Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Đừng dồn gánh nặng lên doanh nghiệp
Mạnh Bôn - 29/08/2013 08:02
 
Quy định yêu cầu người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương, trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 1% tổng quỹ lương cho những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được nêu trong Dự thảo Luật Việc làm, đang khiến nhiều chủ doanh nghiệp lo ngại.

Doanh nghiệp lo vì trước đây, ngân sách nhà nước hỗ trợ 1% tổng quỹ tiền lương cho những người tham gia đóng bảo hiểm, còn tới đây theo Dự thảo Luật Việc làm, khoản hỗ trợ này chỉ ớ mức tối đa 1% - có nghĩa ngân sách nhà nước có thể sẽ không hỗ trợ hoặc hỗ trợ dưới 1%.

Yêu cầu DN đóng 1% quỹ tiền lương cho người tham gia bảo hiểm
thất nghiệp làm các DN lo lắng

Nếu quy định này trong Dự thảo Luật Việc làm được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay, thì chi phí tiền lương tại doanh nghiệp sẽ tăng lên, việc cân đối thu - chi càng khó khăn hơn.

Điều đáng nói nữa là quy định trên trong Dự thảo Luật Việc làm sẽ làm khiến ngân sách đóng góp vào Quỹ BHTN giảm, đẩy toàn bộ gánh nặng giải quyết thất nghiệp sang cộng đồng doanh nghiệp.

Điều này không những tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn tác động tới môi trường đầu tư bởi chi phí nhân công tại Việt Nam sẽ tăng lên.

Hơn thế, trong bối cảnh lương tối thiểu có xu hướng ngày càng tăng, thì với quy định trên, mức đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ BHTN sẽ càng lớn.

Năm 2009 – thời điểm Việt Nam chính thức lập Quỹ BHTN, do tiền lương tối thiểu áp dụng cho khu vực doanh nghiệp là từ 920.000 đến 1,2 triệu đồng/tháng, nên chủ sử dụng lao động không quá “băn khoăn” khi đóng 1% quỹ tiền lương vào Quỹ.

Năm 2013, tiền lương tối thiểu áp dụng cho khu vực doanh nghiệp tăng lên mức 1,65 - 2,35 triệu đồng/tháng, khiến số tiền mà doanh nghiệp đóng Quỹ BHTN ngày một phình to. Khoản đóng góp này sẽ tăng lên theo lộ trình cải cách tiền lương, bởi lương tối thiểu vùng sẽ tăng ít nhất 16,5%/năm trong giai đoạn 2014 - 2017.

Khó khăn là hiển nhiên bởi ngoài Quỹ BHTN, doanh nghiệp còn phải đóng góp nhiều quỹ bắt buộc khác (đều tính trên phần trăm quỹ lương) như Quỹ Ốm đau và Thai sản (3%); Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (1%); Quỹ Hưu trí và Tử tuất (14%); Quỹ Bảo hiểm y tế (4%)…

Vì vậy, mỗi khi lương tối thiểu tăng, những ngành sử dụng nhiều lao động và thường là những ngành mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giày, chế biến thủy sản… bị tác động đáng kể do tiền lương chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng chi của doanh nghiệp.

Không phủ nhận tác dụng của Quỹ BHTN, bởi theo Dự thảo Luật Việc làm, ngoài việc dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng cho người lao động, nguồn của Quỹ BHTN còn được sử dụng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm...

Nhiều nước trên thế giới cũng xem BHTN là giải pháp hỗ trợ lao động thất nghiệp, góp phần an sinh xã hội. Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ BHTN cũng đã đóng góp tích cực trong công tác đào tạo lại, tìm việc làm… cho hàng triệu lao động bị mất việc.

Song hành Quỹ BHTN, nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, tạo việc làm cho người lao động như đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; cho vay vốn đi xuất khẩu lao động; duy trì và mở rộng việc làm của Quỹ Quốc gia về việc làm… cũng được áp dụng.

Tuy nhiên, các chính sách tín dụng này còn phân tán ở nhiều đầu mối, dẫn tới tình trạng tại không ít địa phương, thanh niên cả xã được đào tạo cùng một nghề là… sửa chữa điện tử, điện dân dụng hay cắt may, nên không thể tìm được việc.

Tình trạng nhiều quỹ tín dụng ưu đãi cùng hướng dẫn người dân sản xuất một loại hàng hóa, thậm chí là loại hàng hóa không có đầu ra, cũng đang làm giảm hiệu quả của các chính sách này.

Chính vì vậy, thay vì đẩy trách nhiệm giải quyết thất nghiệp, tạo việc làm sang doanh nghiệp, cần thiết phải xem xét, thu gọn đầu mối triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, để tận dụng một phần vốn hỗ trợ nói trên tập trung cho Quỹ BHNT.

Việc này giúp đạt nhiều mục đích khác nhau như giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đầu tư đúng chỗ trong giải quyết việc làm, đồng thời giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

5 năm nữa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không giảm
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2013”. Theo đó,tổ chức này đã đưa ra dự báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư