Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
EVFTA tạo xung lực tốt cho xuất khẩu của Việt Nam
Hải Yến - 08/08/2022 16:17
 
EVFTA đi vào thực thi tròn 2 năm, đã tạo xung lực tốt cho xuất khẩu của Việt Nam, đưa kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU 2 năm qua đạt 83 tỷ USD, tăng trưởng xấp xỉ 15%.

Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 2 năm thực thi, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.

Đánh giá về hiệu quả thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tại Tọa đàm sáng 8/8, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, EVFTA đã và đang tạo xung lực tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương): EVFTA tạo xung lực tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương): EVFTA tạo xung lực tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm 2021 đạt 23,23 tỷ USD.

Còn tính từ 1/8/2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.

"2 năm qua, đa số các mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Còn với các nhóm hàng truyền thống, ta đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch Covid-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện", ông Hải phân tích.

Một chỉ dấu quan trọng trong thực thi FTA, là tận dụng ưu đãi thuế quan, EVFTA cũng là hiệp định được doanh nghiệp hiểu và tận dụng tốt.

Cụ thể, 6 tháng 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này. Con số 25% chưa tính lượng hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi theo GSP.

Trong lĩnh vực về nông nghiệp, những ngành hàng như thủy sản, rau quả và gạo là những ngành có tăng trưởng xuất khẩu lớn vào thị trường EU thời gian qua, đồng thời cũng là những ngành có tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ về chứng nhận xuất xứ EUR.1 rất cao, đặc biệt với mặt hàng gạo tỷ lệ này là 100%. 

Đại diện cho ngành hàng tận dụng nhanh nhạy EVFTA, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cho hay,  EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam, nhưng sau đó bị rơi xuống đứng thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ. Xuất khẩu cá tra, tôm, hải sản khác vào EU liên tục bị sụt giảm.

Nhưng, kể từ năm 2020, EVFTA có hiệu lực đã mang lại kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này. Theo đó, nhóm thuỷ sản chủ lực, như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Có thể nói, các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.

Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu thuỷ sản đã hồi phục rõ rệt, tăng 8% so với cùng kỳ và xu hướng đó tiếp tục trong năm 2021. Cụ thể, năm 2021, sau khi EU mở cửa lại thị trường, thuỷ sản xuất khẩu tăng mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12%. 

Đến năm 2022, hết quý II, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

"Những kết quả trên cho thấy, doanh nghiệp chúng ta đã tận dụng cơ hội từ thị trường, cũng như các cơ hội thuế quan của EU để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này", bà Hằng nhấn mạnh.

Gạo cũng là mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU. Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ: EVFTA đã mở đường để Trung An tăng tốc xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU.

6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng tới 68% so với cùng kỳ Trong đó thị trường châu Âu trở thành thị trường chính của doanh nghiệp, gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp được xuất sang thị trường này.

Ở góc độ doanh nghiệp, Trung An đã thâm nhập được thị trường EU với các lô hàng gạo thơm với giá xuất khẩu trên 1.000 USD/tấn, nhưng ở quy mô ngành, xuất khẩu sang EU vẫn rất khiêm tốn bởi Việt Nam xuất khẩu trên 6,4 triệu tấn gạo/năm..

"Xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của đất nước, trong đó, châu Âu cũng là một thị trường rất tiềm năng do mỗi năm thị trường này trên 2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, gạo Việt sang EU vẫn khiêm tốn. Trong khi EU mới ký FTA với 2 quốc gia ở Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore, thành thử ngành gạo cần đầu tư bài bản, có trọng điểm để khai thác EVFTA thực chất hơn", ông Bình nói.

Để khai thác tốt hơn nữa Hiệp định này, Trung An đang tập trung phát triển các sản phẩm sau gạo như bún khô, phở khô, nhưng dù là sản phẩm gì đi nữa thì doanh nghiệp đều phải tuân thủ cao tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường EU yêu cầu.

Đối với ngành thủy sản, tháo gỡ được thẻ vàng IUU sẽ là điều kiện tăng trưởng bền vững cho ngành. Theo đánh giá của Vasep, tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thể xanh sẽ để tăng cơ hội cho thuỷ sản. Bởi nếu bị chuyển sang thẻ đỏ, thủy sản có nguy cơ mất thị trường EU. Và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thuỷ sản sang EU.

Đặc biệt, EU là thị trường định hướng sẽ chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ.

Tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA cao hơn gấp 4 lần CPTPP
6 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA tăng trên 32%, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư