Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EuroCham ủng hộ xây Sân bay Quốc tế Long Thành
Phương Linh - 12/11/2013 09:06
 
Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khuyến nghị Việt Nam nên xây sân bay quốc tế Long Thành nhằm đón đầu cơ hội tăng trưởng của thị trường hàng không.
TIN LIÊN QUAN

EuroCham nêu quan điểm này trong Sách Trắng 2014, công bố chiều qua tại Hà Nội, trong bối cảnh Việt Nam đang có ý kiến trái chiều xung quanh dự án thay thế cho sân bay Long Thành.

"Sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố nên về thực tiễn không thuận lợi, cần dịch chuyển ra ngoài. Chúng tôi biết có lời khuyên nên sử dụng sân bay Biên Hòa, nhưng lựa chọn tốt nhất vẫn là tập trung vào Long Thành", đại diện tiểu ban giao nhận vận tải của EuroCham cho hay.

Ngoài ra, để trở thành một trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa lớn như Singapore, Hong Kong và Thái Lan, EuroCham cũng khuyến nghị Việt Nam cần đơn giản hóa các quy trình để bốc xếp và giao nhận hàng hóa dễ dàng hơn, mở rộng không gian sân đỗ và cải thiện các dịch vụ mặt đất tại sân bay.

long-thanh-4208-1384192709.jpg

Việt Nam sẽ thành thị trường vận tải hàng không phát triển nhanh thứ ba thế giới vào năm 2014.

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường vận tải hàng không phát triển nhanh thứ ba thế giới vào năm 2014. Do vậy, đầu tư các sân bay là việc cấp bách để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt tháng 8/2011 trên diện tích khoảng 25.000 hécta thuộc tỉnh Đồng Nai. Khi hoàn thành giai đoạn một năm 2020, sân bay có công suất vận chuyển 25 triệu khách mỗi năm. Sang giai đoạn 2 từ 2020 - 2030, công suất tăng lên 50 triệu hành khách và đạt 100 triệu hành khách sau khi hoàn thành. Dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD, riêng giai đoạn một gần 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số ý kiến không tán đồng với phương án xây sân bay Long Thành. Trong lá đơn gửi lên Thủ tướng, ông Mai Trọng Tuấn và ông Lê Trọng Sành cho rằng đầu tư 8 tỷ USD để xây sân bay mới là lãng phí trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vừa tiết kiệm lại giữ được giá trị lịch sử.

Trong khi đó, phía Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nhận định việc xây sân bay Long Thành là phương án tối ưu so với mở rộng Tân Sơn Nhất (dự báo quá tải sau năm 2020) hoặc dùng căn cứ không quân Biên Hoà, bởi chi phí cho Long Thành chỉ khoảng 7,8 tỷ USD, còn mở rộng Tân Sơn Nhất cần hơn 9,1 tỷ USD, Biên Hòa cần 7,5 tỷ USD nhưng sẽ mất thêm chi phí khử độc dioxin.

Trả lời hai cựu cán bộ ngành hàng không mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cũng khẳng định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP HCM, trong khi xây dựng sân bay quốc tế mới sẽ giúp thành phố phát triển bền vững và giảm ùn tắc giao thông nội đô.

Sách Trắng 2014 tổng hợp quan điểm của gần 800 doanh nghiệp châu Âu hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau tại Việt Nam. Khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới đây nhất của EuroCham cho thấy quan điểm của các doanh nghiệp hầu như không thay đổi trong cả năm dù có cải thiện so với năm 2012. Đặc biệt, lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại khi chỉ 29% doanh nghiệp châu Âu trả lời rằng lạm phát có tác động đáng kể và nghiêm trọng đến họ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư