Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá 1kg thịt lợn hơi bằng 3 cốc trà đá, dân bán tháo chạy lỗ
Hoàng Ngân (Vietnamnet) - 28/04/2017 07:59
 
Giá thịt lợn ngày 27/4 có nơi đã xuống dưới 10 nghìn đồng/kg, chưa bao giờ người nuôi lại thê thảm như lúc này.
gia-thit-lon-ngay-27.4

Giá thịt lợn ngày 27/4 có nơi đã xuống dưới 10 nghìn đồng/kg, chưa bao giờ người nuôi lại thê thảm như lúc này!

Thanh lý, bán tháo cả đàn lợn chạy lỗ

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chiều 27/4, anh Lý Văn Phước, thôn Vân lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc thọ, Hà Nội cho biết, ngay tại địa phương thời điểm này, giá xuất chuồng “lợn đẹp” cũng chỉ khoảng 13 nghìn đồng/kg. Vậy mà người chăn nuôi còn phải xếp hàng đặt lịch chờ thương lái tới thu mua.

Hộ nhà anh Phước hiện có  gần 30 đầu lợn lớn, nhỏ. “Giá lợn giảm không phanh, trong khi giá cám từ trước tới giờ vẫn đứng nguyên, loại cám rẻ nhất cũng phải 230 nghìn đồng/bao 25kg. Cứ như nhà tôi, nuôi tằn tiện lắm thì mỗi ngày cũng phải mất khoảng 500 nghìn đồng mua cám. Thật nuôi cũng chết, mà bán thì giá rẻ đứt ruột mà còn không có người mua. Người chăn nuôi chúng tôi tới giờ không thể chịu nổi nữa”, anh Phước ngậm ngùi.

Cũng theo ông Phước, người chăn nuôi thời điểm này cũng trở thành “đồ tể” . “Nhà nhà tự giết, tự phân phối cho người thân quen xa gần. Bây giờ, tủ lạnh nhà nào cũng chật ních thịt lợn, không còn chỗ để rau rưa”, anh Phước nói.

Giá lợn rớt thảm, song những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ như anh Phước vẫn cầm cự được qua ngày, còn những hộ quy mô lớn, trang trại thì đang lâm vào cảnh “sống dở chết dở”. Cụ thể, ngay hôm qua, trước tình cảnh đàn lợn hàng ngày “gặm” gần hết sổ đỏ, chị Trần Thị Ngân đã phải dứt lòng thanh lý toàn bộ đàn lợn 300 con. Theo đó, lợn to hay nhỏ, 80kg hay hơn 1 tạ cũng bán đổ đầu 900 nghìn đồng/kg. Tương tự, một hộ trang trại khác cũng cám cảnh: “Không bán thì không có chỗ nuôi, mà mình vay nợ nhiều, đại lý cũng không cấp cám cho nữa”

Lợn xuống giá, Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng

Trước tình hình giá lợn hơi giảm mạnh, ngày 27/4, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, giá lợn hơn trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây bình quân là 25.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000 đồng/kg (đối với các hộ phải mua lợn giống là 39.000 đồng/kg). Do vậy, người chăn nuôi thiệt hại khoảng 1 triệu đồng/một con lợn (đối với các hộ phải mua lợn giống là 1,6 triệu đồng/con). Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn thành phố Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.

"Giải pháp tốt nhất là tìm cách xuất khẩu bớt đàn lợn nái, mới cứu được nghành chăn nuôi lợn. Vì 4,5 triệu lợn nái mỗi tháng cho khoảng 11 triệu con lợn con mỗi tháng nên dư thừa cỡ 1-2 triệu so với nhu cầu. Nếu không giảm được đầu lợn nái thì khủng hoảng sẽ kéo dài mà chưa dừng lại", ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lộc Phát

Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, do giá lợn xuống thấp khiến một số nông hộ chủ động tự giết mổ đưa ra chợ tiêu thụ. Các hộ này bán bằng mọi giá nên ảnh hưởng tới yếu tố cân bằng giá thị trường. Để ổn định tình hình, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội khuyến cáo trước mắt cần giảm nhanh đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp (hiện chiếm khoảng 30 - 40% tổng đàn nái), đối với Hà Nội cần giảm đàn lợn nái xuống còn 180.000 - 200.000 con. Đồng thời loại thêm lợn con sơ sinh có trọng lượng thấp dưới 0,8kg/con, sức khỏe kém.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cũng đề nghị cần tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết giữa cơ sở cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, trang trại, giết mổ, chế biến, phân phối nhằm chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro. Theo ông Đăng, người chăn nuôi chỉ mở rộng sản xuất khi có kế hoạch đầu ra, trong đó chủ trương của TP là tập trung vào thế mạnh cạnh tranh là sản xuất con giống, vừa tốn ít đất đai lại hạn chế ô nhiễm môi trường và mang lại giá trị gia tăng cao. Ông Đăng cũng đề nghị các DN tăng tỷ lệ thịt cấp đông, tăng thu mua và giảm giá bán sản phẩm thịt để kích thích tiêu dùng. Trước mắt, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất tăng cường cho vay từ Quỹ Khuyến nông TP và đề nghị TP cho vay từ Quỹ Bình ổn giá, Quỹ Đầu tư phát triển để giúp các hộ chăn nuôi duy trì, phục hồi sản xuất.

Ai đang "ăn dày" khi giá lợn hơi xuống đáy, thịt lợn siêu thị giá vẫn cao vút?
Có một nghịch lý là trong khi giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp nhất thế giới nhưng tại siêu thị, chợ giá thịt lợn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư