Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
G20 đi đến đồng thuận về một tuyên bố chung
Đông Phong - 10/09/2023 10:40
 
Các nước G20 đã khắc phục những khác biệt trong cách nhìn nhận về chiến sự Nga - Ukraine và đi đến đồng thuận về một tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại New Delhi vào ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại New Delhi vào ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP

Mở đường cho khuôn khổ giải quyết nợ

Động thái trên của nhóm 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã mở đường cho các khuôn khổ giải quyết nợ và các giải pháp tài trợ khí hậu dành riêng cho từng quốc gia cùng với các cam kết khác nhằm tăng cường phát triển ở Nam bán cầu, theo ghi nhận của đài CNBC.

Trong thông cáo chung dài 83 đoạn nhằm mục đích tăng cường tích hợp nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển vào chương trình nghị sự, tuyên bố Delhi của G20 đã bỏ qua những từ ngữ trong tuyên bố năm ngoái vốn lên án công khai hành động quân sự của Nga đối với Ukraine, thay vào đó nhấn mạnh những nổi khổ mà người dân phải gánh chịu và những tác động tiêu cực khác. Thực tế, chiến sự Nga - Ukraine khiến nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 trở nên phức tạp.

Nội dung "hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ chiến tranh" đã được thay đổi. Thay vào đó, các quốc gia thành viên G20 đã đồng ý dựa trên các nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc về toàn vẹn lãnh thổ và chống sử dụng vũ lực.

"Đã tốn rất nhiều thời gian - đặc biệt là trong vài ngày qua - dành cho các vấn đề địa chính trị, trong đó thực sự tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine", Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết hôm 9/9 tại cuộc họp báo sau thông tin ban đầu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về sự đồng thuận để đi đến tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 9-10/9.

Ngoại trưởng Jaishankar nói thêm: "Mọi người đều tích cực hợp tác, bởi vì mọi người cùng nhau đạt được sự đồng thuận, các thị trường mới nổi đã đi đầu về vấn đề này và nhiều người trong chúng tôi có quá trình làm việc cùng nhau lâu dài".

Thành tựu trên nhấn mạnh sức mạnh ngoại giao của Ấn Độ vào thời điểm các liên minh toàn cầu đang thay đổi. Với việc hai nguyên thủ quốc gia của Nga và Trung Quốc vắng mặt trong Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Thủ tướng Modi muốn khẳng định Ấn Độ là một bên tham gia toàn cầu có vai trò chủ chốt trong thúc đẩy lợi ích của Nam bán cầu, đồng thời đóng vai trò là bên đối thoại với các quốc gia phát triển.

"Thách thức chồng thách thức"

Trong tuyên bố Delhi, các nhà lãnh đạo G20 kêu gọi "thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả" thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen "nhằm đảm bảo việc cung cấp ngũ cốc, thực phẩm và phân bón/nguyên liệu đầu vào ngay lập tức và không bị cản trở bởi Liên bang Nga và Ukraine".

Trước đó, Liên bang Nga đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hợp quốc, Ukraine và Nga làm trung gian vào tháng 7/2022. Thỏa thuận này nhằm giảm bớt phong tỏa hải quân của Nga ở khu vực Biển Đen và thiết lập hành lang nhân đạo cho xuất khẩu nông sản.

Theo đó, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển 725.167 tấn lúa mì theo Chương trình lương thực thế giới đến một số quốc gia mất an ninh lương thực nhất thế giới, bao gồm Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Sudan, và Yemen.

Tình trạng mất an ninh lương thực do khủng hoảng Ukraine ngày càng trầm trọng, đã gia tăng nhiều thách thức khiến thế giới chật vật trong vài năm qua, làm phức tạp thêm các nỗ lực chính sách nhằm phục hồi kinh tế sau tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Cũng trong tuyên bố ở Delhi, các nhà lãnh đạo G20 cho biết: "Thách thức và khủng hoảng nhiều năm qua đã đảo ngược những thành tựu đạt được trong Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững". Các nhà lãnh đạo G20 cam kết bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới bằng cách thúc đẩy tăng trưởng công bằng và tăng cường ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.

Để củng cố hơn nữa mục tiêu đó, Ấn Độ đã thúc đẩy việc kết nạp Liên minh châu Phi với tư cách là thành viên khu vực thứ hai của G20 được trao quyền thành viên đầy đủ sau Liên minh châu Âu.

Ngoài việc giảm thiểu tác động đến tình hình địa chính trị, an ninh lương thực và năng lượng, tuyên bố Delhi còn đề cập việc đẩy nhanh hành động về khí hậu, cung cấp thêm các khoản vay cho các quốc gia đang phát triển thông qua các tổ chức đa phương và tái cấu trúc nợ của thế giới cũng như khuôn khổ quốc tế đối với tiền ảo.

Lực bẩy tài chính từ G20

Các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mỹ đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, cam kết "tiếp tục dựa trên tiến bộ lịch sử trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ để giải quyết các thách thức toàn cầu" trong quan hệ đối tác với Ngân hàng Thế giới để xây dựng các các ngân hàng phát triển đa phương "tốt hơn, lớn hơn, và hiệu quả hơn".

Những cam kết này được xây dựng dựa trên thỏa thuận G20 nhằm mở rộng hoạt động cho vay của các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Những bước đi như vậy có thể giúp tăng thêm 200 tỷ USD tiền tài trợ trong thập kỷ tới, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nói tại cuộc họp báo về tuyên bố Delhi.

Ấn Độ, Brazil, Nam Phi (thuộc thành viên khu vực Liên minh châu Phi) và Mỹ đại diện cho ba quốc gia thành viên G20 hiện nay và tiếp theo sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên để giải quyết các vấn đề khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Trong một loạt hoạt động độc lập với Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ nhấn mạnh mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa hai nước, mà còn cả sự cấp bách và quyết tâm của họ trong việc thuyết phục thế giới rằng họ đại diện để đề xuất chiến lược khả thi hơn trong việc thúc đẩy nhu cầu phát triển của Nam bán cầu.

Cuộc gặp song phương thứ hai giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi trong vòng chưa đầy sáu tháng diễn ra vào đêm trước Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khởi động một loạt thỏa thuận và tuyên bố khác.

Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden đã cùng với các nhà lãnh đạo từ Argentina, Brazil, Italy, Mauritius và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thành lập Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu nhằm triển khai các loại nhiên liệu xanh hơn trên khắp thế giới giúp đáp ứng các mục tiêu khử carbon.

Hai nhà lãnh đạo cũng công bố kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt và đường biển sẽ kết nối Ấn Độ, Liên minh châu Âu và các nước Trung Đông như Israel, Jordan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong "một thỏa thuận đầu tư mang tính thay đổi ở khu vực".

Tổng thống Biden cũng tuyên bố hợp tác với Liên minh châu Âu trong việc mở rộng tuyến đường sắt mới để phát triển Hành lang Lobito nối phần phía nam của Cộng hòa dân chủ Congo và phía Tây Bắc Zambia với các thị trường thương mại khu vực và toàn cầu thông qua cảng Lobito ở Angola.

"Đây là một vấn đề lớn, đây thực sự là một vấn đề lớn", Tổng thống Biden cho biết hôm 9/9. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: "Thế giới đang đứng trước một bước ngoặt của lịch sử, thời điểm mà những quyết định chúng ta đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới".

Hội nghị thượng đỉnh G20 giải quyết những thách thức kinh tế nổi bật
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 9 - 10/9/2023 ở thủ đô New Delhi, Ấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư