Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gánh nặng xuất khẩu đổ dồn vào những tháng cuối năm
Thế Hải - 07/09/2015 12:08
 
8 tháng 2015, dù tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng ở mức 9% so với cùng kỳ, đạt 106,3 tỷ USD, tuy nhiên, sự sụt giảm xuất khẩu ở một số ngành đang khiến sức ép hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đổ dồn lên những tháng cuối năm.

Đáng lưu ý, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt giảm 2,5%, đạt 31,7 tỷ USD, thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Các ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ là thủy sản, chỉ đạt 4,2 tỷ USD, giảm 16,6%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 32,8%; gạo ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11% và cao su ước đạt 921 triệu USD, giảm 10,3%.

8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 4,2 tỷ USD, giảm 16,6%
8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 4,2 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm như cà phê giảm 32,4%, chè các loại giảm 5,4%, hạt tiêu giảm 21%... đã làm cho kim ngạch xuất khẩu cả nhóm giảm 766 triệu USD.

Với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sụt giảm còn lớn hơn nữa. Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chỉ đạt 364 triệu USD, giảm đến 54,1% so với cùng kỳ năm 2014. Sự sụt giảm này đã khiến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng chỉ còn 3,5 tỷ USD, giảm 46,6%. Chỉ có quặng và khoáng sản khác là mặt hàng duy nhất trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, với mức tăng 15%.

Theo Bộ Công thương, giá xuất khẩu giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu xăng dầu và dầu thô giảm, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu than đá giảm do lượng xuất khẩu giảm 74,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 231 triệu USD, trong khi giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch cả nhóm gần 2,9 tỷ USD.

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định rằng, với tình hình xuất khẩu của 8 tháng qua, đặc biệt với tình hình kinh tế thế giới biến động như hiện nay,  doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn do biến động tỷ giá, duy trì đơn giá xuất khẩu... để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng  10% là nhiệm vụ khá nặng nề.

Trong những tháng cuối năm, một số khó khăn mà hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục phải đối mặt đều xoay quanh câu chuyện giá và lượng xuất khẩu, đặc biệt đối với nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước dự kiến tăng trưởng ở mức thấp, do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là nông sản, thủy sản và khoáng sản đang bị suy giảm.

Trong khi đó, xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Bộ Công thương cho biết,  việc tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc khá lớn vào sản phẩm xuất khẩu của một số ít doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa bảo đảm tính bền vững trong tăng trưởng xuất khẩu, nhất là trong trường hợp các doanh nghiệp này bị suy giảm doanh số tiêu thụ hay gặp những biến cố bất thường khác.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; do đó, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, khi giá cả và chính sách biến động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

Sa sút xuất khẩu, ngành nông nghiệp lại tăng nhập khẩu
Trong khi xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm chỉ đạt 19,3 tỷ USD, giảm 4,8% thì nhập khẩu các mặt hàng vật tư, nguyên liệu và sản phẩm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư