Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Fantasia - “bom nợ” trái phiếu bất động sản tiếp theo của Trung Quốc phát nổ
T.L - 05/10/2021 16:05
 
Tập đoàn bất động sản Fantasia Holdings Group của Trung Quốc không thể mua lại hơn 205 triệu USD trái phiếu đáo hạn ngày 4/10 và không thể thanh toán một khoản vay ngắn hạn hơn 108 triệu USD.
f
Mua nhà tại Thâm Quyến, Bắc Kinh được nhiều người dân Trung Quốc cho là "khó hơn lên trời" do giá quá cao

Trong khi bom nợ trái phiếu 300 tỷ USD Evergrande gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu chưa tìm được lối thoát thì người mua nhà Trung Quốc lại tiếp tục chấn động vì các quả bom trái phiếu bất động sản mới phát lộ.

Theo nguồn tin của Nikkei Asia, Fantasi Holdings Group không thể mua lại được 205,7 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào ngày 4/10. Đồng thời, tập đoàn bất động sản này của Trung Quốc cũng không trả được khoản vay ngắn hạn 700 triệu nhân dân tệ (108,56 triệu USD).

Theo cáo bạch chào bán trái phiếu, Fantasia có thời gian ân hạn 30 ngày để thu xếp mua lại trái phiếu, trả tiền cho các trái chủ nếu không sẽ bị tuyên bố vỡ nợ.

Được biết, Fantasia Group được thành lập bởi cháu gái của cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc, Tăng Khánh Hồng, đang có các khoản nợ trái phiếu quốc tế 762 triệu đô la sẽ đáo hạn trong năm nay và thêm 1,15 tỉ đô la trị giá trái phiếu nữa đáo hạn vào năm 2022, chưa kể 6,4 tỷ nhân dân tệ trái phiếu trong nước.

Trong ngày 4/10, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ bậc xếp hạng của Fantasia xuống "CCC". Trước đó, S&P đã rút ngắn điểm số xuống còn "CCC" từ "B" vào ngày 29/9. Moody's cũng đã cắt giảm xếp hạng xuống còn "B3" vào tháng trước.

Liên tiếp nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thanh khoản sau khi cơ quan quản lý siết chặt quản lý theo “3 lằn ranh đỏ”. Cụ thể, tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản dưới 70%, tỷ lệ thanh toán ròng dưới 100%,  tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn lớn hơn 1. Nếu các nhà phát triển không đáp ứng được một, hai hoặc cả ba lằn ranh đỏ, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra các giới hạn về tỷ lệ năng nợ có thể.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, bom nợ Evergrande, Fantasia Holdings Group của Trung Quốc là lời cảnh báo cho thị trường bất động sản Việt Nam. Theo chuyên gia này, so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam kém minh bạch hơn (do không cần xếp hạng tín nhiệm, dễ phát hành, bảo lãnh không rõ ràng…).

Theo chuyên gia này, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua được ví như “lớp sương mù”, nhất là các tập đoàn "sân sau" của các ngân hàng.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng đổ vỡ của thị trường trái phiếu bất động sản Việt Nam chưa đến mức đáng ngại như Trung Quốc, một phần do giá bất động sản của Việt Nam không đến mức cao phi lý như ở Trung Quốc, mặt khác, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp so với khu vực.

Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện - Bài 2: Những thương vụ “ma” làm méo thị trường
Trái phiếu doanh nghiệp được coi là công cụ nợ cao cấp, nhưng thị trường này đã bị biến thành “chợ đen”, với rất nhiều thương vụ đi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư