Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Gặp chàng tỷ phú dưa lưới nổi tiếng Hà thành
Hồ Hạ - 02/01/2021 09:35
 
Chuyện chàng cửu vạn Nguyễn Phúc Bách trở thành tỷ phú dưa lưới nổi tiếng đất Hà thành bắt đầu từ một suy nghĩ đơn giản, con nhà nông, sao không dựa vào đất...
Nguyễn Phúc Bách, một trong 56 nông dân trẻ xuất sắc năm 2020
Nguyễn Phúc Bách, một trong 56 nông dân trẻ xuất sắc năm 2020 (Ảnh: Hồ Hạ)

Chọn làm nông dân

Gặp Bách vừa bước ra từ Giải thưởng Lương Định Của, tấm bằng khen và biểu trưng còn nóng hổi trên tay, trông cậu chững chạc trong bộ vest đen lịch lãm, khác hẳn chàng nông dân đô con, nước da rắn chắc, mồ hôi nhễ nhại trong chiếc áo phông, chân đất chạy tới chạy lui thu hoạch từng trái dưa lưới mà tôi gặp cách đây vài tháng.

“Không thể tin là tôi lại có được niềm vinh dự lớn lao này”, một trong 56 nhà nông trẻ xuất sắc Nguyễn Phúc Bách nói, tay bắt mặt mừng.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), một huyện nghèo của Thủ đô, học hành không được giỏi giang như chúng bạn, tốt nghiệp phổ thông, Bách làm bốc vác, phụ hồ để tự trang trải cuộc sống. Khoảng 3 năm ngắn ngủi, nhưng với Bách là quãng thời gian không thể quên. Khi đó, cậu mơ hồ về tương lai, tự ti, hoài nghi về năng lực của bản thân.

Để có được thành công hôm nay, kinh nghiệm của tôi là làm nông nghiệp thì không thể ăn xổi và không được bỏ cuộc khi khó khăn, thất bại. Đầu tư cho nông nghiệp cũng không thể thu hồi vốn trong 1, 2 vụ. Phải luôn luôn tìm cách khắc phục điểm yếu trong mô hình sản xuất. Đôi lúc phải gan lỳ và dùng chữ tâm, chữ tín để tạo ra sản phẩm hoàn hảo nhất.

Nguyễn Phúc Bách

“Lúc đó, tôi chỉ mong có một nghề để làm lâu dài, được sống gần bố mẹ, người thân họ hàng. Và rồi tôi tự hỏi, bố mẹ tôi là nông dân, tại sao tôi lại không làm nông, không sống dựa vào đồng đất ông cha”, Bách nhớ lại quyết định trở về quê của mình.

Nghĩ và làm luôn. Điểm lấn cấn duy nhất của Bách lúc đó là làm sao làm nông mà không quá phụ thuộc vào trời đất, không quá rủi ro như bố mẹ, ông bà mình. Vì có lần, khi xem một chương trình truyền hình về Hàn Quốc, thấy một trong những quốc gia phát triển bậc nhất châu Á vẫn xem “nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai”, thì hẳn phải có cách. Lọ mọ tìm kiếm, Bách tìm thấy VietGAP và con đường làm nông nghiệp sạch.

Năm 2014, Bách gom góp số tiền ít ỏi tích lũy được, vay mượn thêm để mua một bò cái sinh sản. Trên gần mẫu ruộng của gia đình, Bách đầu tư xây bể nước hàng chục mét khối giữa cánh đồng để... trồng rau. Nước sạch này hòa phân bón hữu cơ vi sinh bón cho rau qua hệ thống tưới tiết kiệm.

Những lứa su hào, bắp cải, cà chua, dưa chuột lần lượt được xuất đi. Rau củ ngon nên đơn hàng ngày càng nhiều, sản xuất không đủ bán. Chăm chỉ chăn thả, sau vài năm, đàn bò của Bách cũng lên tới 15 con. Bách trở thành một nông dân chính cống.

Thử thách của ông Trời

Vùng đất bãi ven sông Đáy quê Bách đất đai trù phú, nhưng mùa lũ hay bị ngập, không có chỗ chăn thả gia súc. Đàn bò của Bách đông lên, thiếu thức ăn giàu dưỡng chất, nên chậm lớn. Mẫu rau đầu tư lớn, nhưng chỉ canh tác mấy loại cây trồng phổ thông cho lãi suất quá thấp.

Chàng nông dân Nguyễn Phúc Bách lại lọ mọ tìm kiếm cách, tham quan, học hỏi khắp nơi.

“Tôi quyết định chọn trồng dưa lưới và dưa vàng vì là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ở quê tôi chưa ai trồng. Cũng vì lý do loại này khó trồng, nên sẽ phải đầu tư cả công nghệ và công sức”, Bách kể.

Năm 2017, Bách vận dụng hết mọi mối quan hệ, vay được tỷ đồng làm nhà màng rộng 2.300 m2. Vì trồng dưa trong nhà màng, việc kiểm soát chất lượng, dịch bệnh sẽ tốt hơn.

Vụ đầu tiên, cây khỏe mạnh, xanh tốt nhưng không đậu quả nào, thế là mất trắng. Không có kỹ năng nghề bài bản, sản xuất theo vốn hiểu biết ít ỏi nên Bách không lý giải nổi nguyên nhân, do giống hay quy trình chăm sóc có vấn đề.

“Thế là bao cố gắng đều đổ xuống sông, xuống biển, nhưng không thể không biết lý do vì sao cây không đậu quả. Tôi tìm đến các nông trại đầu tư nhà màng để tìm hiểu thì mới vỡ lẽ, trồng cây trong nhà màng không có ong và côn trùng thì phải thụ phấn bằng tay. Lúc đó, tôi thấy mình ngốc nghếch thật sự”, Bách kể lại lần va vấp lớn đầu tiên.

Chàng nông dân trẻ lại mang sách bút đi học bí kíp thụ phấn bằng tay. Vụ thứ hai, Bách trồng dưa lưới giống Nhật. Lần này, cây xanh tốt, khỏe mạnh, quả sai lúc lỉu. Nhưng khi quả đạt trọng lượng 1,5 kg thì nước lũ sông Đáy dâng cao, cả vùng đất bãi chìm trong biển nước. Cây chết úng, héo rũ mà quả thì non chưa thể hái để bán. Bách lại thất bại.

“Năm ấy, tôi dự tính vườn dưa đạt năng suất khoảng 5 tấn quả. Giá dưa lưới thời điểm năm 2017 là 55.000 đồng/kg, vậy là gần 300 triệu đồng ra đi, trong khi đó chi phí chăm sóc cây khoảng 70 - 80 triệu đồng”, Bách nói.

Nợ vật liệu làm nhà màng chưa trả. Nợ vay ngân hàng đến hạn. Bách đành rứt ruột bán đàn bò để trả bớt nợ. Nhưng những người dân vùng lũ vốn sống chung với ngập lụt, thậm chí quen với việc đứt bữa khi nước lên, nên Bách chỉ tiếc công chứ không nản chí.

Bước vào vụ thứ ba, Bách lội bùn, tự tay làm sạch mọi rác rưởi, tạp chất, bắt lại hệ thống tưới nhỏ giọt và gia cố bờ bao bên ngoài để phòng lũ. Trời không phụ lòng người, những trái dưa lưới đầu tiên đã có mặt ở các cửa hàng hoa quả ở Hà Nội.

Bí quyết từ sự say mê

Nói về Bách, ông Phạm Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội nhắc ngay đến anh nông dân đầu tiên đưa dưa lưới về huyện Ứng Hòa và thành công. Với khoảng 7.000 m2 nhà màng, trừ đi chi phí thuê lao động, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi 500 - 600 triệu đồng.

“Rất nhiều đoàn tham quan từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lâm Đồng và thậm chí có tỉnh ở phía Nam cũng về mô hình của Bách để học tập”, ông Biển hào hứng với điển hình nông dân trẻ của xã.

Nhưng đó là hiện tại. Còn khi Bách đi bán dưa trong vụ đầu tiên có trái, người buôn lại chê dưa của Bách vị nhạt và xấu mã nên khó bán.

Lần này thì Bách biết rõ phải làm gì.

Bách lại khăn gói Nam tiến để học hỏi bí quyết chăm sóc quả, bộ giống và phân bón tốt. Quá trình đầu tư trồng dưa lưới, Bách không ngừng mày mò để tìm cách tối ưu hóa dinh dưỡng cho cây trồng. Thay vì trồng trên giá thể sơ dừa mua sẵn, Bách mua gạch và thuê thợ xây thành từng rãnh nổi, lòng rộng hơn gang tay, đổ đất cùng một số loại lá cây, chất hữu cơ theo tỷ lệ và đặt cây giống trong đó. Mỗi gốc cây được cắm một vòi tưới nước dinh dưỡng.

Bách tính, xây rãnh như vậy để rễ cây phát triển tập trung, không ăn sâu và rộng và cũng để quản lý chính xác lượng nước tưới và phân bón cho cây dưa lưới. Số cây cũng được tính chi li (2 cây/m2) để đảm bảo cây đón ánh sáng, quang hợp tốt nhất. Sau khi thụ phấn, ra quả non, chỉ một trái được giữ lại để tối đa dinh dưỡng và tạo hình cho quả.

Lần này thì Bách thành công.

“Tôi coi mỗi cây dưa lưới như những đứa con của mình. Mỗi ngày tôi cho chúng “ăn” 3 lần. Khẩu phần ăn thay đổi từng ngày, theo nhu cầu phát triển. Đặc biệt, dù thuê người làm, nhưng khâu pha dinh dưỡng đều phải tự tay tôi pha chế mới yên tâm. Đó cũng là bí quyết để quả dưa lưới tôi trồng có mùi vị rất đặc biệt vfa khác biệt so với các nhà vườn khác”, Bách bật mí.

Đầu năm 2019, Bách đầu tư thêm nửa hec-ta đất nông nghiệp để dựng 4.500 m2 nhà màng trồng dưa lưới. Năm nay, 7.000 m2 nhà màng cho 65 tấn quả, nhưng vẫn không đủ cung ứng ra thị trường. Một số hộ dân trong xóm đã học theo, đang đầu tư nhà màng trồng dưa lưới...

Vĩ thanh

Chẳng ai ngờ chàng cửu vạn Nguyễn Phúc Bách với đồng lương chưa ráo mồ hôi đã cạn tiền, sống nay đây, mai đó trong những lán công trường lại trở thành tỷ phú dưa lưới nổi tiếng đất Hà thành và được nhiều người ngưỡng mộ.

Trong phần giới thiệu của Giải thưởng Lương Định Của, Nguyễn Phúc Bách đại diện cho lớp thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Chàng nông dân sinh năm 1992 không nghĩ đao to búa lớn thế. Bách đang lên kế hoạch thành lập hợp tác xã dưa lưới VietGAP, mong muốn tạo dựng chuỗi liên kết, từ sản xuất giống, phân bón, trồng cây và cả phân phối đến tận tay người tiêu dùng... 

Bách không chỉ muốn những người nông dân có thể sống tốt nhờ đất mà sẽ có những thế hệ trẻ học hành giỏi giang, hiểu sâu biết rộng chọn nghề nông làm sự nghiệp...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đưa hàng tỷ USD vào khởi nghiệp sáng tạo
Việc triển khai sáng kiến hợp tác cụ thể với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm tối ưu hoá các nguồn lực đưa vào đổi mới sáng tạo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư