Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
EU bơm 2.000 tỷ USD kích thích kinh tế, chứng khoán Trung Quốc "bơi" ngược dòng
Lê Quân - 22/07/2020 11:10
 
Hai thái cực đối lập trên thị trường chứng khoán châu Á hồi đầu tuần lại tái diễn trong phiên giao dịch sáng nay 22/7 và chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn ẵm trọn sắc xanh.
Chứng khoán Trung Quốc lại lội ngược dòng với thị trường châu Á trong phiên giao dịch sáng 22/7. Ảnh: AFP
Chứng khoán Trung Quốc lại lội ngược dòng so với thị trường châu Á trong phiên giao dịch sáng 22/7. Ảnh: AFP

Tương tự diễn biến phiên giao dịch 20/7, các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á sáng nay 22/7 đều chìm xuống, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục "bơi" ngược dòng ngoi lên. Giá vàng hôm nay tăng nhiệt sốc, còn đồng đô la Mỹ tiếp tục trượt giá. Những biến động này xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đạt đồng thuận về gói kích thích kinh tế kỷ lục 2.000 tỷ USD.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sáng nay mất 0,37%, trong khi Topix sụt giảm 0,19%. Theo Reuters, số liệu được công bố cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản trong tháng 7 bước sang tháng sụt giảm thứ 13 liên tiếp.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi nhích nhẹ 0,11%, còn chứng khoán Australia nhuốm đỏ với chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1%, dù doanh số bán lẻ của Australia trong tháng 6 tiếp tục tăng 2,4% do các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì. Trước đó, doanh số bán lẻ tháng 5 của Australia tăng kỷ lục 16,9% khi nền kinh tế được kích hoạt giữa dịch Covid-19.

Đối lập với thị trường khu vực, chứng khoán Trung Quốc đại lục đón sắc xanh trong phiên giao dịch sáng nay sau khi EU đạt gói kích thích kinh tế kỷ lục 2.000 tỷ USD. Chỉ số Shanghai Composite nhích thêm 0,32%, trong khi chỉ số Shenzhen Composite nhích thêm 0,17%, còn chỉ số Shenzhen Component tăng điểm 0,76%.

Theo Europa - website chính thức của EU, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của EU, chiếm 9% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của EU năm 2019, đồng thời là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của EU với tỷ trọng 19%. Năm 2019, EU chi 362 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi nhập khẩu hàng hóa EU của Trung Quốc đạt 198 tỷ USD.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng bị kéo giảm 0,18% bởi các mã cổ phiếu bất động sản và công nghệ lao dốc. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) diễn biến đi ngang trong phiên sáng nay.

Tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu chững lại. Thế giới đến nay ghi nhận hơn 14 triệu người nhiễm Covid-19 và trên 600.000 ca tử vong vì virus này, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao sau Quốc khánh 4/7.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư phần nào được cải thiện trong phiên sáng nay sau khi chính phủ của 27 quốc gia thành viên EU đạt được thỏa thuận đột phá về gói kích thích tài khóa mới sau các cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 4 ngày tại Brussels, Bỉ.

Ủy ban châu Âu (EC) đã được giao trọng trách thúc đẩy các thị trường tài chính trong khối EU với gói kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ 750 tỷ EUR (tương đương 857 tỷ USD). Số tiền này sẽ được phân bổ dưới hình thức viện trợ và khoản vay cho các quốc gia thành viên và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Ngoài gói kích thích 750 tỷ EUR, EU dự kiến dành ngân sách 1.074 tỷ EUR để triển khai các sáng kiến giai đoạn 2021-2027. Như vậy với hai khoản dự chi "khủng" này cộng lại, EU sẽ có nguồn vốn đầu tư 1.824 tỷ EUR cho nền kinh tế.

Chuyên gia phân tích Hayden Dimes của Tập đoàn ANZ đánh giá, đại dịch khó lường và những khoản tiền khổng lồ mà EU dự chi để đưa nền kinh tế thoát vũng lầy đại dịch, khiến giá vàng cán mốc cao nhất trong 9 năm qua. 

“Gói kích thích kinh tế chưa từng có trong lịch sử EU có khả năng đẩy lãi suất thực đi xuống, đồng thời sẽ tạo “cú nổ” cho thị trường tài sản không lãi suất như vàng. Thị trường vàng tiếp tục tăng nhiệt do tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp và có nguy cơ hãm đà phục hồi kinh tế”, chuyên gia ANZ nhận định.

Giá vàng trên thị trường châu Á sáng nay cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.843,09 USD/ounce lúc 00:34 GMT, sau khi cán mốc cao nhất gần 9 năm qua với 1.847,30 USD/ounce ngay đầu phiên giao dịch châu Á. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,1% lên 1.845,90 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ đêm qua cũng ghi nhận những sắc thái đối lập. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng hơn 150 điểm và chốt phiên với 26.840,4 điểm, còn chỉ số S&P 500 đóng cửa với mức tăng khiêm tốn 0,2%. Trái lại, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hụt đà tăng của phiên trước và quay đầu giảm 0,8% do cổ phiếu các hãng công nghệ lớn như Facebook, Amazon Apple, Netflix và Alphabet đều sụt giảm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu, với chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mức 96 hồi đầu tuần xuống 95,123.

“Vẫn phải xem phe Cộng hòa và Dân chủ có quyết tâm như các nhà lãnh đạo EU để đi đến thống nhất gói kích thích kinh tế mới trong tuần tới không”, Ngân hàng DBS nhận định. Mối lo ngại của nhà đầu tư thể hiện rõ khi thị trường chứng khoán Mỹ không tăng điểm mạnh mẽ trong những phiên gần đây, còn đồng đô la Mỹ vẫn tiếp tục suy yếu.

Trong khi đó, đồng yên Nhật Bản lên giá và giao dịch 106,81 JPY “ăn” 1 USD so với mức 107 JPY/USD ghi nhận trước đó, còn đô la Australia cũng mạnh lên đáng kể khi 1 AUD quy đổi được 0,7128 USD so với mức 1 AUD/0,70 USD thường thấy từ đầu năm đến nay.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay đi xuống. Dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt giá 0,74% xuống 43,99 USD/thùng, còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,86% về 41,56 USD/thùng.

“Thị trường chứng khoán là cửa sổ hội nhập thị trường tài chính với thị trường quốc tế”
Thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế và là “cửa sổ” hội nhập thị trường tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư