Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
EVFTA tạo lợi thế thuế quan cho cá ngừ Việt Nam
Phương Anh - 05/07/2019 14:59
 
Theo VASEP, Thái Lan và Trung Quốc là các nước đối thủ lớn của Việt Nam đang nắm giữ thị phần xuất khẩu cá ngừ lớn tại EU nhưng đều chưa ký kết FTA với EU. Do vậy, EVFTA được xem là tạo lợi thế về thuế quan cho Việt Nam.
.
VASEP cho rằng, về lâu dài khi EVFTA có hiệu lực sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –  EU (EVFTA) có hiệu lực, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế so với các nước như Thái Lan hay Trung Quốc. Đây là các nước đối thủ lớn của Việt Nam đang nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn tại EU nhưng đều chưa ký kết FTA với EU.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, EU đang là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam trong 10 năm qua. Hiện Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thăn/philê cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đóng hộp sang sang thị trường EU. Từ trước năm 2014, xuất khẩu thăn/philê cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang EU tăng trưởng liên tục. 

Tuy nhiên, sau đó lại có xu hướng giảm liên tiếp trong 2 năm và tăng trở lại vào năm 2017. Còn các sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại có xu hướng tăng liên tục trong giai đoạn trước 2014, nhưng sau đó cũng giảm liên tục.

Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Trong khi, Đức nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam. Italy và Tây Ban Nha nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh.

Tại thị trường EU, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ Ecuador, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. VASEP cho biết, Việt Nam đang khó cạnh tranh do sản lượng đánh bắt, quy mô và năng lực sản xuất cá ngừ của các nước này lớn hơn. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng khó cạnh tranh được với Philippines và Ecuador do họ được hưởng ưu đãi về thuế quan, trong khi Việt Nam không được hưởng ưu đãi. 

Ngành công nghiệp thủy sản của Việt Nam đã được xem là đạt ngưỡng "trưởng thành", tức là nhóm các mặt hàng có khối lượng giá trị xuất khẩu tương đối cao sang EU trong những năm qua, nên từ 1/1/2014 Việt Nam đã không được hưởng ưu đãi nữa. 

Do đó, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn 20,5%. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.

Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%, ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp), EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%. 

Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.

VASEP cho rằng, về lâu dài khi EVFTA có hiệu lực sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. "Tuy nhiên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn do FTA này bao gồm một chương toàn diện và mạnh về thương mại và phát triển bền vững, bao trùm các vấn đề lao động và môi trường có liên quan trong quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam", VASEP nhận định.

VASEP kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ
Với giá trị xuất khẩu hơn 510 triệu USD trong năm 2016, xuất khẩu cá ngừ đang góp phần đáng kể vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư