Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Gần 120.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong năm 2021
Nguyên Đức - 29/12/2021 14:37
 
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là lý do cơ bản khiến 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm ngoái.
Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020. Bên cạnh đó, có 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

116.800 doanh nghiệp thành lập mới, 119.800 doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020.

Trong số này, số doanh nghiệp thành lập mới là 116.800 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 1.611.100 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước.

Như vậy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43.500 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136.000 tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước.

Ngoài số doanh nghiệp thành lập mới, năm 2021 còn có 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước.

Như vậy, bình quân 1 tháng có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2021 còn cao hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới.

Cụ thể, trong năm 2021, có 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%. Đây phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Trong số này, có 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18% so với năm trước; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%.

Như vậy, bình quân một tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những con số này cho thấy, đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát mạnh của đợt dịch thứ 4, kéo theo đó là các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến không chỉ tình hình thành lập mới doanh nghiệp, mà còn cả các doanh nghiệp đang hoạt động, dẫn tới số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng nhanh.

Xu hướng sẽ tốt lên trong quý I/2022

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực doanh nghiệp trong gần như suốt cả năm, đặc biệt trong quý III/2021. Tuy nhiên, việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP vào ngày 11/10/2021 trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.

Trong quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 415.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205.100 lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.

Như vậy chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét.

Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Trong số này, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong khi đó, với quý IV/2021, có 44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn so với quý III/2021; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định và 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Trong quý III/2021, chỉ có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn quý trước; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Như vậy là cùng với việc nền kinh tế đang dần quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, khu vực doanh nghiệp cũng có những tín hiệu khởi sắc hơn.

Gần 29.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động
Có tới 28.894 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư