên hàng đầu của liên minh ba đảng khi chính phủ mới nắm quyền. Đức đã phải vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong bối cảnh chương trình tiêm chủng có phần bị đình trệ.

Rời ghế Thủ tướng kể từ sau khi nhậm chức năm 2005, bà Angela Merkel đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc hội liên bang Đức hôm 8/12.

Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Berenberg (Đức) cho rằng: "Bà ấy (bà Angela Merkel - BTV) đã lãnh đạo một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng lâu dài, dẫn dắt nước Đức một cách bình tĩnh và tự tin vượt qua một loạt biến động và khủng hoảng".

Tại Đức, dấu ấn lãnh đạo của bà Merkel được thể hiện qua những thành tích ấn tượng như mức sống người dân được cải thiện và tỷ lệ có việc làm tăng lên. Trên bình diện quốc tế, bà Merkel được biết đến với chính sách mở cửa khi xuất hiện cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào năm 2015. Động thái này không chỉ định hình các cuộc thảo luận về sau của châu Âu về cách thức đối phó với khủng hoảng di cư, mà còn tác động lên các luận điệu chống di cư ở nhiều quốc gia.

Mặt khác, bà Merkel cũng để lại dấu ấn riêng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2011. Những người chỉ trích thì cho rằng bà Merkel đã quá cứng rắn trong việc thúc đẩy các chính sách thắt lưng buộc bụng ở Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), trong khi những người ủng hộ lại cho rằng đây là cách duy nhất mà bà Merkel có thể cứu vãn đồng euro và nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội và cử tri Đức.

"Bà Angela Merkel là một nhà lãnh đạo kiên định trong việc cân bằng lợi ích thương mại của Đức với chính sách đối ngoại và các trụ cột an ninh của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và mối quan hệ bền chặt với EU", bà Sudha David-Wilp, Phó giám đốc văn phòng Berlin của Tổ chức tư vấn chính sách công Marshall bình luận.

Giới phân tích chính trị cho rằng, địa chính trị sẽ là thách thức lớn đối với chính phủ mới của Đức, nhất là sau cảnh báo của Mỹ về vấn đề Ukraine cũng như mối quan hệ Mỹ - Trung.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư