Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đường dây mua bán hóa đơn hơn 1.600 tỷ đồng của hai “đại gia than lậu” đất Quảng Ninh
Huệ Nguyễn - 09/05/2023 15:32
 
Để hợp thức việc tiêu thụ nguồn than trái phép, hai “đại gia than lậu” đất Quảng Ninh là Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang thiết lập đường dây mua bán trái phép hóa đơn hàng ngàn tỷ đồng.

Trong vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên tại Mỏ than Minh Tiến (tỉnh Thái Nguyên) vừa được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành, đã xác định hàng triệu tấn than và khoáng sản đi kèm được Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương cấu kết với Công ty cổ phần Yên Phước khai thác trái phép, trục lợi gần 400 tỷ đồng.

Qua đó, Viện Kiểm sát đã truy tố 33 bị can, trong đó có Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước; hai anh em song sinh Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh, cổ đông góp vốn tại Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Nguyễn Ngô Quyết, nguyên Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên; Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thế Giang, cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên.

Hai “đại gia than lậu” có tiếng tại đất Quảng Ninh là Thanh và Giang bị cáo buộc 2 tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Thành lập hàng loạt công ty “ma” để mua bán hóa đơn

Quá trình điều tra hoạt động khai thác, tiêu thụ than trái phép, cơ quan chức năng đã phát hiện đường dây mua bán trái phép hóa đơn lên tới hơn 1.600 tỷ đồng, do nhóm Thanh, Giang làm chủ mưu.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại Mỏ than Minh Tiến (tỉnh Thái Nguyên).

Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, quá trình câu kết khai thác than lậu với Công ty cổ phần Yên Phước, Công ty Đông Bắc Hải Dương phải thanh toán cho phía Yên Phước hơn 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ xuất 19 hóa đơn GTGT cho đối tác đối với than cám và than kẹp xít (không có đá đen) với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Đông Bắc Hải Dương còn mua than của nhiều đơn vị, cá nhân không có hóa đơn, chứng từ và nhập khẩu than không có nguồn gốc, sau đó sàng tuyển, phối trộn các nguồn than này thành than thành phẩm bán cho khách hàng, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (Thái Nguyên), Nhà máy Nhiệt điện Phúc Thành (Hải Dương), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh).

Để hợp thức hồ sơ về nguồn gốc than khai thác lậu và số than mua nhập lậu, anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang cùng 3 cổ đông Công ty Đông Bắc Hải Dương là Hà Anh Tuấn, Ngô Đăng Hải, Phạm Văn Thu đã thống nhất thành lập, thuê người đứng tên đại diện theo pháp luật của 6 công ty rồi sử dụng 6 pháp nhân này ký hợp đồng mua hóa đơn đầu vào để hợp thức nguồn gốc than và ký hợp đồng bán than đầu ra với các khách hàng. Nguồn tiền để trả cho việc mua hóa đơn chủ yếu lấy từ nguồn bán than cho khách.

Cơ quan chức năng xác định, trong giai đoạn 2017-2020, Công ty Đông Bắc Hải Dương sử dụng 6 pháp nhân trên để ký họp đồng mua bán than, mua hóa đơn mặt hàng than nhập khẩu, dầu diezel, dịch vụ bốc xúc, vận chuyển với 11 công ty tại Hải Phòng và Nam Định. Tuy nhiên, trên thực tế không có hoạt động giao dịch mà chỉ xuất bán hóa đơn.

Mua bán trái phép hóa đơn hơn 1.600 tỷ đồng

Trong quá trình điều tra, các bị cáo Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang và nhóm đồng phạm cũng khai nhận đã mua 475 hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng giá trị gồm cả thuế là trên 1.600 tỷ đồng. Nguồn tiền để trả cho việc mua hóa đơn chủ yếu lấy từ tiền bán than lậu.

Cụ thể, nhóm 5 công ty tại Hải Phòng do Lã Xuân Hữu điều hành đã ký 9 hợp đồng và 4 phụ lục hợp đồng, xuất bán 315 hoá đơn với tổng giá trị gồm thuế Giá trị gia tăng là hơn 1.097 tỷ đồng.

Thêm vào đó, nhóm 6 công ty tại Nam Định do Trần Ngọc Hán điều hành cũng đã ký 7 hợp đồng, xuất bán 80 hóa đơn mặt hàng than các loại với tổng giá trị gồm thuế Giá trị gia tăng là gần 532 tỷ đồng.

Không chỉ "khét tiếng" về hoạt động khai thác, tiêu thụ than lậu, hai anh em Thanh và Giang (áo trắng) còn được biết đến là "đại gia" lan đột biến tại Đông Triều, Quảng Ninh.

Cách thức của các bị cáo nhóm Công ty Đông Bắc Hải Dương thực hiện là liên hệ với một số công ty để mua hóa đơn Giá trị gia tăng; cân đối số lượng than cần xuất hóa đơn; trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu; lập hợp đồng khống và các chứng từ liên quan cho nhóm Hữu và Hán để các bị cáo này sử dụng các công ty do mình chỉ đạo ký hợp thức chứng từ, thực hiện việc xuất hóa đơn, nộp tiền, chuyển tiền tạo dòng tiền thanh toán hợp thức.

Mặt khác, Hữu và Hán chỉ đạo nhân viên hoặc thuê dịch vụ ngân hàng nộp tiền vào tài khoản nhóm các Công ty Đông Bắc Hải Dương, sau đó sử dụng ủy nhiệm chi bỏ trống thông tin, đã có chữ ký, đóng dấu do kế toán Công ty Đông Bắc Hải Dương chuyển trước đó để điền thông tin chuyển khoản thanh toán tiền vào tài khoản của nhóm các công ty bán hóa đơn nhằm hợp thức dòng tiền thanh toán theo họp đồng, hóa đơn đã xuất.

Từ các hoạt động mua bán trái phép hóa đơn trên, Hữu được xác định thu 2,5% - 3% tiền phí, thu lợi bất chính gần 30,5 tỷ đồng; còn Hán thu 4% tiền phí, thu lợi bất chính hơn 19 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, các bị can Lã Xuân Hữu, Trần Thị Loan (vợ Hữu); Trần Ngọc Hán, Lê Thị Thủy Tiên (kế toán) đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, gia đình bị cáo Hán đã nộp thay toàn bộ số tiền hơn 19 tỷ đồng thu lợi bất chính.

Vi phạm tại mỏ than Bố Hạ: Khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo Công ty Khoáng sản Bắc Giang
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang cùng nhiều lãnh đạo liên quan bị khởi tố do khai thác vượt trữ lượng tại mỏ than Bố Hạ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư