Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VASEP kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ
Thế Hải - 12/06/2017 21:21
 
Với giá trị xuất khẩu hơn 510 triệu USD trong năm 2016, xuất khẩu cá ngừ đang góp phần đáng kể vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có Công văn số 71/2017/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản  kiến nghị thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ.

Số liệu của VASEP cho biết,  5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cá ngừ đông lạnh tăng 11%. Xuất khẩu  cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính truyền thống như Hoa Kỳ và EU.

Tính đến thời điểm này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 thị trường trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản ngày càng khó cạnh tranh với Thái Lan và Philippines vì thuế
Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản ngày càng khó cạnh tranh với Thái Lan và Philippines vì thuế

Để thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ trong bối cảnh thị trường chủ lực Nhật Bản ngày càng khó khăn, Câu lạc bộ các doanh nghiệp cá Ngừ VASEP đã có công văn đề nghị Tổng cục Thủy sản một số vấn đề chính sau để tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới, góp phần chung vào tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước:

Theo VASEP, nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá, đáp ứng yêu cầu đánh bắt trong tương lai, qua thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới, Hiệp hội nhận thấy rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam cần được đẩy lên thành thế mạnh.

Bởi vậy, VASEP kiến nghị Tổng cục Thủy sản xem xét sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.

Hạn ngạch (quota) dành cho xuất khẩu cá ngừ vào EU của Hiệp định thương mại tự do EVFTA (sắp có hiệu lực),  hiện chưa có quy định hay hướng dẫn về con số quota cụ thể cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch, trong khi EVFTA chuẩn bị có hiệu lực.

Do đó, Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Bộ Công thương để thúc đẩy và sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch.

Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản:

Theo giải thích của VASEP, Nhật Bản là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng từ 12,6 triệu USD lên gần 54 triệu USD từ năm 2006 đến năm 2012.

Tuy nhiên,  từ năm 2013 trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm và từ vị trí lớn thứ 3 đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong top 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản trong năm 2015 đã giảm 9,5% so với 2014, chỉ đạt 20,4 triệu USD. Năm 2016, giá trị thu về từ xuất khẩu cá ngừ sang Nhật giảm 5% so với 2015.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang bị áp thuế cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu cá ngừ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan và Philippines, nên không thể cạnh tranh được với các nước này.

Được biết, trong quý 1/2017, VASEP cũng đã có văn bản báo cáo và kiến nghị với Bộ Công thương. Hiệp hội tiếp tục báo cáo và kiến nghị với Tổng cục và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm tình hình và có ý kiến thêm với Bộ Công thương để xem xét ưu tiên rà soát lại nội dung này với Nhật Bản ngay trong tháng 6-7/2017 nhằm đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam được về 0% như Thái Lan và Philippiness.

Sản phẩm cá ngừ xuất khẩu hiện đóng góp kim ngạch xuất khẩu khoảng 450-550 triệu USD mỗi năm. Do vậy, VASEP kiến nghị các cơ quan  chức năng có chính sách hỗ trợ, kịp thời giải quyết khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư