Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
FDI đua nước rút cuối năm
Nguyên Đức - 13/12/2013 16:39
 
Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được cấp tập triển khai nhằm sớm đi vào hoạt động. Khu công nghiệp, khu kinh tế hút dự án tỷ đô >Vốn FDI vào Việt Nam chính thức vượt 20 tỷ USD

Cùng với việc chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Lai Vu (Hải Dương) là Công ty TNHH một thành viên KCN Lai Vu triển khai thi công tường rào KCN, thì trong một nỗ lực không mệt mỏi, cuối tuần qua, hai nhà đầu tư May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal (thuộc Tập đoàn Dệt may Crystal - Hồng Kông) đã tiến hành xây dựng tường rào bao quanh 31 ha đất của mình.

đại công trường của Dự án Liên hợp thép Formosa (Hà Tĩnh)
Thời điểm này, đại công trường của Dự án Liên hợp thép Formosa (Hà Tĩnh) đang rất nhộn nhịp. (Ảnh: Ngọc Linh)

Theo kế hoạch, sau khi xây dựng tường rào và khoan thăm dò địa chất, hai nhà đầu tư này sẽ dựng nhà xưởng bằng khung thép.

Công việc dự kiến được tiến hành khẩn trương để đến khoảng tháng 3/2014, sẽ đưa một xưởng may, với khoảng 5.000 công nhân và một xưởng dệt khoảng 3.000 công nhân, vào hoạt động.

Tất nhiên, kế hoạch này sẽ chỉ hoàn thành suôn sẻ, khi có được sự ủng hộ của người dân xã Lai Vu. Lý do khiến KCN Lai Vu và May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal trong thời gian qua “gặp trắc trở” cũng là do người dân khiếu kiện kéo dài và vào phá rối, cản trở thi công công trình. Hiện tại, thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương cho biết, mọi chuyện đang rất thuận lợi.

Theo kế hoạch, Pacific Crystal, với vốn đầu tư 425 triệu USD, sẽ xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, kinh doanh vải dệt kim công suất 360 triệu mét vải/năm, thu hút khoảng 6.000 lao động địa phương tại KCN Lai Vu. Còn Dự án May Tinh Lợi mở rộng có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, công suất 170 triệu sản phẩm/năm, khi đi vào hoạt động dự kiến thu hút khoảng 16.900 lao động, chủ yếu là người địa phương.

Đây là hai dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tầm quan trọng đối với việc phát triển KCN Lai Vu nói riêng, kinh tế - xã hội địa phương nói chung, nên Hải Dương rất quan tâm tới việc hỗ trợ nhà đầu tư triển khai Dự án. Tuy mới chỉ là bước đầu triển khai, song động thái nói trên cũng đã mang lại kỳ vọng mới cho việc hồi sinh KCN Lai Vu.

KCN này tới đây sẽ được bàn giao về địa phương quản lý và chắc chắn, sẽ có những nhà đầu tư mới được lựa chọn đầu tư hạ tầng. Trước đây, May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal đều đã bày tỏ nguyện vọng được đầu tư hạ tầng KCN Lai Vu.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đã từng khẳng định, một khi hạ tầng KCN Lai Vu hoàn thiện, sẽ có nhiều nhà đầu tư vào đây. Hiện tại, khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đã tới tìm kiếm cơ hội đầu tư ở khu vực này.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm tới nay, Hải Dương đã thu hút được 677 triệu USD vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm. “Tình hình có thể khả quan hơn trong năm tới, vì hiện tại, một số nhà đầu tư tiềm năng đã đặt hồ sơ lên bàn làm việc của chúng tôi”, ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Hải Dương nói.

Trong khi đó, trên công trường xây dựng Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT), việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động 2 tỷ USD đang ở chặng đua nước rút. Cuối tháng 11, nhà máy này đã cất nóc khu nhà xưởng và theo ông Kim Yong Seok, Giám đốc Kế hoạch, Khu tổ hợp Samsung (Samsung Complex), thì khoảng tháng 2/2014, Nhà máy sẽ hoàn thành, sản xuất thử nghiệm và đến tháng 3/2014 sẽ chính thức vận hành thương mại.

SEVT nhận giấy chứng nhận đầu tư hôm 19/3 và chính thức khởi công xây dựng chỉ một tuần sau đó, ngày 25/3/2013. Khi đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng, nhà máy này sẽ nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, để cùng với nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh cung cấp khoảng 250 triệu sản phẩm điện thoại/năm ra thị trường toàn cầu và đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới.

Theo dự kiến, năm nay, SEV Bắc Ninh sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 23,5 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 24 tỷ USD. Nhà máy này đã hoàn thành phần giải ngân vốn đầu tư 1,5 tỷ USD trong tháng 9 vừa qua và dự kiến, đến hết năm nay sẽ giải ngân khoảng 1,9 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD.

Không có phân xưởng mới nào được xây dựng, mà theo ông Kim Yong Seok, các dây chuyền thiết bị đang được nâng cấp để đáp ứng việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thế hệ mới nhất. “Với tốc độ phát triển kỹ thuật nhanh như hiện nay, tiếp tục đầu tư công nghệ mới là điều quan trọng nhất”, ông Kim nói.

Ở miền Trung, đại công trường của Dự án Liên hợp thép Formosa (Hà Tĩnh) cũng đang rất nhộn nhịp. Theo kế hoạch, khoảng giữa năm 2015, Dự án có tổng vốn đầu tư 9,9 tỷ USD này sẽ đi vào hoạt động giai đoạn I. Và vì thế, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đang có nhu cầu tuyển thêm 1.291 lao động Việt Nam cho việc triển khai xây dựng Dự án.

Hàng ngàn dự án FDI lớn, nhỏ đã, đang và tiếp tục được triển khai xây dựng. Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng với vốn FDI cấp mới và tăng thêm hồi phục khá mạnh trong năm nay (11 tháng đạt hơn 20,8 tỷ USD), thì vốn giải ngân cũng được cải thiện (11 tháng là 10,55 tỷ USD và cả năm có thể đạt khoảng 11,5 tỷ USD).

Năm nay, một trong những điểm rất đáng ghi nhận của tình hình thu hút vốn FDI, đó là nhiều dự án FDI lớn được cấp chứng nhận đầu tư và được triển khai ngay. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI cần phải được đẩy nhanh hơn nữa.

Ưu tiên doanh nghiệp Nhật đầu tư theo chuỗi
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ đang đề nghị chính sách ưu đãi đầu tư theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư