-
Chính thức thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư -
Bất động sản trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư năm 2024 của Bình Định -
Hơn 12.000 tỷ đồng đầu tư vào thành phố mới Đông Triều -
Thành phố mới Đông Triều: Cực tăng trưởng quan trọng phía Tây của Quảng Ninh -
Nam Định thành lập Cụm công nghiệp Mỹ Tân vốn 266 tỷ đồng -
Bổ sung vào quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen và Vân Phong
Lâm Đồng đề xuất sớm nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gửi Bộ GTVT và Cục Đường sắt Việt Nam về việc đề xuất cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành việc khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ khách du lịch.
Ga Đà Lạt, một phần của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. |
Trong đó, tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát được xây dựng từ thời Pháp, được khôi phục lại từ năm 1991 là một phần trong Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nêu trên.
Tuy nhiên, hiện nay qua kết quả kiểm tra thiết bị định kỳ tháng 10/2023 của Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn và kết quả kiểm tra hiện trường ngày 4/11/2023 về các công trình dự kiến đầu tư sữa chữa định kỳ năm 2024 của đoàn liên ngành, tuyến đường sắt này đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng, một số vị trí bị ngập úng, sạt lở cục bộ, nước thải rác thải làm mất an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch và nhân dân địa phương.
Cụ thể, nhiều đường cong liên tục, toàn bộ các đường cong đều không có ray hộ bánh (trong đó bán kính đường cong nhỏ nhất chỉ có 195m), tuyến đi qua khu vực đồi núi cao, độ dốc dọc tương đối lớn; đặc biệt đoạn dốc trước ga Trại Mát (hướng Đà Lạt - Trại Mát).
Nền đường sắt Đà Lạt – Trại Mát hiện tại rộng trung bình 5 m, có nhiều vị trí nền đào sâu và đắp cao. Dọc theo hành lang đường sắt chủ yếu là đồi núi, mỗi khi mưa lớn nước trên sườn đồi chảy xuống nền đường sắt kéo theo đất đá gây ngập đường sắt từ 20cm - 50cm ảnh hưởng rất lớn đến chạy tàu.
Kiến trúc tầng trên tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát chủ yếu là ray P26, dài 12m trên tà vẹt bê tông xen lẫn tà vẹt sắt của Pháp đã bị mòn và hư hỏng nhiều; mặt Kk ga kết cấu bê tông xi măng và cấp phối đất không đảm bảo mỹ quan, phù hợp với kiến trúc khu ga, chiều dành đường Ga Trại Mát ngắn không đủ để đón tàu có chiều dài lớn hơn 4 toa xe.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát hiện tại có 4 đường ngang hợp pháp, 5 lối đi tự mở và 39 lối mòn. Hầu hết các vị trí giao cắt trên tuyến do yếu tố địa hình nên chủ yếu nằm trong đường cong, dốc dọc của đường bộ lớn, bề rộng đường ngang tại vị trí giao cắt hẹp.
Hiện nay đoạn tuyến vẫn còn giữ lại được các công trình kiến trúc cổ kính, đặc biệt là ga Đà Lạt là nhà ga cổ nhất Đông Dương (được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là di tích kiến trúc văn hóa cấp Quốc Gia tại Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 26/12/2001).
Ngoài ra các công trình nhà trạm liên quan như kho hàng, ke ga, nhà chứa đầu máy, toa xe, hầm khám chữa đầu máy đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Để kịp thời khắc phục sự xuống cấp nêu trên, đảm bảo an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch đến với TP. Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng của tuyến đường sắt Đà lạt - Trại Mát”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất.
Trước đó, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã có tờ trình gửi Bộ GTVT đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đi qua địa phận TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với chiều dài khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).
Dự án bao gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần có khối lượng lớn hơn là khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát có chiều dài 76,8 km, gồm việc khôi phục, xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng toàn bộ kết cấu tầng trên đường sắt.
Hợp phần thứ hai là nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt - đoạn đang khai thác với chiều dài 6,7 km, trong đó có việc tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát. Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60 km/h; sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.
Tổng mức đầu tư Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là 24.924 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay, chi phí tài chính), trong đó 2 khoản chi nặng nhất là chi phí xây dựng (4.517 tỷ đồng) và chi phí thiết bị (9.246 tỷ đồng).
Nếu tính cả lãi vay và chi phí tài chính, tổng mức đầu tư của Dự án lên tới 28.987 tỷ đồng. Do thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, nên Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng dự kiến ngân sách nhà nước tham gia Dự án khoảng 2.163 tỷ đồng.
Đối với phần vốn của nhà đầu tư, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng dự kiến vay khoảng 22.800 tỷ đồng (trong đó, vay trong nước chiếm 10% với lãi suất 10,4%/năm, vốn vay ngân hàng thương mại nước ngoài chiếm 90% với lãi suất dự kiến 7%).
Đà Nẵng sẽ đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị
Theo phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì Đà Nẵng sẽ triển khai hàng loạt những Dự án giao thông lớn và quan trọng.
Thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng theo Quy hoạch. |
Cụ thể, đối với mạng lưới đường đô thị, thì sẽ xây dựng tuyến đường Vành đai phía Tây 1 nằm giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc; nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía Đông và phía Tây.
Đồng thời, bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam hầm Hải Vân - Túy Loan, tuyến đường từ đường Vành đai phía Tây đến cao tốc La Sơn - Túy Loan (phía sau Khu công nghệ cao), kết nối đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Hoàng Văn Thái nối dài, từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến ga đường sắt mới để tạo thành trục chính kết nối Đông - Tây.
Quy hoạch cũng nêu rõ, xây dựng tuyến đường Lê Duẩn kết nối với đường Đống Đa; tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra xây dựng công trình qua sông Hàn kết nối từ khu vực đường Đống Đa - Trần Phú sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo; tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài thông tuyến đường Hoàng Văn Thái, Vành đai phía Tây II và đường tránh Nam Hải Vân; đồng thời tính toán các giải pháp kết nối Cảng biển và Ga Kim Liên…
Về tổ chức giao thông công cộng, TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm tăng mật độ bao phủ tuyến, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác.
Đặc biết về đường sắt đô thị, TP.Đà Nẵng sẽ xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển.
Một số tuyến LRT sẽ tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia Bắc - Nam (sau khi di dời Ga đường sắt hiện trạng ra khỏi trung tâm thành phố) để xây dựng, đồng thời kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT theo định hướng TOD.
Ngoài ra, xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Đối với đường bộ sẽ xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nâng cấp đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; Quốc Lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng (dài khoảng 8 km) đạt quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe; Quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng (dài khoảng 25 km) đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV, 02 làn xe; đường tránh Nam Hải Vân (đoạn Hòa Liên - Hải Vân và Hòa Liên - Túy Loan. Xây dựng các nút giao thông khác mức kết nối các tuyến đường quốc gia vào hệ thống giao thông đô thị.
Trong khi đó, đường sắt sẽ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song đường bộ cao tốc về phía Đông. Quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam tại Ga Đà Nẵng mới sau năm 2030.
Sẽ di dời ga Đà Nẵng, xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc thuộc khu vực xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Tái phát triển khu vực Ga Đà Nẵng hiện trạng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng chính kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ theo định hướng phát triển TOD và CBD.
Thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng Ga Trung tâm logistics đường sắt tại khu vực xã Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia, đường bộ quốc gia và đường vành đai thành phố; quy hoạch các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối giữa Đường sắt quốc gia, Ga Trung tâm logistics đường sắt với Cảng biển Liên Chiểu và các đầu mối có nhu cầu thu gom, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt…
Chỉ đạo mới của lãnh đạo Chính phủ về Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 9100/VPCP – CN gửi UBND tỉnh Lạng Sơn để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc điều chỉnh phương án đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương đối với Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Ảnh minh hoạ. |
Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ về điều chỉnh phương án đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương đối với Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, trường hợp cần thiết làm việc trực tiếp với các Bộ để thống nhất phương án đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, đầu tư công và ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướngđể sớm triển khai thực hiện.
“UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo HĐND tỉnh quyết định phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, đầu tư công, ngân sách Nhà nước trên cơ sở thống nhất phương án đầu tư với các Bộ theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Vào giữa tháng 8/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn số 1054/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh phương án đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương đối với Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Có hai động thái chính trong đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn đối với công tác triển khai đầu tư phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ Chi Lăng (điểm cuối của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) tới cửa khẩu Hữu Nghị, từng được Bộ GTVT khởi động cách đây gần 10 năm.
Động thái đầu tiên là việc UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tách đoạn Hữu Nghị - Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km khỏi Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án độc lập, có tổng mức đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị dài 43 km sẽ tiếp tục thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT đã được HĐND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 30/12/2022.
Động thái thứ hai cũng liên quan trực tiếp tới đoạn Hữu Nghị - Tân Thanh - Cốc Nam khi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư đoạn tuyến này bằng vốn đầu tư công, trong đó ngân sách trung ương bố trí 1.351 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 1.249 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư dự kiến của đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (sau khi tách đoạn từ Hữu Nghị đi Tân Thanh - Cốc Nam) là khoảng 8.000 tỷ đồng. Tại dự án này, ngân sách nhà nước tham gia khoảng 3.800 tỷ đồng (đảm bảo tỷ lệ <50% tổng mức đầu tư theo quy định, gồm ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, đã được Thủ tướng giao tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023; ngân sách địa phương khoảng 1.300 tỷ đồng, đã được tỉnh Lạng Sơn đưa vào Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025); vốn của nhà đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lạng Sơn, Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.620 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước tham gia dự án PPP khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08% tổng mức đầu tư).
Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn như trên đã khiến thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án kéo dài tới 31 năm 11 tháng, trong khi thời gian thu phí bình quân đối với một dự án cao tốc chỉ từ 22 đến 25 năm. UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, đối với hợp đồng dự án theo hình thức BOT, thời gian thu phí cũng chính là thời gian hợp đồng của dự án, do thời gian hoàn vốn của dự án rất dài, nên khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác đầu tư... sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 76, Luật Đầu tư PPP, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh phải hoàn thành thu xếp tài chính.
Điều này khiến Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng không thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân (đến nay chỉ có một nhà đầu tư trong nước nộp hồ sơ quan tâm Dự án).
UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để giảm thời gian thu phí, tăng tính khả thi của phương án tài chính, khả năng huy động vốn để thực hiện dự án, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu thực hiện dự án, việc tách thành 2 dự án là điều cần thiết, đồng thời sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án trước năm 2025.
Đầu tư Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản về việc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với việc đầu tư xây dựng mới Quốc lộ 15D tại Quảng Trị.
Theo đó, tại văn bản số 1136/TTg-CN ngày 21/11/2023, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Trị, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính về việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo. Đối với việc đầu tư xây dựng mới Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đồng ý giao cho UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
QL15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn |
Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất và kiến nghị.
Về việc đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 15D đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Quốc tế La Lay, Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và thống nhất với hai Bộ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Quốc lộ 15D là tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu Quốc tế La Lay, kết nối các tuyến trục dọc quốc gia như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông; kết nối với Quốc lộ 15B của nước bạn Lào và hệ thống đường bộ của Thái Lan, Myanmar tạo thành tuyến trục trên hành lang kinh tế Đông - Tây; tạo điều kiện giao lưu cũng như hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.
Hiện nay, nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay đến các cảng biển tại Việt Nam để xuất khẩu tăng cao, ước tính 20-30 triệu tấn/năm; trung bình mỗi ngày từ 300 - 350 xe, cao điểm có ngày hơn 400 lượt xe tải, xe container lưu thông qua cửa khẩu La Lay.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao và góp phần giao thương hàng hóa giữa khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan, việc đầu tư bảo đảm đồng bộ quy mô tuyến Quốc lộ 15D theo quy hoạch là cần thiết.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9/2021, Quốc lộ 15D từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị, dài 78 km (thực tế khoảng 92 km), có quy mô cấp III, IV, 2 làn xe.
Hiện nay, Quốc lộ 15D đã đầu tư 2 đoạn phù hợp với quy mô tối thiểu của quy hoạch, gồm đoạn từ cảng Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1, chiều dài khoảng 14 km, quy mô đường cấp III, 2 làn xe; đoạn đi trùng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 24 km, quy mô cấp III, 2 làn xe. Đoạn còn lại từ đường Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu La Lay, chiều dài khoảng 12 km, quy mô cấp IV, V, 2 làn xe và 42 km còn lại xây dựng mới, chưa được đầu tư.
Báo cáo Thủ tướng về kế hoạch xây dựng Quy chuẩn đường cao tốc trước ngày 30/11/2023
Công văn số 9101/VPCP-CN ngày 21/11/2023 của Văn phòng Chính phủ nêu: Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I/2024 như đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.
Trước 30/11/2023 phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xây dựng Quy chuẩn đường cao tốc |
Vì vậy, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xây dựng, các căn cứ xây dựng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất dự thảo khung quy chuẩn, báo cáo trước ngày 30/11/2023.
Trước đó, ngày 12/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 794/CĐ-TTg nêu: Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, tạo khí thế, niềm tin và sự phấn khởi trong Nhân dân. Trong đó, đã đưa vào sử dụng 08/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822 km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội...
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế; một số tuyến cao tốc chỉ có 02 làn xe; việc bố trí, đầu tư xây dựng các nút giao thông, nhất là chiều rộng và kết nối đường cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương để vào các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ còn chưa hợp lý; giải pháp xử lý nền đất yếu; việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng còn chưa đáp ứng tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm...
Để sớm giải quyết các tồn tại này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại các Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023, Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023, xây dựng và ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc theo thẩm quyền làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối; làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.
Quá trình xây dựng Quy chuẩn cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.
Nội dung Quy chuẩn cần lưu ý quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế, trạm dừng nghỉ…; nguyên tắc bố trí, tổ chức các nút giao khoa học, hiệu quả, chiều rộng và tốc độ thiết kế của nút giao phù hợp với tốc độ của đường cao tốc đảm bảo khai thác, vận hành thuận lợi, an toàn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.
Bình Định đề xuất điều chỉnh nội dung về điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII
Trong công văn gửi Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, theo nội dung Tờ trình số 7146/TTr-BCT, ngày 12/10/2023 của Bộ Công thương về việc đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII thì trong giai đoạn đến năm 2030, quy mô công suất các loại hình nguồn điện phân bổ cho tỉnh Bình Định là rất thấp so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó gây khó khăn cho tỉnh Bình Định thu hút các nhà đầu tư đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Một Dự án diện gió ven biển tại TP. Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh minh họa. |
Để có cơ sở cho tỉnh thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công thương xem xét ưu tiên tăng quy mô công suất các dự án nguồn điện phân bổ cho địa phương.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung tờ trình trên, tại mục tổ chức thực hiện quy định cho Bộ Công thương là “xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao EVN và các doanh nghiệptrong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi có cơ sở pháp lý để có thẩm quyền giao chủ đầu tư”.
Đối với nội dung quy định này, UBND tỉnh Bình Định đánh giá “sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi”.
Do vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh lại nội dung quy định này cho phù hợp.
Lý giải việc đề xuất trên, UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà đầu tư đăng ký triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, Tập đoàn PNE (Đức) đăng ký đầu tư Dự án Điện gió ngoài khơi với tổng quy mô công suất 2.000MW, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD. Đây là dự án động lực được tỉnh Bình Định quan tâm thu hút đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Được biết, Dự án Điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE đã thực hiện đo gió từ tháng 5/2022, hiện tỉnh Bình Định đang trình xin ý kiến từ Bộ Quốc phòng. Trong đó, Dự án Nhà máy điện gió PNE 1 có khu vực đề xuất khảo sát trên biển khoảng 14.135 ha, thuộc huyện Phù Mỹ và Phù Cát; sản lượng đện 2.485 triệu kWh/năm.
Theo UBND tỉnh Bình Định, địa phương có 8 dự án điện gió ngoài khơi đăng ký đầu tư trên địa bàn với tổng công suất 7.300 MW. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030, Bình Định có 2 dự án gồm Nhà máy điện gió PNE 1 (700 MW, 37.600 tỷ đồng) và Nhà máy điện gió tự dùng Long Sơn (500 MW, 19.000 tỷ đồng).
Sau năm 2030, Bình Định có 6 dự án đăng ký đầu tư gồm Nhà máy điện gió PNE 2 và PNE 3 (700 MW, 37.600 tỷ đồng và 600 MW, 3.290 tỷ đồng); Nhà máy điện gió ngoài khơi xã Nhơn Lý (1.000 MW, 50.732 tỷ đồng); Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định 1, Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định 2 (đều có công suất 300 MW và 16.215 tỷ đồng); Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định 3 (2.000 MW, 108.100 tỷ đồng); Điện gió Ngoài khơi tỉnh Bình Định (1.200 MW, 84.450).
Ngoài 2 dự án gồm Điện gió Ngoài khơi tỉnh Bình Định và Nhà máy điện gió tự dùng Long Sơn mới dừng ở đã cập nhật trong quy hoạch tỉnh Bình Định; 6 dự án còn lại đều đã có trong danh mục các dự án tiềm năng của Quy hoạch điện VIII.
Đắk Lắk bàn giao hơn 75% mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk vừa cho biết, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu để triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, cũng cơ bản hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn tuyến.
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. |
Về công tác giải phóng mặt bằng, theo báo cáo của các Chủ đầu tư, tính đến ngày 30/10/2023, các địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư cơ bản đạt trên 75%, đảm bảo yêu cầu theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ.
Riêng dự án thành phần 2 mới đạt 24,6% do tuyến đi qua khu vực cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 7526/BNN-KL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Hiện nay các nhà thầu thi công đã tập kết xe máy thiết bị đến công trường; đang triển khai công tác thi công đường công vụ, san ủi, làm lán trại, phát quang dọn dẹp mặt bằng…
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 116,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần.
Trong đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 31,5 km do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 có chiều dài gần 37 km do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 3 có chiều dài 48,09 km do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.
Vào tháng 9/2023, tại cuộc họp tình hình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị yêu cầu bàn giao 100% mặt bằng cho Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến cuối năm 2023 bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai Dự án. Các địa phương có Dự án đi qua phải đăng ký và cam kết tiến độ thực hiện cụ thể đối với công tác giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn Dự án đoạn đi qua địa bàn…
Quảng Nam kiến nghị nâng công suất mỏ cát trắng Hương An lên 300.000 tấn/năm
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam về việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản cát trắng tại mỏ cát Hương An (điều chỉnh công suất và diện tích khu vực khai thác) theo đúng quy định.
“Khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn (đến ngày 28/7/2025), UBND tỉnh sẽ xem xét kết quả thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của Công ty trong quá trình hoạt động khoáng sản tại mỏ để điều chỉnh thời gian hoạt động của Dự án đầu tư theo quy định và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường”, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đề nghị của Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam về việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản cát trắng tại mỏ cát Hương An thuộc địa phận thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn và các xã Bình Giang, Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, UBND tỉnh này thống nhất điều chỉnh nâng công suất khai thác mỏ từ 180.000 tấn/năm thành 300.000 tấn/năm theo đúng chủ trương đầu tư của dự án đã được điều chỉnh tại Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh và điều chỉnh diện tích khu vực khai thác từ 157 ha xuống còn 77,63 ha (gồm 32,55 ha chồng lấn với phạm vi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn thuộc địa phận thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn và 45,08 ha thuộc các xã Bình Giang, Bình Phục, huyện Thăng Bình); diện tích trả lại Giấy phép khai thác là 79,37 ha.
Phần diện tích tiếp tục khai thác 77,63 ha hiện nay nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, không có rừng tự nhiên và không thuộc khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Về tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, theo Thông báo số 5267/TB-CTQNA ngày 17/7/2023 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, đến ngày 14/7/2023, Công ty không nợ thuế và các nghĩa vụ tài chính liên quan đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ cát trắng Hương An.
Công ty đã thực hiện nghĩa vụ ký quỹ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh về chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án khai thác và chế biến cát trắng mỏ Hương An, huyện Quế Sơn và huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và đã nộp đầy đủ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường (đợt 1) với số tiền 19,877 tỷ đồng vào tài khoản của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh theo Quyết định số 1254/QĐ-BTNMT ngày 16/5/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Các nội dung khác có liên quan đến đề nghị việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát trắng Hương An, theo UBND tỉnh này, trường hợp được điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ cát trắng Hương An, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam phải tổ chức khai thác trước phần diện tích chồng lấn với Khu công nghiệp Đông Quế Sơn (32,55 ha) và kịp thời hoàn thổ, phục hồi môi trường ngay sau khi khai thác để bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý, giao cho đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xúc tiến các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình tổ chức khai thác mỏ, Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam phải tính toán mức sâu và diện tích từng moong khai thác hợp lý, thực hiện kịp thời việc hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác để bàn giao cho địa phương quản lý, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến mực nước ngầm và sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực xung quanh; đồng thời phải khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản theo đúng quy định.
Đối với phần diện tích trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản (79,37 ha), UBND tỉnh đề nghị Công ty khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ theo đúng quy định để bàn giao cho địa phương quản lý.
Trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ cát trắng Hương An, Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam phải có nghĩa vụ hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật.
Vĩnh Long: Đầu tư khẩn cấp sửa chữa kè sông Cổ Chiên vốn gần 600 tỷ đồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt vừa ký ban hành Quyết định số 2610/QĐ-UBN, ngày 20/11/2023 phê duyệt Dự án đầu tư công khẩn cấp sửa chữa Kè sông Cổ Chiên - thuộc đoạn Phường 1, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm chống xói lở lòng sông, đảm bảo ổn định cho tuyến kè và các công trình hạ tầng kỹ thuật sau kè; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; ổn định sản xuất của người dân, doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bờ kè sông Cổ Chiên đoạn Phường 1, TP. Vĩnh Long |
Quy mô đầu tư của Dự án gồm gia cố chống xói lở lòng sông, công trình có chiều dài toàn tuyến 480 m. Trong đó, sửa chữa tường kè bị hư hỏng và hoàn trả hành lang kè đoạn từ cầu dẫn nhà máy nước Vĩnh Long đến cửa sông Long Hồ với chiều dài 290 m; xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông đoạn từ cửa sông Long Hồ đến giáp tuyến kè sông Long Hồ với chiều dài 190 m.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 593 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 303 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 205 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng…
Nguồn vốn đầu tư Dự án từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 và vốn ngân sách địa phương (trong đó, nguồn kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi khoảng 25 tỷ đồng) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện năm 2023 - 2025.
UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Chủ đầu tư) triển khai thực hiện các công việc tiếp theo đúng quy định hiện hành của nhà nước về đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt dự án khẩn cấp, thực hiện theo đúng kết quả thẩm định tại Công văn số 32/SNN&PTNT.TĐ.DAĐT ngày 10/11/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đề xuất nâng tỷ lệ vốn góp Nhà nước xây cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 9725 /BKHĐT-PTHTĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP.
Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. |
Tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng cho phép bổ sung Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong danh mục dự án được áp dụng thuộc chính sách 1 - tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP công trình đường bộ tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng. Đây là cơ chế nằm trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thống nhất với UBND tỉnh Cao Bằng về việc kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 3.220 tỷ đồng cho Dự án tương ứng với phần thiếu hụt và báo cáo Quốc hội cho phép dự kiến từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan có thẩm quyền. Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 14.331,618 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, trong thời gian vừa qua, địa phương này đã thực hiện các công tác lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP theo quy định, tuy nhiên khi đàm phán ký kết hợp đồng gặp một số vướng mắc nên chưa triển khai được.
Cụ thể, do đặc thù nhu cầu vận tải giai đoạn đầu của Dự án chưa cao; tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt, lãi suất cho vay cao (khoảng 13%) nên gặp khó khăn về thu xếp nguồn vốn tham gia vào dự án dẫn đến phần vốn của nhà đầu tư dự kiến tham gia vào dự án giảm 3.220 tỷ đồng.
Trong khi đó, do năm 2021 và 2022 do tình hình dịch bệnh Covid - 19 nguồn thu ngân sách tỉnh không đạt kế hoạch nên UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép bổ sung phần số vốn còn thiếu của dự án từ nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 3.220 tỷ đồng.
Việc tăng phần vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án sẽ dẫn đến tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án lên khoảng 68,38% tổng mức đầu tư nên UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ bổ sung dự án vào danh mục thí điểm trình Quốc hội cho phép áp dụng chính sách số 1 về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP công trình đường bộ không quá 70% tổng mức đầu tư dự án.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, muốn Cao Bằng phát triển, muốn xoá được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Được biết, khi tham gia nghiên cứu đề xuất dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu để hạ tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng, tức là giảm hơn một nửa so với dự toán trước đây bằng cách áp dụng các công nghệ mới. Tuy nhiên, Dự án vẫn cần sự hỗ trợ tăng thêm của ngân sách Nhà nước so với quy định hiện hành để đảm bảo phương án tài chính.
“Chúng tôi cần thêm những cơ chế chính sách đủ mạnh để giúp tăng tính khả thi tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư, qua đó hành tổ chức thực hiện dự án đảm bảo tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức PPP được chọn thí điểm lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án (quy định hiện nay là không quá 50%) nhận được nhiều đồng thuận của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, vốn Nhà nước nên tăng lên mức tối đa là 80%, để tạo dư địa cho các địa phương đàm phán với các nhà đầu tư.
“Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có thể có những phương án riêng. Tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước cũng có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép”, ông Hiếu nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết thêm, cơ sở quan trọng, mấu chốt nhất để xác định tỷ lệ cần dựa trên sự cân bằng, không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và tính khả thi của dự án. Nếu cơ chế không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác.
Đồng thuận với việc nới trần vốn góp của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông và Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư sớm hoàn vốn, nhất là đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các vùng khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.
“Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.
Hưng Yên khởi công xây dựng đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 4
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (dự án đường Vành đai 4) có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận Thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Theo Nghị quyết số 56, về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, tỉnh Hưng Yên được giao phối hợp với Thành phố Hà Nội triển khai dự án thành phần 3 (đường cao tốc) và trực tiếp tổ chức thực hiện 2 dự án thành phần là dự án 1.2 và 2.2.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. |
Trong đó dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành trên địa phận tỉnh Hưng Yên với mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.
Đường Vành đai 4 đi qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài 19,3km, qua 4 huyện là Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu và Văn Lâm. Điểm đầu từ cầu Mễ Sở (Văn Giang) và điểm cuối tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm).
Xác định tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, tỉnh Hưng Yên đã thể hiện sự quyết tâm cao, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện. Hiện, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) diện tích đất nông nghiệp, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây điện 110kV, 220kV, 500kV. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư đạt 193,6/230,2 ha, đạt trên 84% diện tích phục vụ dự án.
Dự án thành phần 2.2 đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt từ ngày 01/6/2023 tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2 từ ngày 25/10/2023. Theo kế hoạch vốn năm 2023, tỉnh phân bổ 200 tỷ đồng để thực hiện dự án thành phần 2.2, số vốn đã giải ngân đến nay là 136 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch vốn.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, dự án đường Vành đai 4 là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Để dự án bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra, các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu cần tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện các khối lượng còn lại của công tác GPMB, việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân phải thực sự phù hợp với thực tế và đúng quy định pháp luật.
Đối với Sở Giao thông vận tải, cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện có phương pháp khoa học và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chuẩn cũng như phối hợp tốt với các Bộ, ngành Trung ương trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Đối với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, cần huy động máy móc, trang thiết bị hiện đại, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng theo đúng tiến độ đề ra.
Trước đó, ngày 2/11/2023, UBND tỉnh Hưng yên đã tổ chức hội nghị giao nhận mặt bằng gói thầu số 01: Thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên.
Theo ông Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án đường Vành đai 4, cùng với việc tăng cường giám sát thi công, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về dự án đường Vành đai 4 để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trong thời gian sớm nhất.
Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư dự án nuôi tôm công nghệ cao trước ngày 30/11
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Dự án nuôi tôm công nghệ cao RAS của Công ty CP Camimex là dự án nuôi trồng thuỷ sản có công nghệ tiên tiến, tuần hoàn nước, có hiệu quả kinh tế cao và được đối tác của Nhà đầu tư ở nước (Israel) rất quan tâm triển khai thực hiện.
Dự án được đề xuất thực hiện khu vực xung quanh Trại giống Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh |
UBND tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành các thủ tục đầu tư, sớm cấp quyết định chủ trương đầu tư để Nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài, vì vậy, Nhà đầu tư đã có văn bản ngày 15/11/2023 đưa ra các mốc lộ trình cụ thể về thời gian hoàn thành việc cấp quyết định chủ trương đầu tư, giao đất để thực hiện dự án nhằm quyết định việc đầu tư hay rút dự án ra khỏi tỉnh Quảng Trị.
UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định rằng đây là dự án rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản của tỉnh, đồng thời ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, địa phương đơn vị khẩn trương quyết liệt thực hiện đồng thời các công việc liên quan nhằm đẩy nhanh các thủ tục điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, thanh lý tài sản trên đất, công tác GPMB dự án để trình UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án trước ngày 30/11/2023. Sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để giao đất cho Nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cửa Tùng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng giao UBND huyện Vĩnh Linh chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị (Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công ty CP Camimex) tổ chức cuộc họp để vận động tuyên truyền người dân đồng thuận, ủng hộ dự án. Hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh để rà soát hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch. Báo cáo Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh đảm bảo thời gian trước khi thực hiện các thủ tục về đất đai của dự án.
Đối với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dân Nhà đầu tư rà soát, tính toán phân kỳ đầu tư dự án với quy mô diện tích phù hợp với điều kiện thực tế để hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Chủ trì tổ chức thẩm định cơ bản đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, tham mưu văn bản cho Ban cán sự Đảng báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ đồng ý chủ trương trước ngày 27/11/2023 để UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trước ngày 30/11/2023.
Về phía Nhà đầu tư là Công ty CP Camimex, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu doanh nghiệp rà soát, tính toán phân kỳ đầu tư dự án với quy mô diện tích phù hợp với điều kiện thực tế để hoàn thiện hồ sơ, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/11/2023. Bố trí nhân lực để phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, công tác GPMB và vận động người dân trong khu vực ủng hộ dự án.
Trước đó, vào tháng 8/2022, Công ty CP Camimex đã đề xuất triển khai dự án nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư 3.650 tỷ đồng. Sau khi cân nhắc các địa điểm, doanh nghiệp đã lựa chọn đề xuất đầu tư dự án tại khu vực xung quanh Trại giống Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh với diện tích từ 5-7 ha.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, bà Lê Thị Thương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay khu vực đề xuất dự án đã có quy hoạch sử dụng đất, và cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Cửa Tùng.
"Trong phạm vi đề xuất dự án có 1,3 ha của trung tâm Trại giống thuỷ sản Cửa Tùng của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện nay UBND huyện Vĩnh Linh đã làm phương án đầu giá và đã trình qua Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định để trình UBND tỉnh đưa ra tổ chức đấu giá theo quy định đối với phần diện tích 1,3 ha này", bà Thương thông tin.
Nam Định cấp chứng nhận đầu tư dự án FDI hơn 84 triệu USD
Ngày 23/11, Dự án Kỹ thuật bảo hộ an toàn XINGYU VIỆT NAM của Nhà đầu tư Xingyu Safety Technology (Singapore) Pte. Ltd được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào KCN Bảo Minh mở rộng.
Theo đó, Dự án Kỹ thuật bảo hộ an toàn Xingyu Việt Nam có tổng vốn đầu tư 2.027,500 tỷ đồng, tương đương 84.479,116 triệu USD, thực hiện trên diện tích 103.550 m2 tại KCN Bảo Minh mở rộng. Vốn góp của nhà đầu tư là 583,372 tỷ đồng (24,307 triệu USD), vốn huy động 1.444,128 tỷ đồng (60,172 triệu USD).
Nhà đầu tư Singapore rót hơn 84 triệu USD đầu tư dự án sản xuất găng tay tại KCN Bảo Minh mở rộng (Nam Định). |
Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 3/2024, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2025, tháng 2/2025 tiến hành lắp đặt máy móc thiết bị, tháng 12/2025 sẽ vào hoạt động chính thức.
Dự án của nhà đầu tư Sigapore có quy mô sản xuất 300 triệu đôi găng tay bảo hộ lao động/năm (1.950 tấn/năm); công suất khoảng 10 triệu đôi găng tay y tế/năm (300 tấn/năm).
Cũng theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành về: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất, ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được khấu trừ.
Khi thực hiện dự án, nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký cấp tài khoản sử dụng trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo quy định pháp luật; có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước Việt Nam tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Được biết, Xingyu Safety Technology (Singapore) Pte. Ltd thành lập năm 1992 là Tập đoàn nổi tiếng chuyên sản xuất găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động; thực hiện chuỗi sản xuất từ kéo sợi, dệt, đan lát đến phủ (phủ cao su, phủ nitrile, phủ PU, phủ PVC), găng tay dùng một lần liền mạch, nitrile và hơn 200 loại găng tay an toàn với đa dạng kích cỡ, vật liệu, hiệu suất đặc biệt nhờ khả năng chống cắt, chịu nhiệt, chống rung, chống va đập.
Tập đoàn Xingyu đã được cấp Chứng nhận Hệ thống Quản lý Chất lượng ISO 9001, Chứng nhận Hệ thống Quản lý Môi trường ISO 14001 và chứng nhận CE và sở hữu hơn 130 dây chuyền sản xuất, hơn 3.500 nhân viên, mỗi ngày sản xuất 3 triệu đôi găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động.
Giao đầu mối nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa ký quyết định giao Ban quản lý Dự án 7 tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.
Quyết định nêu rõ, kinh phí thực hiện được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn được giao theo quy định; thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến năm 2025.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo dõi, quản lý hợp đồng đầu tư Dự án BOT đường bộ cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) phối hợp Ban quản lý dự án 7 trong quá trình thực hiện.
Ban Quản lý dự án 7 có nhiệm vụ làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, các kết quả nghiên cứu trước đây liên quan đến các dự án đường cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận; tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình thực hiện; rà soát hồ sơ, tài liệu các dự án đầu tư giai đoạn 1 để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, vướng mắc.
Cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và các cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Ban quản lý dự án 7 để triển khai thực hiện.
Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 thông báo, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất dự án (lưu ý nội dung liên quan đến chi phí, rủi ro khi đề xuất dự án không được lựa chọn); xây dựng phương pháp đánh giá, tiếp nhận và tổ chức đánh giá để lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất theo quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Điều 83 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định có liên quan.
Hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dài khoảng 40 km, đã trải qua giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Sau hơn 12 năm hoạt động, lưu lượng phương tiện trên tuyến đã đạt 50.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên gặp ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngoài ra, khả năng thông hành của tuyến cũng đã không còn đảm bảo, khi tốc độ lưu thông thực tế chỉ đạt 60-70 km/h (so với thiết kế là 100-120 km/h).
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, dài 51 km, quy mô 4 làn xe, đã đi vào hoạt động vào ngày 30/4/2022 với tốc độ tối đa 80 km/h, tuy nhiên với các làn dừng khẩn cấp không liên tục, chỉ cần một sự cố va chạm đã đủ để tạo ra ùn tắc kéo dài.
Theo thông tin từ đơn vị quản lý vận hành, trung bình mỗi ngày tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ hơn 23.000 lượt xe, tiến sát tới giới hạn. Vào các dịp lễ, Tết, lưu lượng xe tăng đột ngột, đỉnh điểm diễn ra trong Tết Nguyên đán 2023, khi lưu lượng xe qua tuyến đạt tới 39.000 lượt.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao, tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương cần sớm mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 120 km/h. Đối với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cần tiến hành mở rộng trong giai đoạn 2 với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/h.
Cần Thơ xây dựng cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm, vốn hơn 1.196 tỷ đồng
Ngày 23/11, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đã ký ban hành Quyết định số 2791/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Dự án do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư, với mục tiêu nhằm mở rộng, xây dựng các nút giao trong phạm vi dự án đáp ứng yêu cầu lưu lượng giao thông hiện tại và tương lai, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông; xây dựng nút giao hiện đại, góp phần cải tạo mỹ quan đô thị; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật của thành phố theo quy hoạch được duyệt góp phần phát triển kinh tế - xã hội quận Ninh Kiều nói riêng và TP. Cần Thơ nói chung.
Ngã tư đường Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) là nơi thường bị ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm |
Dự án phân làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 mở rộng nút giao cùng mức, điều khiển bằng đèn tín hiệu, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Các hạng mục đầu tư gồm cải tạo, mở rộng 5 nút giao, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy, tín hiệu giao thông.
Giai đoạn 2, trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông.
Năm nút giao được cải tạo, mở rộng gồm: Nút số 1 (đường Mậu Thân - 3 Tháng 2 - Trần Hưng Đạo); nút số 2 (đường Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt); nút số 3 (đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ); nút số 4 (đường Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2) và nút số 5 (đường Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.196 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 963,6 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 179,6 tỷ đồng; còn lại là chi phí dự phòng, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.
Theo Quyết định phê duyệt, thời gian thực hiện dự án không quá 4 năm. Năm 2023 - 2024, quận Ninh Kiều sẽ ưu tiên thực hiện trước 2 nút giao có lưu lượng giao thông cao, thường xuyên bị ùn tắc giao thông gồm nút số 1: nút giao đường Mậu Thân - 3 Tháng 2 - Trần Hưng Đạo và nút số 4: nút giao đường Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2.
Năm 2025, triển khai các nội dung tiếp theo đúng quy định, khi cần thiết thì trình điều chỉnh dự án cho phù hợp.
UBND TP. Cần Thơ giao UBND quận Ninh Kiều có trách nhiệm tổ chức thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định sau khi dự án được phê duyệt.
Đắk Lắk phát huy hiệu quả vốn vay nước ngoài
Ban kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Đắk Lắk mới đây đã tổ chức giám sát tình hình sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của tỉnh Đắk Lắk đến hết 31/12/2022.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 chương trình, Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với tổng số vốn vay gần 317 tỷ đồng.
Đến giai đoạn 2021 – 2022, tiếp tục triển khai các dự án trên. Đến nay có 1 dự án đã hoàn thành, 2 dự án đã kết thúc hiệp định vay và 2 dự án đang tiếp tục triển khai.
Các dự án đã hoàn thành và kết thúc Hiệp định vay gồm: Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả hoàn thành vào tháng 12/2022; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập đã kết thúc Hiệp định vay vào tháng 6/2023; Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đã kết thúc Hiệp định vay vào tháng 6/2023…
Hai dự án đang triển khai gồm: Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - Tiểu dự án tại tỉnh Đắk Lắk và Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán - WEIDAP/ADB8, Tiểu dự án Nâng cấp, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng cạn tỉnh Đắk Lắk.
Theo đánh giá, các chương trình, dự án đã hoàn thành và kết thúc hiệp định vay đã góp phần cải thiện cơ bản và phát triển một bước cơ sở hạ tầng kinh tế. Từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.
Đối với tình hình giải ngân vốn nước ngoài, giai đoạn 2021 – 2022, tổng nguồn vốn nước ngoài (do ngân sách tỉnh vay lại) được phân bổ 161,4 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, đã giải ngân được hơn 97 tỷ đồng, đạt 60,2% kế hoạch.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã bố trí đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài hơn 216 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Đối với tình hình trả nợ vốn vay nước ngoài, trong năm 2021, 2022 đã trả nợ hơn 13,3 tỷ đồng. Dự kiến từ 2023 – 2025 trả nợ hơn 44 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Đắk Lắk, các chương trình, dự án công trình đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh phần lớn có tổng mức đầu tư lớn, tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế, ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, công nghệ…
Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài khi được triển khai, thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các sở, ngành bổ đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài, nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn…
Công điện khẩn thúc tiến độ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Công điện số 57/CĐ - BGTVT gửi Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp; Tổng giám đốc: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn,Tập đoàn CIENCO4, Công ty Đầu tư Núi Hồng, Công ty Xây dựng VINA2, Công ty Phúc Thành Hưng; Giám đốc Ban quản lý Dự án 6 yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Công điện nêu rõ, trong thời gian vừa qua các đơn vị nói trên đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay sản lượng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt khoảng 59,2% giá trị Hợp đồng, khối lượng còn lại rất lớn (khoảng 40,8%) trong khi thời gian còn lại rất ngắn (6/36 tháng).
Hiện nay, một số hạng mục là đường găng của Dự án, đặc biệt là việc chờ lún trong công tác xử lý nền đất yếu chưa có phương án đáp ứng tiến độ hợp đồng (khoảng 5,7km nền đường chưa hoàn thành đắp gia tải); các hạng mục công trình như: Hầm Thần Vũ, các cầu: Vượt N2, Xuân Dương 1, Xuân Dương 2, Thần Vũ 2, Vượt N5, Vượt QL48E, Nghi Mỹ, Vượt QL46B, Hưng Thắng, Hưng Đức, Vượt QL8A đang bị chậm tiến độ; các hạng mục hoàn thiện như: móng, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, giải phân cách giữa, hàng rào bảo vệ chưa có kế hoạch triển khai thi công đồng bộ.
Trong thời gian qua, mặc dù lãnh đạo cấp cao của các nhà đầu tư (cũng là các nhà thầu thi công), doanh nghiệp dự án cam kết trước Bộ GTVT sẽ hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ Hợp đồng, tuy nhiên với cách thức thực hiện như hiện nay khó đáp ứng hoàn thành theo hợp đồng đã ký (hoàn thành vào tháng 9/2024).
Để đảm bảo hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án khẩn trương rà soát năng lực hiện nay của các đơn vị thi công bị chậm, đặc biệt các hạng mục đường găng của Dự án.
Trên cơ sở đó xem xét, điều chuyển khối lượng công việc hoặc xem xét chấm dứt hợp đồng với đơn vị thi công không đáp ứng để lựa chọn bổ sung hoặc thay thế đơn vị khác thực hiện hoàn thành Dự án; đồng thời lập kế hoạch thi công đảm bảo tính liên tục nhằm hoàn thành các hạng mục theo tiến độ cam kết, đặc biệt đối với các hạng mục thuộc đường găng của Dự án do các nhà thầu: Công ty Hòa Hiệp, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, CIENCO4, Công ty Thái Sơn, Công ty 456, Công ty Nam Hải… thực hiện.
Giám đốc Ban quản lý dự án 6 phải trực tiếp và thường xuyên kiểm tra hiện trường, giao ban với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ, chất lượng của các gói thầu, đảm bảo hoàn thành Dự án theo kế hoạch, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT về kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ GTVT giao.
“Đối với hạng mục có thời gian hoàn thành dự kiến ngoài hợp đồng cần có giải pháp cụ thể để bù tiến độ chậm. Kết quả báo cáo về Bộ GTVT trong tháng 11/2023 để xem xét họp kiểm điểm tiến độ của Dự án”, Công điện số 57 nêu rõ.
Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km, có tổng vốn đầu tư 11.157,82 tỷ đồng. Nhà đầu tư Dự án là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2.
Gia Lai sắp “giải phóng” 25.000 tỷ đồng tại các dự án điện gió
Ngày 24/11, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, tỉnh này chỉ mới đóng điện được 563 MW, còn 629 MW chưa được đóng điện, tương đương 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư, bị treo nhiều năm nay.
“Hơn 25.000 tỷ đồng đầu tư tại các Dự án điện gió, bị “treo” mãi hơn 2 năm nay. Ngoài Trung ương chưa đồng ý cho nối điện, bây giờ đã được tháo gỡ (đã ban hành giá điện). Nhà đầu tư đang hoàn thành các thủ tục để đấu nối”, ông Binh nói.
Về lý do bị treo, theo ông Binh, giá FIT chỉ có hiệu lực đến ngày 31/10/2021. Sau đó trở đi, không có giá FIT, nên các dự án điện gió chưa thể nghiệm thu và đóng điện.
Từ năm 2020, để tháo gỡ cho các dự án điện nghìn tỷ đồng, Sở Công thương Gia Lai đã có văn bản gửi Bộ Công thương và UBND tỉnh Gia Lai ký văn bản gửi cơ quan Trung ương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian nghiệm thu thi công đến hết năm. Lý do vướng dịch Covid-19, nhà đầu tư không thể vận chuyển trang thiết bị, cung ứng thiết bị bị chậm… Tuy nhiên, không nhận phản hồi.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch và triển khai 17 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW. Trong đó, 7 dự án điện gió đang vận hành, với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại một phần, với tổng công suất 117,2 MW; chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại, với tổng công suất 287,8 MW.
Năm dự án điện gió đã triển khai thi công hoàn thành, nhưng chưa đưa vào vận hành (tổng công suất 341,2 MW). Ngoài ra, 1 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Tổng 17 dự án điện gió ở Gia Lai, có mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Văn Binh, tiềm năng về điện ở Gia Lai là rất lớn, khả năng khai thác lên đến 18.000 MW. Tuy nhiên, tới đây các bộ, ngành chỉ đồng ý quy hoạch là 600 MW. Gia Lai hiện có 3 trạm 500 KV, đủ sức truyền tải điện từ Nam ra Bắc và ngược lại.
Đà Nẵng cần 800.000 tỷ đồng để hiện thực hóa Quy hoạch
Phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch thông qua việc huy động vốn đầu tư phát triển dự kiến giai đoạn 2021-2030 khoảng 800 nghìn tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 10-15% tổng vốn đầu tư.
Đồng thời, TP. Đà Nẵng ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình, Dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển Thành phố và các ngành mũi nhọn…
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực về hạ tầng; thương mại, dịch vụ; công nghiệp, nông, lâm nghiệp, thủy sản; cấp điện, xăng dầu, khí đốt, cấp nước, thoát nước, môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, các dự án tiêu biểu về các lĩnh vực trên gồm Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu TP. Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; di dời Ga đường sắt Đà Nẵng.
Các dự án giao thông đường bộ như Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu; mở rộng tuyến Quốc lộ 14B; cải tạo, nâng cấp QL14G; công trình qua sông Hàn; tuyến kết nối giao thông sân bay về phía Tây; nghiên cứu dự án vận tải công cộng: tàu điện ngầm tốc độ cao, đường sắt nhẹ đô thị;
Các dự án khu thương mại tự do, các khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèm; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng; Trung tâm mua sắm Outlet; các dự án cải tạo hạ tầng, cảnh quan, tạo điểm nhấn kiến trúc trên các tuyến đường, cảnh quan hai bên bờ sông Hàn và khu dịch vụ đêm, chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành Cảng du lịch; dự án phát triển du lịch khu vực Hải Vân, Liên Chiểu, bán đảo Sơn Trà, Hòa Vang...
Các dự án tổ hợp như Khu trung tâm kinh doanh thương mại đô thị sinh thái Hòa Khánh Nam, An Đồn; Khu tổ hợp công trình thương mại dịch vụ kết hợp ở phục vụ lễ hội pháo hoa Quốc tế; Tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại, dự án không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân…
Về công nghệ cao, các dự án gồm Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dịch vụ dữ liệu công nghệ cao - HTC Digital Park; Khu Công nghệ thông tin DanangBay; dự án chuyên lĩnh vực Fintech hỗ trợ startup trong Khu công nghệ cao; dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học, sản xuất thiết kế vi mạch điện tử tích hợp (IC), dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ, công nghệ thiết kế, chế tạo robot, khu cơ khí chế tạo phục vụ lĩnh vực dầu khí, điện gió.
“Thành phố sẽ thực hiện đầu tư và thu hút đầu tư các dự án đô thị, tái thiết, chỉnh trang đô thị, các khu tái định cư, chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội như Khu đô thị sân bay; Khu đô thị Làng đại học; các khu vực đô thị sườn đồi; thí điểm các dự án tái thiết đô thị, hình thành các đô thị nén tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), phường An Hải Tây (quận Sơn Trà)…”, ông Nam cho biết.
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bình Phước là 6.873,56 km2, gồm 11 huyện, thị xã, thành phố.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%.
Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.
GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm;
Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index thuộc nhóm khá của cả nước.
Bình Phước là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ.
Công nghiệp phát triển nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, Bình Phước sẽ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
Công nghiệp chế biến: Phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 03 nhóm ngành chủ lực: chế biến điều, chế biến cao su và gỗ, chế biến thực phẩm (các sản phẩm từ gia súc, gia cầm).
Công nghiệp chế tạo: Tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn.
Công nghiệp hỗ trợ: Hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.
Công nghiệp năng lượng tái tạo: Phát triển các Dự án điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công nghiệp vật liệu xây dựng: Phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao.
Công nghệ thông tin: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phát triển nông nghiệp theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị
Nông nghiệp phát triển với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thương mại - dịch vụ phát triển tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
Về du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch Bình Phước là điểm đến hấp dẫn, đặc sắc với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái của Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch; xây dựng các khách sạn 4-5 sao, sân gôn; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế, nhất là tuyến du lịch kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Đà Nẵng trao chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án hơn 9.300 tỷ đồng
Tại lễ công bố quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP. Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án; trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trong nước (1 dự án tăng vốn đầu tư) và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép trong thời gian qua trên địa bàn thành phố. Tổng vốn đầu tư của 7 dự án là hơn 9.300 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy điện tử Foxlink của Tập đoàn Foxlink có tổng vốn đầu tư 135 triệu USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. |
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy điện tử Foxlink của Tập đoàn Foxlink (Đài Loan, Trung Quốc) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 3.167,8 tỷ đồng (135 triệu USD); Dự án Đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tại Bãi rác Khánh Sơn do Tập đoàn AMACCAO làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm 1.498,4 tỷ đồng (lên thành 2.021 tỷ đồng).
Bốn dự án bất động sản được UBND TP. Đà Nẵng trao quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dịp này bao gồm Dự án Khu phức hợp chung cư Ánh Dương do Công ty cổ phần Mỹ Phúc làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 944,276 tỷ đồng (diện tích 4.997 m2 tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn); Dự án Chung cư Hồ Xuân Hương do Công ty cổ phần Địa ốc Phúc Thanh An làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 792,396 tỷ đồng.
Dự án Chung cư Tháp đại dương (Aqua Tower) do Công ty TNHH Aqua Tower làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 653,431 tỷ đồng (dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2026); Dự án Căn hộ Mia Plaza do Công ty cổ phần Đầu tư Mia làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.
Trong dịp này, UBND TP. Đà Nẵng cũng trao trao quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời CRC Solar tại Khu công nghệ cao do Công ty cổ phần Create Capital Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 1.174,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, với sự chứng kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, đại diện Đại học Đà nẵng và Trường Đại học Kỹ thuật và khoa học máy tính, Đại học Portland Sate (Hoa Kỳ) đã nhận và trao chứng nhận ý định thư hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Dự án sẽ góp phần đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.
Quảng Ngãi: Đầu tư 265 tỷ đồng xây cầu bắc qua cửa biển Sa Huỳnh
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã Đức Phổ vừa phối hợp cùng nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát và chính quyền phường Phổ Thạnh tổ chức bàn giao mốc tọa độ, mốc cao độ, hướng tuyến và mặt bằng thi công dự án Cầu Thạnh Đức.
Được biết, dự án Cầu Thạnh Đức có tổng mức đầu tư 265 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ có mục tiêu 250 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách thị xã Đức Phổ.
Dự án được HĐND thị xã quyết định chủ trương đầu tư và Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ phê duyệt dự án với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Cũng như góp phần nâng cấp hạ tầng chợ đầu mối kết hợp hậu cần nghề cá Sa Huỳnh trong tương lai.
Cầu Thạnh Đức mới được xây dựng cách cầu Thạnh Đức hiện trạng khoảng 250 m về phía Bắc, đấu nối đồng mức với đê biển Thạnh Đức ở bờ Đông và dự án Khu đô thị Sa Huỳnh - Quốc lộ 1 ở bờ Tây.
Theo thiết kế, cầu Thạnh Đức mới gồm hai hạng mục chính là cầu và đường dẫn đầu cầu. Trong đó, phần cầu dài 557,5 m, khổ cầu 13 m với 4 làn xe chạy và lề bộ hành hai bên (mỗi bên rộng 1,5 m), cầu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 17 nhịp, kết cấu nhịp dầm Super T, gờ đỡ lan can bê tông cốt thép, tay vịn ống thép mạ kẽm.
Dự án do liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm và Công ty cổ phần 1285 chịu trách nhiệm tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công. Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Trường Thành - Công ty TNHH Tư vấn tổng hợp Bình Minh là nhà thầu giám sát thi công xây dựng. Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Gia Hưng là nhà thầu thi công gói thầu số 17 – Thi công xây lắp toàn bộ công trình, với giá trị hợp đồng gần 217 tỷ đồng, thời gian thực hiện 440 ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu thị xã Đức Phổ bám sát tiến độ trong quá trình triển khai dự án cầu Thạnh Đức, nhằm sớm đưa công trình phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cũng như tạo điểm nhấn không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển đô thị địa phương. Cùng với đó, địa phương cần phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 6/2025 và gắn bảng công trình khánh thành chào mừng Đại hội Đảng bộ thị xã Đức Phổ, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Xây mới cầu Thạnh Đức là niềm mong mỏi từ rất lâu của người dân Sa Huỳnh, khi được xây dựng hoàn thành sẽ tham gia giải bài toán xuống cấp nghiêm trọng cho cầu Thạnh Đức cũ – Công trình được xây dựng từ trước năm 2000, phục vụ việc đi lại, thông thương hàng hóa của hơn 1.000 hộ dân, với gần 4.300 nhân khẩu thuộc hai tổ dân phố Thạnh Đức 1 và 2.
Bên cạnh đó còn mở rộng không gian neo đậu tàu thuyền cho cảng cá Sa Huỳnh thêm 35 ha, tăng khả năng tiếp nhận tàu cá ngư dân cập bến, phát triển hậu cần nghề cá địa phương. Đồng thời phát triển du lịch ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Sa Huỳnh – Nơi còn dấu tích của một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam.
-
Nam Định thành lập Cụm công nghiệp Mỹ Tân vốn 266 tỷ đồng -
Bổ sung vào quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen và Vân Phong -
Ninh Thuận có 39 khu vực có tiềm năng lớn về nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo -
TP.HCM khởi công nâng tĩnh không 2 cây cầu, xóa điểm nghẽn giao thông thủy liên vùng -
Từ ngày 15/1/2025, nhà đầu tư có thể lựa chọn thủ tục đầu tư đặc biệt -
Siêu dự án đưa tổng giá trị sản phẩm công nghiệp Khánh Hòa tăng vượt bậc năm 2024 -
Đồng Nai chọn phương án xây cầu Cát Lái thay vì làm hầm vượt sông
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 1/1 -
2 Bổ sung vào quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen và Vân Phong -
3 Kỳ vọng nâng hạng thị trường có thể đẩy VN-Index năm 2025 lên trên 1.600 điểm -
4 Từ ngày 15/1/2025, nhà đầu tư có thể lựa chọn thủ tục đầu tư đặc biệt -
5 Vàng vững mốc 2.600 USD/ounce, tỷ giá trung tâm khép lại năm 2024 tăng chưa đến 2%
- Khu công nghiệp Gilimex: Xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp hiện đại và bền vững
- Vietnam International Half Marathon 2025 powered by Herbalife gắn kết gia đình, cộng đồng
- SATRA sẽ khai trương Trung tâm Thương mại one stop shopping đầu tiên tại TP.HCM
- VitaDairy được vinh danh Doanh nghiệp Xuất sắc châu Á tại APEA 2024
- MarsConnect: Bước đột phá trong quản lý tài chính cá nhân nhờ AI
- Thẻ Eximbank: Chìa khóa mở ra trải nghiệm độc đáo tại HOZO 2024