Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Gạo Việt tìm đường thâm nhập thị trường châu Âu
Anh Hoa - 27/08/2020 13:38
 
Một số doanh nghiệp gạo của Việt Nam đã có “tấm thẻ vàng” để bước vào “đường cao tốc” châu Âu và hội nhập toàn cầu, nhưng nhiều rào cản vẫn hiện diện.
.
.

Thêm lợi thế cạnh tranh

Đối với bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, giấc mơ “nâng tầm nông nghiệp Việt” của Tập đoàn đã đi qua được một bước dài hiệu quả và vô cùng ấn tượng.

Câu chuyện về sản phẩm gạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) - thành viên Tập đoàn PAN đã có “tấm thẻ vàng” để bước vào “đường cao tốc” châu Âu và hội nhập toàn cầu là một ví dụ.

Với việc chính thức đạt Chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000), sản phẩm gạo đóng gói mang thương hiệu riêng của Vinaseed có giá trị cao hơn nhiều lần so với gạo xuất khẩu thông thường.

Bắt đầu từ ngày 1/8/2020, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm. Đây là cơ hội cho gạo Việt tăng sức cạnh tranh tại thị trường này.

Năm 2019, Vinaseed xuất khẩu hơn 2.000 tấn gạo sang EU với kim ngạch khoảng 2 triệu USD, dự kiến sản lượng tăng lên 5.000 tấn trong năm nay. Đại diện Công ty nhấn mạnh, thuế suất giảm về 0%, Tập đoàn sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường khó tính này.

Năm ngoái, Vinaseed đã khánh thành Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Đồng Tháp trên diện tích 5 ha, vốn đầu tư 350 tỷ đồng, với công suất chế biến, bảo quản 100.000 tấn gạo và 50.000 tấn hạt giống/năm.

Trong tháng 7/2020, Vinaseed đã xuất khẩu thành công gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá 1.040 USD/tấn. Gần đây nhất, Vinaseed tiếp tục xuất khẩu gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ sang thị trường Australia.

Các sản phẩm gạo chất lượng cao này đều được sử dụng giống bản quyền của Việt Nam, gieo trồng, thu hoạch và chế biến tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe từ xây dựng vùng trồng đến sản phẩm cuối cùng.

Theo ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed, để tận dụng cơ hội hiện nay, Công ty đã có sự chuẩn bị ngay từ khi Hiệp định EVFTA đang đàm phán.

Công ty xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn FSSC 22000, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU. Vinaseed tự tin có thể mở rộng hơn nữa sản lượng xuất khẩu sang các thị trường này.

Tương tự, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đã sẵn sàng xuất hàng vào EU trước khi EVFTA có hiệu lực. Công ty đã xây dựng được cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ...

Chưa thể thở phào

Mặc dù các doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội, nhưng nhiều rào cản vẫn hiện diện. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho Việt Nam, EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu của họ, nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động liên hệ với phía EU để giao dịch, chào bán.

So với hạn ngạch EU cấp khi EVFTA có hiệu lực, dư địa cho Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi thuế giảm xuống 0%. Tính đến ngày 15/7, cả nước mới có 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào EU trong tổng số 192 doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Ngoài ra, để được hưởng mức thuế suất 0%, những lô hàng gạo thơm của doanh nghiệp phải có chứng nhận đúng chủng loại, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và ghi rõ “gạo thuộc một trong những chủng loại được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan của EVFTA”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch EVFTA.

Tuy nhiên, văn bản trên hiện mới dừng ở bước dự thảo, khiến xuất khẩu gạo vào EU vẫn phải chịu thuế suất 0 - 45%, thay vì được hưởng ưu đãi theo cam kết, dù doanh nghiệp đã chuẩn bị rất bài bản và đáp ứng được cả những tiêu chuẩn cao nhất để xuất khẩu ra toàn cầu. Thực tế này cũng khiến gạo Việt kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại đến từ những thị trường khác như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, do được bán với giá thấp hơn.

Để doanh nghiệp sớm được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của EVFTA, ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed kỳ vọng, việc ban hành nghị định trên có thể được ban hành vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 năm nay.

Trong khi đó, để doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội xuất khẩu và tránh được những thiệt hại không đáng có, Công ty Trung An cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cần đẩy nhanh việc giải quyết những thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)...

[Infographic] Nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam
Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV năm 2019 và lễ "Tuyên dương các điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc về phát triển hợp tác xã trong hai năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư