Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Geleximco buông tay, đường Hòa Lạc - Hòa Bình lo tìm chủ mới
Anh Minh - 23/08/2013 07:10
 
Bộ Giao thông - Vận tải đang rốt ráo “giải cứu” tuyến cao tốc hướng tâm quan trọng Hòa Lạc - Hòa Bình dài 33 km sau khi nhà đầu tư công trình theo hình thức BT là Geleximco buông Dự án.
TIN LIÊN QUAN

Việc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) vừa gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xin dừng triển khai công trình đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có thể coi là một sự tự “giải thoát” khỏi những gánh nặng tài chính khó kham tại dự án BT đổi đất lấy hạ tầng có quy mô lớn nhất ở khu vực phía Bắc này.

Dự án Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đang được rốt ráo tìm nguồn vốn để chuyển đổi hình thức đầu tư

Lý do khiến Geleximco xin thôi đầu tư và bàn giao lại Dự án cho các địa phương hoặc Bộ Giao thông - Vận tải là quỹ đất đối ứng cho Dự án của cả tỉnh Hòa Bình và TP. Hà Nội không đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường.

Cụ thể, Geleximco được UBND tỉnh Hòa Bình bố trí cho 3 dự án đối ứng là Khu đô thị Yên Quang 150 ha, Khu đô thị Trung Minh 130 ha, sân Golf Trung Minh 36 lỗ. Dự án đối ứng trên địa bàn TP. Hà Nội dự kiến là Khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600 ha.

Theo tính toán của nhà đầu tư, hiện tổng mức đầu tư của dự án dài khoảng 33 km này vào khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua TP. Hà Nội cần 11.021 tỷ đồng.

Chưa rõ nhà đầu tư cập nhật chi phí theo phương pháp nào, nhưng nếu so với quyết định đầu tư ban đầu, tổng mức đầu tư đoạn cao tốc qua địa bàn Hà Nội đã tăng lên khoảng 7.600 tỷ đồng.

“Mặc dù xác định đây là dự án trọng điểm, nhưng do tổng mức đầu tư quá lớn cộng với việc thị trường bất động sản đóng băng, nên Công ty sẽ rất khó hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết”, ông Vũ Văn Tiền, Tổng giám đốc Geleximco khẳng định.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến giữa tháng 8/2013, sau gần 3 năm triển khai Dự án, tổng chi phí mà nhà đầu tư bỏ vào Dự án trên địa bàn Hòa Bình, Hà Nội vào khoảng 360 tỷ đồng.

Trong số này, khối lượng giải ngân thực tế vào công trường xây dựng cao tốc là 221 tỷ đồng, cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thu hồi vốn ở Hòa Bình là 70 tỷ đồng và ở Hà Nội là 60 tỷ đồng.

“Đây là con số rất thấp, mặc dù nhà đầu tư đã được Bộ Giao thông - Vận tải cho phép điều chỉnh giảm quy mô đầu tư”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.

Để cứu Dự án Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ vùng Tây Bắc, sau khi Geleximco chính thức buông, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ chủ trì phối với hai địa phương khẩn trương làm việc với các nhà tài trợ tìm nguồn vốn để chuyển đổi hình thức đầu tư, trong đó ưu tiên hình thức đầu tư PPP.

Được biết, Ban quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải) là đơn vị được chỉ định làm đầu mối xúc tiến đầu tư Dự án theo hình thức PPP, hoặc các hình thức đầu tư hợp pháp khác.

“Bộ Giao thông - Vận tải sẽ ủng hộ và tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư quan tâm tới Dự án”, ông Trường cho biết.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình cần xử lý dứt điểm phần khối lượng mà Geleximco đã thực hiện cho đến thời điểm dừng thi công, nhằm tránh trường hợp kiện tụng, gây khó khăn cho các đối tác mới tiếp cận công trình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết, sau hơn 1 tháng rốt ráo tìm nguồn, lối thoát về vốn cho Dự án đã bắt đầu hé lộ.

“Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rất quan tâm tới Dự án và cho biết, sẽ đưa công trình này vào Danh mục dự án quan tâm trong đợt thẩm định vào tháng 10/2013”, ông Long cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư