Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Gần 154.000 tỷ đồng phải thi hành án liên quan đến thu hồi nợ của ngân hàng
An Nguyên - 23/10/2020 14:45
 
Kết quả thi hành xong về việc và tiền liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đều tăng so với năm 2019.
.
Số tiền phải thi hành iên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng là trên 153.855 tỷ đồng - (Ảnh Duy Linh) 

Mặc dù lượng việc phải thi hành liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng tăng, đặc biệt về tiền nhưng kết quả thi hành xong về việc và tiền đều tăng so với năm 2019, theo báo cáo công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ vừa được gửi đến Quốc hội.

Về án dân sự liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, Chính phủ thống kê số việc phải thi hành là 31.602 việc (chiếm 3,56% tổng số việc phải thi hành), tăng 2.822 việc (tăng 9,81%) so với năm 2019. Đã thi hành xong là 4.760 việc, tăng 232 việc (tăng 5,12%) so với năm 2019, đạt tỷ lệ 24,24%.

Số tiền phải thi hành là 153.855 tỷ 691 triệu 856 nghìn đồng, tăng 6.621 tỷ 833 triệu 234 nghìn đồng, tăng 4,50% so với năm 2019 (chiếm 58,07% về tiền so với tổng số phải thi hành). Đã thi hành xong 32.669 tỷ 964 triệu 154 nghìn đồng, tăng 9.678 tỷ 927 triệu 077 nghìn đồng (tăng 42,10%) so với năm 2019, đạt tỷ lệ 31,72%.

Kết quả thi hành xong về việc và tiền đều tăng so với năm 2019 theo nhìn nhận của Chính phủ là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đóng góp vào kết quả trên còn có sự chủ động, linh hoạt của Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để rà soát, báo cáo thống kê, nhận định các khó khăn, vướng mắc của từng vụ việc, trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với cơ quan thi hành án dân sự trong việc xử lý tài sản, thu hồi nợ (hỗ trợ tiền thuê nhà; miễn, giảm lãi vay…).

Vẫn khó thu hồi tài sản tham nhũng

Về kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, theo báo cáo tổng số việc phải thi hành là 5.796 việc, trong đó, số có điều kiện là 4.488 việc, chiếm 77,43% trong tổng số phải thi hành. Đã thi hành xong 3.605 việc (tăng 1.838 việc, tăng 104,02% so với năm 2019), đạt tỉ lệ 80,33% .

Về tiền, tổng số phải thi hành là 79.086 tỷ 845 triệu 992 nghìn đồng, trong đó, số có điều kiện là 40.119 tỷ 529 triệu 142 nghìn đồng, chiếm 50,73% trong tổng số phải thi hành. Đã thi hành xong là 15.417 tỷ 098 triệu 348 nghìn đồng; đạt tỉ lệ 38,43%.

Chính phủ đánh giá, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành địa phương đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả đối với công tác này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư