Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 13 tháng 11 năm 2024,
Đường sắt tốc độ cao: Nhận chuyển giao công nghệ sẽ đảm bảo tiến độ
Nguyễn Lê - 13/11/2024 15:37
 
Đại biểu Quốc hội cho rằng, bí quyết để việc triển khai các đại dự án đạt tiến độ là làm chủ công nghệ.
.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại tổ.

Sáng 13/11, thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, song cho rằng cần làm rõ nhiều vấn đề cụ thể, trong đó có chuyển giao công nghệ. 

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu và công nghệ tín hiệu điều khiển chạy tàu tiên tiến đang được khai thác thương mại trên thế giới cho Dự án.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì trong nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải ghi rõ việc đầu tư dự án này phải thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

“Chúng ta phải làm chủ quá trình đầu tư để đầu tư toàn bộ các hệ thống đường sắt khác chứ không mua sản phẩm có sẵn dù mua sẵn thì rẻ hơn. Nhưng chúng ta thà đắt một lần nhưng mãi mãi bền vững về sau”, ông Cường phát biểu.

Đại biểu Cường so sánh các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đều kéo dài hàng chục năm không hoàn thành. Trong khi đó, dự án đường dây 500 KV mạch 3 triển khai rất thần tốc. Ông Cường cho rằng, bí quyết để việc triển khai các đại dự án đạt tiến độ là làm chủ công nghệ.

“Do vậy, tôi đề nghị tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, không quan trọng là công nghệ của nước nào, nước nào cũng được nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta. Ta phải là nhà đầu tư, ta phải là người nhận công nghệ và triển khai”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông, nếu giải quyết được vấn đề chuyển giao công nghệ thì sẽ đảm bảo tiến độ. “Nếu như nhà đầu tư nước ngoài vào thì 10 năm chắc chắn không hoàn thành”, vị đại biểu Hà Nội nhìn nhận.

Quan trọng hơn, theo đại biểu Cường, nếu làm chủ công nghệ thì sau dự án này Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp đường sắt. Nếu tiếp tục đi mua thì sau khi hoàn thành dự án sẽ tiếp tục bị phụ thuộc vào thiết bị, vận hành và cả bảo dưỡng, sửa chữa.

“Nếu như vậy thì nó trở thành một cái gánh nặng, một món nợ cho tất cả đời sau. Tôi cho rằng cái chi phí đấy là cái lớn”, đại biểu Cường phân tích.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt. Cả 3 tuyến đường sắt đô thị hiện nay là công nghệ của 3 nước khác nhau. Tuyến Cát Linh - Hà Đông là công nghệ Trung Quốc; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội là công nghệ Pháp còn tuyến Bến Thành - Suối Tiên là công nghệ Nhật.

Ông Thường nhận xét, việc chuyển giao công nghệ tới nay mới chỉ dừng ở việc đào tạo phục vụ vận hành, còn trang thiết bị khai thác vận hành hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài, chưa sản xuất trong nước. “Trường hợp cần thay thế phải phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài, rất khó khăn”, ông Thường lo ngại.

Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Thường đề nghị cần phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật nhất quán cho đường sắt và phải có một cơ quan thống nhất chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành, bảo trì đường sắt trên cả nước.

Về chuyển giao công nghệ, ông Thường nhấn mạnh không chỉ chuyển giao khai thác vận hành mà phải bao gồm sản xuất, lắp đặt trang thiết bị, đặc biệt là công nghệ lõi như tàu điện, đường ray, hệ thống tín hiệu.

Các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên doanh với nhà thầu trong nước, đàm phán chuyển giao công nghệ cho công ty trong nước, ký hợp động chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu. Và phải thành lập bộ phận giám sát việc chuyển giao công nghệ này, theo quan điểm của đại biểu Thường.

Phát biểu tại tổ, về vấn đề chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nói, trước nay chúng ta nói rất nhiều về chuyển giao công nghệ, yêu cầu đối tác chuyển giao nhưng không rõ chuyển cho ai, dẫn đến chưa thực hiện thành công.

Còn hiện nay, ông Thắng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GTVT đã triển khai chủ động, lựa chọn 1 số doanh nghiệp lớn để chỉ định hợp tác và nhận chuyển giao.

Bộ đã tiếp xúc làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân lớn, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để sau này khi triển khai sẽ chỉ định đây là các doanh nghiệp quốc gia, được tham gia chuyển giao công nghệ.

Cũng theo Bộ trưởng thì phải lựa chọn vấn đề gì cốt tử để nhận chuyển giao.

"Việc chuyển giao công nghệ lõi là chưa cần thiết vì nhu cầu xây thêm trong nước chưa cao, chúng ta chưa hy vọng có thêm các tuyến đường sắt cao tốc khác nữa. Bây giờ chăm chăm nghiên cứu công nghệ lõi là không cần thiết", ông Thắng nói.

Nhưng, theo Bộ trưởng, công nghệ thi công xây dựng, sản xuất đầu máy toa xe và đặc biệt là bảo trì, sửa chữa, nâng cấp là phải chuyển giao được.

"Đó là vấn đề cốt tử với chúng ta vì việc bảo trì, bảo dưỡng nâng cấp tốn rất nhiều kinh phí, chi phí. Nếu phụ thuộc đối tác nước ngoài thì rất tốn kém. Cho nên, dứt khoát doanh nghiệp Việt Nam phải đảm đương, làm chủ", người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư