
-
Bình Định, Ninh Thuận khánh thành các dự án giao thông giúp kết nối liên vùng
-
Khai thác tuyến chính gần 30 km cao tốc Bến Lức - Long Thành từ ngày 28/4/2025
-
Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, tổng mức đầu tư 9.361 tỷ đồng
-
Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, tổng mức đầu tư 9.735 tỷ đồng
-
Khánh thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, tổng mức đầu tư 10.873 tỷ đồng -
Khởi công, khánh thành 80 dự án trên khắp cả nước với tổng số vốn 445.000 tỷ đồng
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Chính thức nới công suất của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình lên 5 triệu khách/năm
Trong giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình (Bắc Ninh) được quy hoạch đạt công suất 5 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa mỗi năm, sử dụng chung cho mục đích dân dụng và an ninh - quốc phòng. Đây là nội dung trọng tâm của Quyết định số 408/QĐ-BXD về điều chỉnh quy hoạch Cảng, với tầm nhìn đến năm 2050 nâng công suất lên 15 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
![]() |
Phối cảnh mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021 - 2030. |
Cảng Gia Bình có cấp sân bay 4E, khai thác các loại tàu bay lớn như B777, B787, A350… với đường cất hạ cánh dài 3.500 m. Nhà ga hành khách và hàng hóa đều sẽ được mở rộng, bố trí phía Tây Nam. Khu nhà ga VIP cho chuyên cơ được bố trí riêng tại phía Nam khu sân đỗ. Diện tích quy hoạch toàn cảng đến năm 2050 vào khoảng 408,5 ha.
Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị bổ sung quỹ đất để dự phòng đường cất hạ cánh số 2 về phía Bắc. Trong Thông báo 68/TB-VPCP ngày 27/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về nguyên tắc chủ trương mở rộng sân bay Gia Bình thành cảng quốc tế cấp 4E và đầu tư tuyến đường kết nối với Hà Nội, hướng tới hoàn thành đồng bộ vào năm 2026.
Cần tới 77.452 tỷ đồng để đầu tư hệ thống cảng biển TP.HCM đến năm 2030
Theo Quyết định số 407/QĐ-BXD vừa được Bộ Xây dựng phê duyệt, hệ thống cảng biển TP.HCM sẽ được đầu tư mạnh với tổng vốn khoảng 77.452 tỷ đồng trong giai đoạn đến năm 2030, nhằm đạt sản lượng 228 - 253 triệu tấn hàng hóa và 170.600 - 184.400 lượt khách mỗi năm.
![]() |
Phối cảnh Khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. |
Hệ thống gồm các khu bến lớn như Cát Lái - Phú Hữu, Hiệp Phước, Nhà Bè, Long Bình, sông Sài Gòn, cùng trọng điểm là Khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - nơi sẽ tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn, quy mô từ 2-4 cầu cảng dài 2.016 m, với sản lượng dự kiến 22,8 - 57,6 triệu tấn hàng hóa.
Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống dự kiến tăng trưởng hàng hóa 3,5 - 3,8%/năm, hành khách 0,9 - 1%/năm. Cảng Cần Giờ sẽ mở rộng lên khoảng 13 bến phục vụ trung chuyển quốc tế. TP.HCM cũng sẽ hoàn thiện di dời cảng trên sông Sài Gòn và đầu tư các bến du thuyền, bến khách quốc tế gắn với phát triển du lịch.
Bộ Xây dựng khuyến khích xã hội hóa, huy động nguồn lực đa dạng và đẩy mạnh phân cấp trong đầu tư hạ tầng, đồng thời yêu cầu các cảng mới cam kết không vượt quá 25% lượng hàng hóa nội địa nhằm giữ vai trò cảng trung chuyển quốc tế.
TP.HCM khởi công và khánh thành hàng loạt công trình trước ngày 30/4
Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TP.HCM sẽ đồng loạt khởi công và khánh thành hàng loạt công trình giao thông, cải thiện môi trường từ ngày 19/4 đến 30/4.
![]() |
Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3 sẽ khánh thành ngày 19/4 - Ảnh: T.K |
Ngày 19/4, Thành phố sẽ khởi công nhiều dự án trọng điểm như đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng) và tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (gói thầu rà phá bom mìn). Đồng thời, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn cũng được khởi công.
Trong cùng ngày, TP.HCM khánh thành đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối nhà ga T3, góp phần cải thiện giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ ngày 25 đến 30/4, các dự án lớn như nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), hầm HC1 nút giao An Phú và nhánh A nút giao đường Vành đai 3 sẽ lần lượt được hoàn thành. Cũng trong ngày 25/4, Thành phố khởi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước Nguyễn Văn Khối - Lê Văn Thọ và thông xe kỹ thuật các đoạn thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kết nối TP.HCM với Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Ninh Thuận khánh thành Đường vành đai phía Bắc gần 500 tỷ đồng
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa khánh thành Đường vành đai phía Bắc đoạn từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1 dài 10,42 km, tổng vốn đầu tư hơn 487 tỷ đồng, nhằm chào mừng 50 năm ngày giải phóng Ninh Thuận và thống nhất đất nước.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Đường Vành đai phía Bắc tỉnh Ninh Thuận (đoạn từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1). |
Tuyến đường đạt chuẩn công trình giao thông cấp II với mặt cắt ngang 21 m, trong đó mặt đường rộng 14 m, được hoàn thành chỉ sau 16 tháng, sớm hơn tiến độ 3 tháng. Dự án giúp kết nối nhanh với Quốc lộ 1A, rút ngắn khoảng cách từ các địa phương ven biển huyện Ninh Hải đến vùng kinh tế phía Bắc của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, tăng cường quản lý trật tự xây dựng và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án ban đầu được phê duyệt năm 2020 với tổng chiều dài 27,7 km, vốn đầu tư hơn 1.248 tỷ đồng, gồm 2 đoạn. Sau điều chỉnh, giai đoạn đầu triển khai đoạn từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1, với kinh phí 487,64 tỷ đồng.
Hà Nội đầu tư gần 740 tỷ đồng xây nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng (quận Hà Đông) với tổng mức đầu tư gần 740 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2024 đến 2027.
Dự án nhằm hiện thực hóa Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu cải thiện tình trạng ô nhiễm tại lưu vực Phú Lương. Công trình sẽ xây dựng hệ thống cống chính, tuyến cống bao, giếng tràn và nhà máy xử lý tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại để xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Dự án thuộc nhóm công trình hạ tầng kỹ thuật cấp I, có thời hạn sử dụng tối thiểu 50 năm. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội được giao làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn diện về tính pháp lý, kỹ thuật và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Hà Nội đầu tư gần 880 tỷ đồng làm cầu vượt Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 6
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) và Quốc lộ 6 với tổng vốn gần 880 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2026–2028.
Dự án gồm cầu vượt dài khoảng 883 m với kết cấu nhịp chính và nhịp dẫn bằng thép, quy mô 4 làn xe. Kèm theo đó là mở rộng mặt đường, tổ chức lại giao thông, hệ thống đèn tín hiệu, di dời hạ tầng kỹ thuật và cây xanh, đảm bảo mỹ quan và an toàn đô thị.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội được giao làm chủ đầu tư, có trách nhiệm tiếp thu góp ý từ các đơn vị liên quan, lựa chọn phương án thiết kế tối ưu về kỹ thuật và kiến trúc, hạn chế di dời cây xanh, đồng thời phối hợp với cơ quan quản lý để đảm bảo khớp nối hạ tầng, đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị số 7.
Cần 34.578 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến năm 2030
Theo dự thảo quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này ước tính khoảng 34.578 tỷ đồng, nhằm đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua từ 137,25 – 157,3 triệu tấn và 260.300 – 279.600 lượt hành khách.
![]() |
Quảng Ninh có cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng biển khá đa dạng. Ảnh: VP Đông Bắc |
Hiện Quảng Ninh có 34 cầu cảng với chiều dài gần 7.000m, 186 bến phao và hệ thống luồng hàng hải đa dạng như Hòn Gai – Cái Lân, sông Chanh, Vạn Gia, Cẩm Phả… Các tuyến quốc lộ, cao tốc và đường thủy nội địa kết nối đồng bộ giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi, với tỷ lệ hàng hóa vận chuyển bằng thủy nội địa chiếm khoảng 50%.
Hạ tầng cảng biển dự kiến phát triển 27–30 bến cảng với 54–60 cầu cảng, chiều dài 12.285–13.616m. Đến năm 2050, hệ thống cảng đặt mục tiêu tăng trưởng hàng hóa bình quân 5–5,3%/năm và xây dựng thương hiệu cảng mang tầm khu vực, quốc tế.
Dự án ưu tiên gồm đầu tư luồng cho tàu đến 200.000 tấn vào khu vực Cẩm Phả – Hòn Nét, tàu 50.000 tấn vào Cái Lân, sông Chanh; phát triển các cảng tại Cẩm Phả, Yên Hưng, Vạn Ninh, Hải Hà, Mũi Chùa và Vân Đồn; đồng thời nâng cấp hệ thống neo đậu, VTS, bến dịch vụ và cơ sở quản lý chuyên ngành nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và hiệu quả khai thác.
Hà Nội rót hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng Cụm công nghiệp Mai Đình, huyện Sóc Sơn
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp Mai Đình tại huyện Sóc Sơn với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, hướng tới mô hình cụm công nghiệp công nghệ cao, sạch và phát triển bền vững.
![]() |
Khu vực khoanh đỏ dự kiến triển khai dự án Cụm công nghiệp Mai Đình, huyện Sóc Sơn. |
Dự án có quy mô hơn 66,5ha, do Liên danh Công ty cổ phần Hạ tầng Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ, Thương mại và Phát triển hạ tầng Hưng Yên làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện 24 tháng. Cụm công nghiệp sẽ thu hút các ngành nghề công nghệ cao như điện tử, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chính xác, sản xuất ô tô..., ưu tiên sản xuất sạch, ít phát thải, giá trị gia tăng cao.
Mục tiêu dự án là di dời, mở rộng sản xuất của các cơ sở nhỏ lẻ trong khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Sóc Sơn. Hạ tầng dự án được đầu tư đồng bộ với hệ thống xử lý nước thải hiện đại, giao thông nội bộ, chiếu sáng, cây xanh...
Thành phố yêu cầu chủ đầu tư không xây dựng nhà ở hay trung tâm thương mại trong cụm công nghiệp và phải hoàn tất đầy đủ thủ tục pháp lý trước khi triển khai. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa quy hoạch phát triển cụm công nghiệp Hà Nội đến năm 2025, định hướng 2030.
Vĩnh Long lập Tổ đôn đốc tiến độ dự án đầu tư cầu Đình Khao vốn 2.971 tỷ đồng
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa thành lập Tổ theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện Dự án cầu Đình Khao nối Vĩnh Long và Bến Tre, tổng mức đầu tư hơn 2.971 tỷ đồng, triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP).
![]() |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại phà Đình Khao hiện nay |
Tổ công tác do Giám đốc Sở Tài chính Phạm Minh Thiện làm Tổ trưởng có nhiệm vụ giám sát thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư và xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời, Tổ tham mưu UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bến Tre để đẩy nhanh tiến độ.
Dự án được phê duyệt chủ trương ngày 8/10/2024 với mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc tại phà Đình Khao, hoàn thiện tuyến Quốc lộ 57, kết nối hệ thống cao tốc và tăng liên kết vùng. Tuyến có chiều dài 4,3 km, thiết kế tốc độ 80 km/h, mặt đường 12 m (giai đoạn hoàn thiện 20,5 m). Cầu Đình Khao dài 1,54 km, bề rộng hoàn thiện 17,5 m với 4 làn xe.
Vốn đầu tư gồm 51,1% từ nhà đầu tư (1.519 tỷ đồng) và 48,9% vốn nhà nước (1.452 tỷ đồng). Đây là công trình giao thông trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Thiếu nguồn lực, dự án 800 tỷ đồng ở Quảng Ngãi chậm triển khai
Dự án Công viên Thiên Bút và Khu đô thị sinh thái Thiên Tân tại TP. Quảng Ngãi dù được đề xuất từ năm 2017, đến nay vẫn chưa thể triển khai do thiếu nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.
Ban đầu được đề xuất đầu tư theo hình thức BT, nhưng sau khi loại bỏ hình thức này, đến tháng 5/2021, dự án được chuyển sang thực hiện bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, quá trình lập quy hoạch mất nhiều thời gian do yêu cầu cao về thẩm mỹ, kỹ thuật và yếu tố phong thủy, cùng với khó khăn về vốn đầu tư khiến dự án tiếp tục chậm tiến độ.
![]() |
Núi Thiên Bút nằm ở trung tâm thành phố, là một trong 12 thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. |
Nằm tại khu vực núi Thiên Bút – một trong 12 thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh, dự án có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan, lịch sử và phát triển đô thị. Đến cuối năm 2024, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Tháng 3/2025, UBND TP. Quảng Ngãi chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng vốn khoảng 800 tỷ đồng.
Hiện nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển Quỹ đất thành phố đang trong quá trình lựa chọn đơn vị tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến công trình sẽ được khởi công trong năm 2025 nếu hoàn tất đầy đủ các bước chuẩn bị.
Xác định nhà đầu tư trúng thầu Dự án PPP cao tốc Dầu Giây - Tân Phú vốn hơn 8.400 tỷ đồng
Bộ Xây dựng vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Liên danh Trường Hải - Sơn Hải trúng thầu với tổng vốn đầu tư 8.407,8 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư chiếm hơn 7.100 tỷ đồng, phần vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ đồng.
![]() |
Nút giao Dầu Giây - điểm khởi đầu của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. |
Dự án có chiều dài 60,24 km, đi qua các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai); điểm đầu kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, điểm cuối kết nối với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Giai đoạn 1 xây dựng đường 4 làn xe, nền đường rộng 17 m; tại các vị trí cầu, nút giao sẽ thiết kế theo mặt cắt hoàn chỉnh rộng 24,75 m.
Thời gian thi công hoàn thành dự kiến trong 24 tháng kể từ ngày khởi công, thời gian vận hành khai thác theo hợp đồng là gần 17 năm. Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao hoàn thiện dự thảo hợp đồng và phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam để đàm phán, ký kết và triển khai dự án theo đúng quy định.
Quảng Ngãi dự kiến lấn biển hơn 127 ha tạo quỹ đất mới làm Sân bay Lý Sơn
Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết đang đề xuất lấn biển hơn 127 ha để tạo quỹ đất xây dựng Sân bay Lý Sơn, thuộc quy hoạch phân khu đô thị tỉ lệ 1/2000 xã An Hải, huyện Lý Sơn, với tổng diện tích sân bay dự kiến hơn 161 ha.
![]() |
Quảng Ngãi định hướng quy hoạch cảng hàng không Lý Sơn với diện tích 161 ha, trong đó lấn biển hơn 127 ha. |
Do diện tích đảo hạn chế và mật độ dân cư cao, phương án lấn biển được đánh giá là cần thiết để đảm bảo các thông số kỹ thuật và an toàn khai thác sân bay. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đây sẽ là sân bay lưỡng dụng (quân sự - dân dụng), đạt cấp 4C, dự kiến phục vụ 3 - 3,5 triệu lượt khách mỗi năm, khai thác các dòng máy bay A320, A321.
Dự án sẽ kết nối với hệ thống logistics, tàu điện, đường bộ và các khu chức năng trên đảo. Giai đoạn 1 của dự án sân bay dự kiến triển khai từ 2026-2030 với tổng vốn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương; giai đoạn 2 (2031-2035) tiếp tục đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc ngày 9/2/2025, Thủ tướng yêu cầu tỉnh nghiên cứu kỹ chủ trương xây dựng sân bay Lý Sơn và phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT triển khai theo hình thức PPP nếu khả thi. Lý Sơn hiện là điểm đến du lịch hấp dẫn của Quảng Ngãi, với khoảng 250.000 lượt khách/năm, nổi bật bởi cảnh quan núi lửa cổ, bãi biển hoang sơ và đặc sản tỏi nổi tiếng.
Cần Thơ khởi công, khánh thành 4 công trình, dự án chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2025), UBND TP. Cần Thơ đăng ký 4 công trình và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ khai trương vào ngày 10/3/2025, đây là 1 trong 4 công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ (quận Ninh Kiều) đã khai trương ngày 10/3/2025, với quy mô 155 giường nội trú, diện tích hơn 41.000 m² và vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng, phục vụ khoảng 60.000 lượt khám/năm, gồm 21 chuyên khoa.
Ngày 24/4, Thành phố dự kiến công bố hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Ngày 25/4, khởi công Nhà máy BESTWAY tại KCN VSIP Cần Thơ, và ngày 26/4, tổ chức lễ động thổ, trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall Cần Thơ.
Dự án Aeon Mall do Công ty Hoa Lâm Cần Thơ làm chủ đầu tư, tổng vốn 5.400 tỷ đồng, xây dựng tại phường Long Hòa (quận Bình Thủy), với tổng diện tích sàn hơn 195.000 m². Giai đoạn 1 triển khai trung tâm thương mại 1 (113.921 m²); giai đoạn 2 gồm trung tâm thương mại 2 và tòa nhà đỗ xe (81.152 m²). Đây là những dự án tiêu biểu, tạo điểm nhấn cho đô thị Cần Thơ trong giai đoạn phát triển mới.
TP.HCM khởi công đường nối vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây ngày 26/4
TP.HCM sẽ chính thức khởi công Dự án mở rộng đường nối từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 thuộc tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào ngày 26/4/2025, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và tăng cường kết nối vùng.
Dự án có tổng chiều dài 3,2 km, với quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe. Trong đó, đoạn đường dài 2,19 km được mở rộng mỗi bên 4,75 m, chiều rộng toàn tuyến đạt 36 m. Phần cầu mở rộng gồm cầu Mương Kênh và cầu vượt Đỗ Xuân Hợp, mỗi bên rộng 5,25 m, tổng chiều dài khoảng 929 m.
![]() |
Điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao An Phú thường xuyên xảy ra ùn tắc- Ảnh: Lê Toàn |
Tổng vốn đầu tư là 938 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP.HCM. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố được giao làm chủ đầu tư.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, lưu lượng xe trên đoạn đường này đã tăng trung bình hơn 11% mỗi năm kể từ năm 2016 và vượt mức thiết kế khoảng 50.000 xe/ngày đêm. Việc mở rộng tuyến từ 4 lên 8 làn xe là cần thiết để giảm áp lực giao thông, đồng thời đảm bảo kết nối thông suốt tới Sân bay quốc tế Long Thành và các trục giao thông huyết mạch khu vực phía Nam.
Ninh Thuận khởi động lại phát triển dự án điện LNG Cà Ná
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt chủ trương đầu tư và khởi động lại quá trình lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Cà Ná – một trong những dự án trọng điểm về năng lượng quốc gia, với tổng vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng.
![]() |
Quy hoạch khu đô - công nghiệp - cảng Cà Ná, bao gồm nhà máy điện khí LNG. |
Dự án được quy hoạch tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, trên diện tích 28,06 ha đất và 111,7 ha mặt nước, bao gồm nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp công suất 1.500 MW, hệ thống kho cảng LNG, 1 bồn chứa 220.000 m³, cầu cảng nhập LNG và đê chắn sóng dài 2.400 m.
Giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư dự kiến diễn ra từ quý I đến quý IV/2025. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài từ đầu năm 2026, khởi công vào quý IV/2026 và vận hành từ quý I/2030.
Dự án từng được bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và tiếp tục khẳng định trong Quy hoạch Điện VIII. Trước đây, đã có 5 nhà đầu tư lớn được tỉnh công nhận đáp ứng yêu cầu sơ bộ, gồm các liên danh và tập đoàn quốc tế như Hanwha, Gulf MP, Jera, Total, Siemens, Zarubezhneft và Trung Nam.
Việc tái khởi động dự án LNG Cà Ná thể hiện quyết tâm của Ninh Thuận trong việc phát triển trung tâm năng lượng sạch và bền vững, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới.
Khởi công xây dựng dự án cung cấp suất ăn đầu tiên tại Sân bay Long Thành
Ngày 17/4, Cục Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam (VINACS) tổ chức lễ động thổ Dự án cung cấp suất ăn hàng không số 2 - hạng mục đầu tiên trong Dự án thành phần 4 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án được xây dựng tại khu đất E-09, xã Bình Sơn (huyện Long Thành), có diện tích hơn 30.181 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 655 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự kiến sẽ cung cấp 20.000 suất ăn/ngày cho hành khách và phi hành đoàn, phục vụ vận hành đồng bộ khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ cuối năm 2025.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Dự án. |
Đây là bước triển khai quan trọng trong Dự án thành phần 4 – các công trình dịch vụ hàng không, do Cục Hàng không Việt Nam làm cơ quan chủ quản. Trước đó, hai doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện là VINACS (gói số 2) và VACS (gói số 1), đều là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực suất ăn tại các sân bay lớn trên cả nước.
Việc khởi công sớm 15 ngày so với kế hoạch thể hiện quyết tâm của chủ đầu tư và sự đẩy nhanh thủ tục từ phía Cục Hàng không Việt Nam, nhằm đảm bảo tiến độ 18 tháng thi công và thời hạn vận hành trong gần 25 năm. Dự án góp phần hoàn thiện hạ tầng dịch vụ tại cảng hàng không cửa ngõ quốc tế lớn nhất phía Nam.
Hà Nội đầu tư hơn 623 tỷ đồng làm Cụm công nghiệp làng nghề Nam Tiến
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2092/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Nam Tiến tại huyện Phú Xuyên, với tổng mức đầu tư hơn 623 tỷ đồng, thời gian thực hiện 23 tháng kể từ ngày ký quyết định và hoạt động trong vòng 50 năm.
Dự án có quy mô 26,3 ha, đặt tại xã Nam Tiến và thị trấn Phú Minh. Cụm công nghiệp sẽ tập trung vào các ngành nghề như mộc dân dụng, cơ khí và các ngành truyền thống khác phù hợp quy định, nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra khu vực tập trung, đồng thời phát triển công nghiệp theo hướng sạch và hiện đại.
Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng & đô thị Hoàng Tín là chủ đầu tư dự án, có trách nhiệm triển khai hệ thống hạ tầng đồng bộ như: trạm xử lý nước thải công nghệ cao, hệ thống thu gom nước thải – nước mưa riêng biệt, khu xử lý chất thải, chiếu sáng, cây xanh…
Thành phố cũng yêu cầu ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới, tự động hóa, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường khi tham gia đầu tư sản xuất trong cụm. Chủ đầu tư phải đảm bảo tính pháp lý và nguồn vốn thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Đề xuất đầu tư 56.301 tỷ đồng xây tuyến metro Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên
UBND tỉnh Bình Dương vừa trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư tuyến metro số 1 kết nối Thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên, có tổng chiều dài 29,01 km và tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 56.301 tỷ đồng.
Tuyến metro đi trên cao, bắt đầu từ Ga S1 (phường Hòa Phú, Thủ Dầu Một) đến Ga Bến xe Suối Tiên (TP. Dĩ An), kết nối trực tiếp với tuyến metro số 1 TP.HCM (Bến Thành – Suối Tiên), đi qua 4 thành phố: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đô thị đôi, khổ ray 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ 120 km/h, gồm 19 nhà ga với khoảng cách trung bình 1,7 km. Tàu sử dụng công nghệ EMU (động lực phân tán), tích hợp với hệ thống giao thông đô thị vùng.
Nguồn vốn đầu tư được kiến nghị từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh (chiếm 39%), phát triển định hướng TOD (41%) và các nguồn hợp pháp khác. Dự án dự kiến lập và phê duyệt chủ trương trong quý II/2025, khởi công vào năm 2027 và hoàn thành năm 2031.
Tuyến metro này được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, kết nối Bình Dương với TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu trong bối cảnh chuẩn bị sát nhập hành chính, đồng thời thúc đẩy phân bố dân cư và phát triển các đô thị vệ tinh dọc hành lang tuyến.
Hậu Giang đầu tư Khu công nghệ số giai đoạn 2, vốn 400 tỷ đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến vừa ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2, với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, thực hiện trong giai đoạn 2025-2028.
![]() |
Phối cảnh Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang. |
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, đặt tại TP. Vị Thanh. Mục tiêu là thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp và sinh học, đồng thời hoàn thiện hạ tầng khu công nghệ số theo quy hoạch, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Quy mô dự án bao gồm xây dựng mới hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp cổng phụ Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh thành cổng chính khu công nghệ số, cải tạo tuyến đường hiện trạng kết nối từ đường 19/8 vào khu vực dự án.
UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan triển khai đúng quy định pháp luật. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công trước ngày 30/6/2025.
Hải Dương khởi công, thông xe kỹ thuật 3 dự án trọng điểm ngày 19/4
Hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 19/4, tỉnh Hải Dương sẽ đồng loạt khởi công và thông xe kỹ thuật ba dự án giao thông và thương mại trọng điểm với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Thứ nhất, tỉnh sẽ khởi công Dự án Trung tâm Thương mại AEON Hải Dương do Công ty TNHH AEON Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 1.170 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại xã Liên Hồng và phường Thạch Khôi (TP. Hải Dương), diện tích hơn 3.500 m², dự kiến đưa vào khai thác quý III/2026.
![]() |
Dự án Trung tâm Thương mại AEON Hải Dương có diện tích hơn 3.500 m2. Ảnh: Thành Chung |
Thứ hai, khởi công Dự án xây dựng đường tỉnh 394B (đoạn nối từ tỉnh lộ 395 đến trục Bắc - Nam), dài 6,723 km, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Dự án đi qua huyện Bình Giang và Thanh Miện, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư.
Thứ ba, thông xe kỹ thuật Dự án đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương dài gần 36,5 km, tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng, kết nối các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà.
Các sự kiện được tổ chức trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên địa bàn tỉnh, với điểm cầu chính đặt tại Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thể hiện nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng.
Cần Thơ: Thêm 3 dự án bất động sản hoàn thành định giá đất tính tiền sử dụng đất
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ cho biết đã hoàn tất công tác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất cho 3 dự án bất động sản gồm: Khu dân cư Nam Long 2 (lô 9A) và Khu dân cư Hưng Thạnh (lô 5C) tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng; và Dự án căn hộ cao cấp Thiên Quân - Marina Plaza tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều.
![]() |
Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều đang được thực hiện công tác định giá đất. |
Hiện nay, nhiều dự án khác như Khu đô thị STK An Bình, Trung tâm thương mại và nhà ở tại phường Cái Khế, Dự án Trường Đại học Nam Cần Thơ, dự án của Công ty IDICO và Dự án chỉnh trang đô thị thị trấn Cờ Đỏ đang trong quá trình định giá đất cụ thể.
Theo Sở, công tác định giá đất gặp khó khăn do thay đổi chính sách, điều chỉnh quy hoạch, kéo dài thời gian thực hiện và công tác bồi thường, tái định cư chưa hoàn tất. Tuy nhiên, Sở đang khẩn trương triển khai theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ đã kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển khẳng định Thành phố đã báo cáo cụ thể từng dự án và sẽ tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy. Hiện có 17 dự án đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự kiến lựa chọn nhà đầu tư, khởi công dự án Vành đai 4 TP.HCM vào năm 2026
TP.HCM cùng các địa phương liên quan đang chuẩn bị cho việc triển khai Dự án Vành đai 4 TP.HCM với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.412 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 50.632 tỷ đồng sẽ được huy động theo hình thức đối tác công tư (PPP – hợp đồng BOT).
Tuyến đường có chiều dài khoảng 159,31 km, đi qua địa phận 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Mặt cắt ngang toàn tuyến rộng 74,5m, gồm 8 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh.
![]() |
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM. |
Sơ bộ giai đoạn 1 (không bao gồm đoạn qua Bình Dương) cần vốn Trung ương hơn 29.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 40.000 tỷ đồng và phần PPP chiếm hơn 50.000 tỷ đồng. Việc đầu tư theo hình thức PPP sẽ giảm áp lực lên ngân sách, tăng hiệu quả vận hành – khai thác và thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực.
Theo kế hoạch, các địa phương sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và tái định cư trong năm 2027. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ diễn ra từ năm 2026. Dự kiến dự án sẽ đồng loạt khởi công từ 2026 và hoàn thành toàn tuyến trong năm 2029. Đây là một trong những công trình giao thông liên vùng trọng điểm, góp phần phát triển hạ tầng, kết nối kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Khởi công xây dựng Khu công nghiệp Tiên Thanh hơn 4.597 tỷ đồng
Ngày 18/4, tại huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng), Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh với quy mô 410,46 ha và tổng vốn đầu tư hơn 4.597 tỷ đồng.
Dự án hướng tới phát triển một khu công nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng công nghệ xanh và thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và chế tạo. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, gồm hệ thống xử lý nước thải, cấp điện, cấp thoát nước và viễn thông.
![]() |
Phối cảnh KCN Tiên Thanh. |
KCN Tiên Thanh có vị trí chiến lược kết nối thuận tiện với các loại hình giao thông và khu vực duyên hải Bắc Bộ, phù hợp phát triển trung tâm logistics và thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Sau khi hoàn thành, dự án dự kiến tạo ra hơn 30.000 việc làm và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực phía Nam TP. Hải Phòng.
Lãnh đạo thành phố kỳ vọng đây sẽ là “điểm đến” hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự án dự kiến bắt đầu cho thuê hạ tầng từng phần từ quý III/2026, hướng tới hình thành KCN sinh thái, bền vững, góp phần nâng tầm Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước.
TP.HCM chi 6.285 tỷ đồng xây dựng dự án cầu đường Bình Tiên
Sáng 18/4, HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án cầu đường Bình Tiên – tuyến giao thông chiến lược kết nối trung tâm thành phố với khu Nam Sài Gòn và các tuyến vành đai. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.285 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM, dự kiến khởi công quý I/2026 và hoàn thành năm 2027.
![]() |
Dự án cầu, đường Bình Tiên sẽ cắt ngang qua đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Lê Toàn |
Tuyến cầu đường dài khoảng 3,66 km, mặt cắt ngang 30 - 40m, 4 - 6 làn xe, đi qua quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh, nối từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh. Dự án được chia thành 2 thành phần: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng (3.300 tỷ đồng); xây lắp chính (2.900 tỷ đồng).
Cầu đường Bình Tiên sẽ tạo thêm hướng lưu thông mới, giảm tải cho các trục đường hiện hữu như Nguyễn Hữu Thọ, Dương Bá Trạc, Phạm Hùng và quốc lộ 50 – vốn đã thường xuyên ùn tắc. Đây cũng là giải pháp đáp ứng nhu cầu lưu thông tăng mạnh khi cao tốc Bến Lức – Long Thành đi vào khai thác.
Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, tăng cường kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển và khu công nghiệp, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn sau 2050.
Nghệ An phê duyệt 33 dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp năm 2025
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 1042/QĐ-UBND phê duyệt 33 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện trung áp và hạ áp trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2025, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển phụ tải, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực địa phương.
![]() |
33 dự án lưới điện trung hạ áp tại Nghệ An được phê duyệt. |
Công ty Điện lực Nghệ An được giao làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn diện về tính pháp lý và tính khả thi của các dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan để đảm bảo tiến độ thi công, an toàn và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành như Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường… và tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, góp phần ổn định hạ tầng năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi chỉ đạo gỡ vướng cho dự án thép 85.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 – dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng, quy mô 280 ha.
Hiện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đang gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và xử lý vật liệu dư thừa. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Sơn đến năm 2030, bổ sung tuyến đường sắt Trì Bình - Dung Quất vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2025-2030, cùng với việc giải quyết các thủ tục liên quan đến môi trường, bãi tập kết tạm và khu vực cảng biển chuyên dùng.
![]() |
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, đây là dự án chiến lược không chỉ đối với tỉnh mà còn phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia. Do vậy, tỉnh cam kết tạo điều kiện tối đa, yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương phối hợp tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
-
Bình Định, Ninh Thuận khánh thành các dự án giao thông giúp kết nối liên vùng
-
Khai thác tuyến chính gần 30 km cao tốc Bến Lức - Long Thành từ ngày 28/4/2025
-
Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, tổng mức đầu tư 9.361 tỷ đồng
-
Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, tổng mức đầu tư 9.735 tỷ đồng
-
Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, tổng mức đầu tư 7.644 tỷ đồng -
Khánh thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, tổng mức đầu tư 10.873 tỷ đồng -
Khởi công, khánh thành 80 dự án trên khắp cả nước với tổng số vốn 445.000 tỷ đồng -
Xây dựng Trung tâm thương mại AEON Hải Dương vốn đầu tư 1.180 tỷ đồng -
Khởi công Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới -
Khởi công xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long -
Duyệt nhà thầu làm cao tốc 8.400 tỷ đồng; Đề xuất 56.301 tỷ đồng làm metro Bình Dương - Suối Tiên
-
Hướng tới thể chế hiệu quả qua các cơ chế bền vững
-
FTA - Cơ hội và thách thức trong hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
-
Công bố Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025
-
Một tập đoàn quyết định bất ngờ về lương khởi điểm khiến hàng vạn sinh viên nức lòng
-
KBC nộp xong tiền sử dụng đất Dự án Tràng Cát, sẵn sàng đưa vào kinh doanh
-
SeABank thông báo mời thầu