Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Được - mất hậu WTO
Mạnh Bôn - 03/04/2013 16:00
 
Sau 6 năm gia nhập WTO - một khoảng thời gian đủ dài để các chuyên gia kinh tế cân đong đo đếm chuyện “được - mất” khi tham gia sân chơi toàn cầu.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Bóc tách tác động của việc gia nhập WTO với tác động của việc thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, tác động của cải cách kinh tế trong nước, tác động của thị trường thế giới, theo TS. Lê Xuân Sang, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là không đơn giản, song những kết quả mà nền kinh tế đạt được nhờ gia nhập sân chơi toàn cầu cũng có thể nhìn thấy được.

Những cái được nhìn thấy khi gia nhập WTO là tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2007 - 2012 vẫn đạt mức bình quân trên 6%/năm cho dù nhiều nước trên thế giới tăng trưởng kinh tế rất thấp, thậm chí còn khủng hoảng (tăng trưởng GDP âm).

   
     

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2006 (năm trước khi gia nhập WTO) mới đạt 84,5 đã tăng lên 203,6 tỷ USD vào năm 2011 và lên 228,9 tỷ USD vào năm 2012. Năm 2011 là năm đầu tiên kim ngạch nhập khẩu của nước ta vượt ngưỡng 100 tỷ USD khi cán đích 106,7 tỷ USD. Và năm 2012, kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD khi đạt mức 114,6 tỷ USD. “Kết quả này nằm ngoài dự đoán khi chúng ta quyết định gia nhập WTO”, ông Sang nói.

Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 năm sau khi gia nhập WTO gấp 1,5 lần so với 5 năm trước khi gia nhập; số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 5 năm sau khi gia nhập gấp hơn 5 lần so với 5 năm trước khi gia nhập còn số vốn thực hiện gấp 3,3 lần.

Nếu như năm 2006, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện mới đạt 4,1 tỷ USD thì đến năm 2011 đã lên tới 11 tỷ USD. Và năm 2012, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện mặc dù giảm nhẹ so với năm 2011 (10,46 tỷ USD) nhưng vẫn cao gấp nhiều lần năm 2004.

 “Gia nhập WTO, chúng ta mong đợi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn không hẳn là nhờ đầu tư, xuất khẩu tăng mạnh do mở cửa thị trường mà chúng ta mong đợi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn, do trước áp lực của việc gia nhập sân chơi chung buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết... Cái được chúng ta đã có thể nhìn thấy, nhưng ngược lại, chúng ta mất cái gì cũng cần phải cân đong đo đêm để khắc phục”, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM phát biểu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO chỉ đạt bình quân 6,5% - thấp hơn khá xa so với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,8% giai đoạn 2002 - 2006 và 7% trong giai đoạn 1996 - 2000.

 “Nếu Chính phủ không đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 8 tỷ USD (thông qua miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất…) thì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2007 - 2011 chỉ đạt khoảng 4 - 4,5%”, TS. Phạm Lan Hương, CIEM tính toán.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, bỏ ra tới 8 tỷ USD để đổi lấy 1% tăng trưởng kinh tế là cái giá quá đắt.

Giá phải trả quá đắt cho tăng trưởng kinh tế, theo ông Thành không chỉ là số tiền 8 tỷ USD mà là hậu quả của việc bơm tiền đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho những năm sau này. Trong đó, lạm phát gia tăng ở mức 2 con số trong năm 2008 (19,89%), năm 2010 (11,75%) và năm 2011 (18,13%) là cái giá phải trả rất đắt.

Gia nhập WTO, Việt Nam mong muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ở khía cạnh nào đó, Việt Nam đã đạt được “ước nguyện” (kim ngạch xuất - nhập khẩu gia tăng). Song theo ông Thành, kim ngạch xuất khẩu chủ yếu dựa vào nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm của các nước khác, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc.

 “Hoạt động của hàng chục ngàn doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bán ở thị trường nội địa hoặc xuất khẩu đang phải dựa chủ yếu từ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giá trị gia tăng rất thấp. Có thể ví, hoạt động sản xuất trong nước chỉ là “phun sơn, đánh bóng hàng Trung Quốc” sau đó dán nhãn made in Vietnam”, ông Thành ví von.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trước khi gia nhập WTO, thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam gia công mặt hàng da giày, may mặc; sau khi gia nhập WTO, thế mạnh của Việt Nam vẫn là gia công mặt hàng may mặc, da giày và một số ngành mặt hàng công nghiệp điện tử.

 “Nhưng trên thực tế, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, ngành công nghiệp của Việt Nam cũng chỉ chuyển từ “đạp máy khâu sang sử dụng máy hàn” mà thôi”, bà Lan ví von ngành công nghiệp sau 6 năm gia nhập WTO.

Mặc dù ngành công nghiệp chỉ dừng ở mức phun sơn, đánh bóng và máy hàn, song bà Lan vẫn lo ngại, việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu không vững chắc và chủ yếu chỉ nhập khẩu linh kiện, thiết bị về lắp ráp dựa vào nhân công giá rẻ cũng rất “lung lay” bởi đến một lúc nào đó các nước khác cũng cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ “một đi không trở lại”.

Nếu điều này xảy ra, theo bà Lan, những cái được khi gia nhập WTO là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tạo công ăn việc làm… cũng sẽ mất dần.

Gia nhập WTO không chỉ có toàn thuận lợi, không phải là cú hích để tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân… mà theo TS. Lê Xuân Sang, trong giai đoạn 1950 - 1998 có 24 nền kinh tế gia nhập GATT/WTO, thu nhập bình quân đầu người của 8 thành viên bị giảm, 11 thành viên giảm sút tăng trưởng đầu tư, 2 thành viên bị giảm tỷ lệ xuất -  nhập khẩu/GDP so với trước khi gia nhập.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư