Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
EVFTA sẽ tác động ngắn và dài hạn tới lao động trong doanh nghiệp
Hải Hà - 17/09/2019 16:28
 
Trước đây, lao động được xem là yếu tố phi thương mại nên ít được chú ý trong các FTA thế hệ cũ. Tuy nhiên, yếu tố phi thương mại này đang tác động trực tiếp tới thương mại và doanh nghiệp nên nó được đưa vào hầu hết các FTA thế hệ mới và thể hiện sự tác động tới khối doanh nghiệp cả ngắn và dài hạn.
.
Theo các chuyên gia, EVFTA có thể tác động tới doanh nghiệp ở ngắn hạn là thiếu hụt lao động phổ thông khi gia tăng ngay lập tức lượng hàng xuất khẩu nhưng thách thức lớn hơn là thiếu hụt lao động có kỹ năng nếu Việt Nam không có chiến lược đào tạo cụ thể do cơ cấu sản xuất và chuỗi cung ứng dịch chuyển sẽ kéo theo nhiều thay đổi.

Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA): Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam” tổ chức sáng nay, 17/9, tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, EVFTA không đặt ra tiêu chuẩn lao động mà đặt ra các nguyên tắc về lao động liên quan tới hệ thống pháp luật hiện tại liên quan đến các cam kết của Việt Nam khi tham gia các công ước của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) trong đó có đề cập tới tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả quyền tự do liên kết, thương lượng, xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử với lao động tại nơi làm việc. Trong tương lai, Việt Nam không được hạ thấp hoặc thay đổi tiêu chuẩn về lao động để tạo lợi thế cạnh tranh.

Phân tích cụ thể hơn, bà Trang cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, tác động lớn nhất của quy định lao động của EVFTA là câu chuyện người lao động được tự do thành lập tổ chức đại diện cho mình ở cấp doanh nghiệp và cấp cao hơn. Đây là câu chuyện liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp vì doanh nghiệp sẽ bỏ chi phí thế nào trong bối cảnh 1 doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện và sẽ gây nhiều rắc rối trên thực tế. Trong khi đó, vấn đề sử dụng lao động trẻ em mặc dù không phổ biến nhưng ở các khu vực nông thôn vẫn có hiện tượng này nhất là các lĩnh vực liên quan tới tiểu thủ công nghiệp.

Tuy vậy, nhìn ở chiều hướng tích cực thì theo nghiên cứu của Tập đoàn Manpower Group, EVFTA sẽ giúp Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 – 19.000 việc làm mỗi năm vào giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, việc làm sẽ tạo ra lớn nhất cho các lĩnh vực nội thất, dệt may, giày dép… khi thuế suất xuất khẩu giảm đến 99% bên cạnh cơ hội tăng cường xuất khẩu hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác.

Bên cạnh thuận lợi này, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) quá trình dịch chuyển mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng của các tập đoàn trên thế giới gắn với sự chuyển giao công nghệ mà doanh nghiệp Việt được hưởng lợi sẽ đòi hỏi kỹ năng mới ở người lao động.   

“Ở lĩnh vực dệt may, da giày, Việt Nam mới chỉ tập trung ở khâu CMT, nghĩa là gia công nên trước mắt vẫn tận dụng được nguồn lao động kỹ năng thấp nhưng Việt Nam hiện đã bị cạnh tranh với nguồn lao động giá rẻ ở các quốc gia khác. Cùng với đó là chi phí cho lao động ngày càng tăng cộng với xu hướng này thì rõ ràng chiến lược lao động kỹ năng thấp không thể bền vững. Chỉ riêng về may mặc, để hưởng được thuế suất giảm thì Việt Nam phải sản xuất được vải, điều này có nghĩa là phát triển dệt may phải theo hướng toàn diện trên dây chuyền sản xuất hiện đại đi cùng sự phát triển của vận tải, hậu cần…. Điều tôi quan ngại nhất là lao động Việt Nam có tới 60% là lao động chưa qua đào tạo và điều này khác xa tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp châu Âu hiện đang đề cập tới”, ông Minh nói.

Mặc dù thừa nhận, chỉ 45% công việc bị thay thế một phần bởi máy móc và chỉ 5% toàn bộ công việc bị thay thế bởi con người nhưng ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Manpower Group Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông đã liên tục nhấn mạnh tới những người có kỹ năng phù hợp mới có thể thích nghi với môi trường làm việc mới và làm chủ được tình hình.

Trong đó, những thế mạnh nổi bật của lao động trong cuộc cách mạng 4.0 được ông Simon nhắc tới là giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tổ chức, chăm sóc khách hàng, lãnh đạo và quản lý mang lại giá trị khi đánh giá một lao động với tỷ lệ lần lượt là 56%, 55%, 54%, 49%, 45%, 34% và 33%.... Như vậy các kỹ năng mềm còn được đánh giá cao hơn cả những kỹ năng liên quan tới quản lý và lãnh đạo.

Qua quá trình hoạt động tuyển dụng lao động hoạt động ở nhiều quốc gia, ông Simon cho biết, hiện, doanh nghiệp đã gặp khó khi tuyển những lao động có khả năng giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề…và 43% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó trong đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động.

Ông Simon cũng nhắc tới khảo sát mới đây của tập đoàn trên 19.000 doanh nghiệp hoạt động ở 44 quốc gia.

Kết quả cho thấy, 84% nhà tuyển dụng cho biết họ sẽ nâng cao năng lực cho lao động của họ vào năm 2020 thay vì tỷ lệ 21% ở năm 2011; 79% lên kế hoạch săn tìm các kỹ năng họ đang cần bằng cách trả lương cao hơn thị trường và chỉ 32% doanh nghiệp sử dụng lao động hợp đồng và 56% doanh nghiệp vạch ra kế hoạch để người lao động thuyên chuyển công việc nội bộ hoặc chuyển công việc mới.

Ngay tại doanh nghiệp lớn như Piaggio, ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á –Thái Bình Dương của doanh nghiệp này cho biết đang phải giữ chân nhân tài bằng chiến lược xây dựng chương trình phát triển tài năng toàn cầu của Piaggio, có lộ trình phát triển cá nhân từng giai đoạn cho nhân sự nòng cốt bên cạnh chế độ lương, thưởng. Piaggio cũng vạch ra kế hoạch chi trả các khoản khác nhau tương ứng với thời gian mà nhân sự cam kết ở lại doanh nghiệp đi cùng nhiều hoạt động để tạo tâm lý Piaggio như một gia đình thứ 2 của nhân viên.

Ông Quân cũng cho biết, kỹ năng quan trọng nhất của lao động là giao tiếp với khách hàng, khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.

Trong khi nhìn ngược lại Việt Nam, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định, Việt Nam đang gặp trở ngại lớn ở khâu đào tạo khi chỉ đào tạo thiên về hàn lâm, thiếu hẳn các kỹ năng mềm và khả năng học hỏi. Những kỹ năng đang được đánh giá là rất cần thiết cho công việc. Đi cùng với đó, việc doanh nghiệp sử dụng quá nhiều lao động giá rẻ và không cần trình độ như hiện nay cũng dẫn tới hệ quả, người lao động không có động lực học hỏi những kỹ năng mới. Điều này dẫn tới tình trạng nhà tuyển dụng không biết tuyển lao động đáp ứng kỹ năng của doanh nghiệp ở đâu và lao động muốn học cũng không biết phải học những kỹ năng gì.

Thực tế này khiến ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khá trăn trở khi cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ phát triển và đáp ứng tiệm cận các kỹ năng cần thiết của hiện tại khi nền giáo dục có hệ thống các trường nghề và các trường đại học có thứ hạng trên thế giới thay vì chỉ một vài trường nổi lên như hiện nay.

“Điều cấp thiết chúng ta cần là một cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục để thúc đẩy nền giáo dục phát triển. Điều này còn cần thiết hơn cả cơ chế hợp tác công tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng khác như bến cảng, sân bay, giao thông…”, ông Lộc nhấn mạnh.

Không chủ động thì cơ hội từ EVFTA vẫn là trên... giấy
Theo Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhiều doanh nghiệp và cả các bộ, ngành, địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư