Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
FPT và Fujitsu mang nông nghiệp thông minh tới Việt Nam
Nguyên Đức - 24/02/2016 19:37
 
Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu đã khai trương Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội, giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây - "Akisai".

Hôm nay, Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu đã khai trương Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội, giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây – “Akisai”.

Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu hiện đang áp dụng hai mô hình sản xuất “Nhà kính - Green house” và “Nhà máy rau - Vegetable factory” trên 2 loại rau có giá trị gia tăng cao là cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali.

Cắt băng khánh thành Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu
Cắt băng khánh thành Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu

Điểm khác biệt của hai mô hình này là cây trồng được điều khiển từ xa và hoàn toàn tự động trong môi trường khép kín, tránh được sâu bệnh, nhờ vậy giảm công sức cho người trồng và cho sản phẩm chất lượng vượt trội.

Dự kiến, sau giai đoạn thử nghiệm, FPT và Fujitsu sẽ thống nhất mô hình phù hợp để các doanh nghiệp, tổ chức có thể cùng hợp tác triển khai rộng rãi tại Việt Nam.

Rất đông quan khách trầm trồ về mô hình nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu
Rất đông quan khách trầm trồ về mô hình nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu

“Với vai trò là doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, FPT mong muốn đem những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, FPT không làm việc này một mình mà sẽ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất nông nghiệp để phát triển mô hình Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, nói.

Mô hình nông nghiệp thông minh Akisai là một trong những công nghệ hiện đại và thông minh nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, được Fujitsu giới thiệu tại Nhật Bản vào năm 2012 và đã giúp tối ưu hóa mô hình sản xuất nông nghiệp từ khâu cung cấp vật tư, đến canh tác, sơ chế, vận chuyển, phân phối sản phẩm nhờ áp dụng công nghệ thông tin.

Theo ông Trương Gia Bình, phía sau cà chua và rau xà lách, FPT và Fujitsu muốn giới thiệu một khái niệm mới về nông nghiệp số, nơi mọi người sẽ không phân biệt đâu là nông nghiệp, công nghiệp, đâu là công nghệ thông tin... “Biên giới của các khái niệm cũ sẽ bị xóa đi và khái niệm mới sẽ ra đời, phản ánh nền nông nghiệp tương lai”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh. 

Có mặt tại Lễ khánh thành Trung tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã bày tỏ sự vui mừng trước những gì mà FPT và Fujitsu đã được được.

“Tôi có 3 mong ước và khi đến đây, một phần những mong ước của tôi đã trở thành hiện thực”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói và không giấu giếm ước mơ về một nền nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh cao.

“Để làm điều đó, chúng tôi xác định thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ đỉnh cao. Tôi rất vui khi các đại gia công nghệ như FPT, Fujitsu đã nhập cuộc”, ông Phát cho biết.

Một cách ví von đầy hình ảnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát kỳ vọng những gì mà FPT và Fujitsu làm hôm nay sẽ là một đốm lửa nhỏ, từ đó hun đúc trở thành một đám lửa lớn, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Trong khi đó, ông Hirono Mitsutoshi, Phó chủ tịch cấp cao, thành viên Ban Điều hành Fujitsu chia sẻ, Fujitsu rất vui mừng khi đã thực hiện được lời hứa với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc đưa nông nghiệp thông minh vào Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn góp phần vào phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp”, ông Hirono Mitsutoshi nói.

Hiện nay, Việt Nam đang tìm kiếm những giải pháp hiện đại nhằm giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm mà tiêu biểu là cải cách kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản như Fujitsu, Toshiba, Panasonic, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như FPT đang có xu hướng đưa ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nhằm chung tay thúc đẩy sự phát triển của mô hình Nông nghiệp thông minh quốc gia.

Thu hút đầu tư nông nghiệp: Bao giờ ra khỏi vòng luẩn quẩn?
Muốn xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa có sự cạnh tranh quốc tế trong quá trình hội nhập và áp dụng sản xuất sử dụng công nghệ cao, không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư