Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
FPT hiện diện tại đặc khu kinh tế Malaysia; Vingroup công bố lãi; Tham vọng của Bamboo Airways
Khánh An tổng hợp - 21/07/2024 06:49
 
Vingroup công bố lãi sau thuế hơn 2 ngàn tỷ trong nửa đầu năm; Bamboo Airways tham vọng chấm dứt thua lỗ từ năm 2025; Xây dựng Hoà Bình báo lãi đạt đỉnh; FPT mở văn phòng tại đặc khu kinh tế của Malaysia; Tập đoàn Lộc Trời miễn nhiệm tổng giám đốc.

FPT mở văn phòng tại đặc khu kinh tế của Malaysia

FPT vừa cắt băng khánh thành văn phòng thứ hai tại Kuala Lumpur, nhằm tăng cường hiện diện của công ty tại khu vực và trên toàn cầu, từ đó mở rộng tiếp cận các khách hàng lớn. 

Văn phòng mới của FPT đặt tại đặc khu kinh tế và khu kinh doanh công nghệ cao của Malaysia

Văn phòng mới của FPT tọa lạc tại Tầng 9 của tòa nhà hạng A Menara Hapseng 3, đường Jalan P Ramlee, Kuala Lumpur, đặc khu kinh tế và khu kinh doanh công nghệ cao của Malaysia.

Công ty kỳ vọng văn phòng mới sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực sản xuất và tư vấn đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ AI – công nghệ đang được tích hợp vào tất cả các sản phẩm, giải pháp của Hệ sinh thái Made by FPT, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác với các khách hàng trong mảng năng lượng, tài chínhngân hàng – bảo hiểm (BFSI), y tế và sản xuất trong khu vực và trên toàn cầu.

FPT lập công ty phần mềm tại Malaysia từ năm 2008, với chưa đến 10 nhân viên, trong chiến dịch "xuất hay là chết". Văn phòng công ty ban đầu còn đặt tại trụ sở của khách hàng.

Cùng năm đó, FPT mở một loạt công ty tại nước ngoài tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Australia.

Hiện FPT có 1.250 nhân sự tham gia triển khai các dự án cho thị trường Malaysia, dự kiến trong thời gian tới sẽ bổ sung 300-500 chuyên gia cho thị trường này.

Trong 5 năm tới, FPT cũng đặt mục tiêu mở thêm một Trung tâm sản xuất toàn cầu tại Sarawak và Kuching (phía Đông Malaysia) để phục vụ khách hàng tại các khu vực lân cận và từ quốc gia Brunei, qua đó tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ CNTT của công ty trên toàn cầu.

6 tháng đầu năm 2024, FPT đạt 29.338 tỷ đồng doanh thu và 5.198 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ.

Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Vingroup công bố lãi sau thuế hơn 2 ngàn tỷ trong nửa đầu năm

Tập đoàn Vingroup công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 65.043 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.019 tỷ đồng. Tổng doanh thu thuần hợp nhất trong nửa đầu năm 2024 đạt 65.043 tỷ đồng, ghi nhận sự thay đổi tích cực từ các lĩnh vực bất động sản nhà ở, công nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2,019 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản Vingroup đạt 722.259 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với đầu năm.

Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản Vingroup đạt 722.259 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với đầu năm

Với trụ cột công nghệ - công nghiệp, VinFast đã bàn giao 21.747 ô tô điện trong nửa đầu năm 2024, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng 92% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý 2/2024, VinFast giao 12.058 xe, tăng 24% so với quý 1 và 26% so với cùng kỳ.

Tại Philippines, VinFast đã khai trương ba cửa hàng đại lý đầu tiên nhằm cung cấp các mẫu xe VF 5, VF 7, và VF 9 cho người tiêu dùng địa phương.

Thời gian tới, VinFast đặt trọng tâm tối ưu quản lý chi phí và nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động - kinh doanh. Theo đó, Công ty điều chỉnh mục tiêu giao xe ở mức khoảng 80.000 xe trong năm 2024, tăng 2,3 lần so với năm 2023, và nhà máy tại Bắc Carolina dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm 2028.

Ở khối thương mại dịch vụ, nửa đầu 2024, Vinhomes tiếp đà khởi sắc của thị trường bất động sản với doanh số bán hàng 51,5 nghìn tỷ đồng và doanh số chưa ghi nhận đạt 118,7 nghìn tỷ đồng.

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, song song với đà hồi phục của ngành du lịch, hoạt động kinh doanh của Vinpearl cũng tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều khởi sắc với tổng số đêm phòng bán trong quý II/2024 đạt gần 452 nghìn phòng, tăng 25% so với cùng kỳ. Doanh thu của VinWonders và Vinpearl Golf quý II/2024 cũng tăng trưởng lần lượt 52% và 17%.

Ở lĩnh vực giáo dục, trong quý 2, Vinschool có thêm 5 cơ sở đạt chứng nhận giám định CIS, nâng tổng số cơ sở đạt giám định CIS lên 15, khẳng định chất lượng giáo dục vượt trội.

Hướng đến 6 tháng cuối năm 2024, với các chỉ dấu kinh tế vĩ mô tiếp tục hồi phục dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ cũng như kinh tế thế giới bắt đầu có những tín hiệu khả quan, Vingroup kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực tại tất cả lĩnh vực kinh doanh trọng yếu.

Bamboo Airways tham vọng chấm dứt thua lỗ từ năm 2025

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 17/7, CEO của Bamboo Airway Lương Hoài Nam đã tuyên bố đầy tham vọng: "Năm 2024 sẽ là năm cuối cùng công ty kinh doanh bị lỗ".

Năm 2023, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu thuần tăng 14%, đạt gần 12.400 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ gộp 3.600 tỷ đồng trong bối cảnh ngành hàng không chưa khả quan. Dù vậy, hãng vẫn ghi nhận lãi sau thuế dương 236 tỷ đồng. Theo đại diện từ Bamboo Airways, khoản lãi chủ yếu đến từ việc hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng với số tiền 4.100 tỷ đồng và các thu nhập khác từ việc xóa nợ 1.272 tỷ đồng.

Năm 2024, Bamboo Airways dự kiến đạt doanh thu hơn 4.850 tỷ đồng và có thể lỗ sau thuế hơn 1.380 tỷ đồng

Đáng chú ý, tổng nợ phải trả giảm khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm 2023 và công ty sạch nợ vay tiền thuê máy bay. Đây cũng là giai đoạn Bamboo Airways quyết liệt thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, từ giảm hàng ngàn nhân sự, giải tán nhiều phòng ban gián tiếp cho đến việc tối ưu hóa quy trình làm việc.

Năm 2024, Bamboo Airways dự kiến đạt doanh thu hơn 4.850 tỷ đồng và có thể lỗ sau thuế hơn 1.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét hoạt động khai thác (không tính yếu tố tài chính, chi phí tái cơ cấu), mức lỗ giảm còn khoảng 500 tỷ đồng.

CEO Lương Hoài Nam cho biết trong thời gian tới, ban lãnh đạo của Bamboo Airways sẽ hành động theo chiến lược “cái gì tốt cho kết quả kinh doanh thì làm, còn cái gì bất lợi thì suy nghĩ rất kỹ. Cái gì làm cho tăng lỗ lên thì về cơ bản là không làm, trừ khi là phục vụ cho mục tiêu chiến lược”.

Đây là cơ sở cho tham vọng "2024 sẽ là năm cuối cùng công ty kinh doanh bị lỗ. Công ty sẽ hòa vốn từ năm 2025 và tiến đến có lãi trong các năm tiếp theo".

Đáng chú ý, ông Nam cũng chia sẻ ý định niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong vòng 3 năm tới.

Xây dựng Hoà Bình báo lãi đạt đỉnh

Xây dựng Hòa Bình ghi nhận hơn 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao nhất từ trước đến nay nhưng chủ yếu do hoàn nhập chi phí và thu nhập khác.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có lãi sau thuế khoảng 684,4 tỷ đồng. Mức này cải thiện đáng kể so với khoản thâm hụt lợi nhuận hơn 268 tỷ đồng của quý II/2023. Đây cũng là quý có lãi đậm nhất của HBC từ khi công bố thông tin từ năm 2006.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có lãi sau thuế khoảng 684,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận lập kỷ lục nhưng doanh thu kỳ này giảm gần 5% về khoảng 2.160 tỷ đồng. Giá vốn duy trì ở mức cao khiến lợi nhuận gộp của Hòa Bình chỉ gần 100 tỷ, tức sụt gần 4 lần so với cùng kỳ.

Công ty lãi đậm chủ yếu do được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 293 tỷ đồng. Ngoài ra, HBC cũng ghi nhận thêm thu nhập đột biến từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định trị giá gần 503 tỷ đồng.

Xây dựng Hòa Bình đã có lãi liên tiếp ba quý. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Công ty có gần 3.811 tỷ đồng doanh thu và lãi gần 741 tỷ đồng. Doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ và hoàn thành 35% chỉ tiêu cả năm. Xây dựng Hòa Bình cải thiện lợi nhuận rất tốt so với khoản lỗ 713 tỷ của cùng kỳ và đã vượt 1,7 lần so với kế hoạch đề ra cho năm 2024.

Mức lợi nhuận bán niên này đang cao hơn tất cả khoản lãi cả năm trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, trừ năm 2017.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình từng tuyên bố doanh nghiệp đã vượt qua tình thế bĩ cực, "ngàn cân treo sợi tóc". Thời gian tới, Công ty sẽ theo nguyên tắc: tăng thu, giảm chi.

Tập đoàn Lộc Trời miễn nhiệm tổng giám đốc

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời  đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận từ ngày 15/7. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT tạm thời điều hành hoạt động của doanh nghiệp cho tới khi bổ nhiệm CEO mới.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản Lộc Trời đạt gần 12.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Duy Thuận tham gia Lộc Trời từ tháng 6/2019. Trước khi bị miễn nhiệm, ông có hơn 4 năm ở vị trí CEO Tập đoàn Lộc Trời. Việc miễn nhiễm ông Thuận diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn này đang thua lỗ. Ba tháng đầu năm Lộc Trời có doanh thu thuần hơn 3.800 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ các khoản chi phí, công ty báo lỗ ròng trên 96 tỷ. Mức lỗ này tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.

Tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4, Lộc Trời và cổ đông đã thống nhất bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024-2029. Trong đó, thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới gồm 5 người là ông Huỳnh Văn Thòn, Johan Sven Richard Boden, Mandrawa Winston Leo, ông Võ Trí Thành và bà Vũ Hồng Trang. Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Thúy, ông Tiêu Phước Thạnh và ông Uday Krishna.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản Lộc Trời đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% về còn hơn 105 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 43%, đạt hơn 2.800 tỷ đồng.

FPT khai trương văn phòng mới tại Kuala Lumpur, Malaysia
FPT kỳ vọng văn phòng mới sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực sản xuất và tư vấn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư