Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá dầu thế giới trước nhiều biến số khó lường
Đông Phong - 17/08/2024 11:01
 
Giá dầu thô thế giới tịnh tiến dần và vượt ngưỡng 80 USD/thùng vào giữa tuần này trước mối lo ngại về cuộc chiến tranh toàn diện tại Trung Đông.
Giá dầu mỏ đang có xu hướng tăng trước những căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế  (Ảnh: AFP)
Giá dầu mỏ đang có xu hướng tăng trước những căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế (Ảnh: AFP)

Dầu mỏ chịu hơi nóng từ xung đột Trung Đông

Giá dầu sẽ tăng hay giảm? Đây là câu hỏi hóc búa đối với cả những người trong cuộc là nhà giao dịch hay giới phân tích thị trường năng lượng. Dự báo giá dầu là một công cụ quan trọng giúp giải mã động lực phức tạp của thị trường, nhưng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế làm trầm trọng thêm biến động, thì việc dự báo lại càng khó.

Bốn tháng trước, thị trường dầu mỏ xuất hiện một loạt dự báo giá dầu sẽ tăng bốc đầu lên 130 USD/thùng, sau thông tin Israel chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng sẽ có cuộc tấn công của Iran vào khu vực phía Nam hoặc phía Bắc Israel.

Đến nay, thực tế cho thấy, giá dầu đang dao động quanh mức 80 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn ngày 14/8 tăng lên mức 81,03 USD/thùng, so với mức đáy 76,3 USD/thùng vào ngày 5/8.

Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tại nước này đã giảm 17.000 đơn, xuống mức điều chỉnh theo mùa là 233.000 đơn trong tuần đầu tháng 8/2024, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 11 tháng qua. Điều này cho thấy, nỗi lo thị trường lao động Mỹ suy yếu đã bị thổi phồng, đồng thời làm dịu đi mối lo về suy thoái kinh tế.

Lần này, chảo lửa Trung Đông lại bùng lên khi khu vực này đối diện nguy cơ chiến tranh toàn diện, giới phân tích và các nguồn thạo tin năng lượng đã đưa ra những cảnh báo bình thản hơn với lưu ý rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cần phải tăng tốc trong những tháng tới, nếu không thị trường sẽ phải vật lộn để hấp thụ mức tăng sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) dự kiến thực hiện vào tháng 10 năm nay. Đây là khuyến cáo khá bất ngờ, bởi nguồn cung đối diện nguy cơ gián đoạn nếu Trung Đông rơi vào xung đột toàn diện.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cảnh báo, giá dầu có thể vượt 100 USD/thùng nếu xung đột ở Trung Đông trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời cho rằng, dự báo giá dầu thô trung bình thế giới ở mức 84 USD/thùng trong năm nay sẽ là quá

lạc quan nếu khủng hoảng tồi tệ hơn.

Trong báo cáo thị trường hàng hóa gần đây, Ngân hàng Thế giới đặt ra 2 kịch bản giá dầu: “Một sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến xung đột vừa phải có thể đẩy giá dầu Brent trung bình trong năm nay lên 92 USD/thùng. Một sự gián đoạn nghiêm trọng hơn có thể khiến giá dầu vượt quá mốc 100 USD/thùng, khiến lạm phát toàn cầu năm 2024 tăng thêm gần 1%”.

Sức ép đến từ phía cầu

Thực tế, sức tăng nhu cầu dầu mỏ của các quốc gia tiêu thụ hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc từ đầu năm đến nay không đáp ứng kỳ vọng, ngay cả trước khi nỗi lo về suy thoái kinh tế Mỹ xuất hiện đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu mới đây.

Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục chậm lại, nhu cầu dầu mỏ có khả năng cũng sẽ chậm lại theo. Điều đó có nghĩa, OPEC+ sẽ phải trì hoãn kế hoạch bơm thêm dầu hoặc chấp nhận giá dầu giảm để có nguồn cung cao hơn.

“Trong bối cảnh đang có nguy cơ suy thoái kinh tế đáng kể, OPEC+ khó có thể tiến hành tăng sản lượng theo kế hoạch vào tháng 10/2024”, ông Gary Ross, Giám đốc điều hành Công ty quản lý đầu tư Black Gold Investors (Mỹ) nhận định.

Dầu Brent và WTI đã giảm xuống mức dưới 80 USD/thùng trong những ngày đầu tháng 8/2024, thấp hơn mức mà hầu hết các thành viên OPEC+ kỳ vọng để cân bằng ngân sách của họ.

Nhìn vào số liệu từ thị trường Trung Quốc và Mỹ, ông Neil Atkinson, một nhà phân tích năng lượng độc lập, từng làm việc tại Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, nhu cầu dầu mỏ “chắc chắn có rủi ro giảm”. “Rất khó để thấy giá dầu có thể tăng đáng kể nếu nhu cầu chậm hơn chúng ta nghĩ”, ông Atkinson nói, đồng thời cho rằng, OPEC+ sẽ “đạp phanh” kế hoạch tăng sản lượng.

Dữ liệu chính thức mới được công bố cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đạt 10,89 triệu thùng/ngày, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ dầu diesel tại Trung Quốc giảm mạnh, trong khi sử dụng xe tải chạy bằng LNG tại nước này tăng lên, gây sức ép lên nhu cầu nhiên liệu trong nước, trong bối cảnh nền kinh tế gặp lực cản bởi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Tại Mỹ, mức tiêu thụ dầu mỏ trong 7 tháng đã tăng 220.000 thùng/ngày, lên mức trung bình 20,25 triệu thùng/ngày, theo tính toán của Reuters dựa trên ước tính của Chính phủ Mỹ. Căn cứ theo số liệu này, nhu cầu dầu mỏ sẽ cần tăng tốc để đạt mức dự báo năm 2024 của Chính phủ Mỹ là 20,5 triệu thùng/ngày.

Hiện vẫn khó ước định xem nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có đạt đến mức cao cần thiết để hấp thụ thêm nguồn cung trong năm nay hay không, vì còn nhiều biến số khó lường, mà ngay trước mắt là xung đột Trung Đông - khu vực nắm phần lớn nguồn cung dầu mỏ thế giới.

Hơn nữa, dữ liệu tiêu thụ dầu mỏ thế giới có độ trễ so với thời gian thực, trong khi các số liệu sơ bộ thường phải điều chỉnh. Do đó, các nhà dự báo khó có thể đưa ra ước tính sát với nhu cầu thị trường.

OPEC ước tính, mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu là 2,15 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024, trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính là 735.000 thùng/ngày. Có thể thấy, ước tính của OPEC không thay đổi nhiều so với đầu năm, trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế đã giảm ước tính về mức tăng trưởng nhu cầu trong nửa đầu năm nay so với mức dự báo 1,19 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2024.

Cụ thể hơn, Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính, mức tiêu thụ của Trung Quốc sụt giảm trong quý II/2024, trong khi OPEC ước tính mức tiêu thụ tăng hơn 800.000 thùng/ngày. Trung Quốc vốn là một trong những biến số lớn tạo ra sự khác biệt về triển vọng nhu cầu cả năm cũng như nửa đầu năm.

Nhìn vào số liệu, nếu ước tính của OPEC là chính xác, thì tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng tốc một chút trong nửa cuối năm nay. Còn theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu cần phải tăng tốc nhanh chóng trong những tháng còn lại của năm nay. Trong khi đó, nửa cuối năm thường là giai đoạn tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất vì thực tế đơn giản là tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm tăng nhu cầu dầu và giai đoạn này bao gồm mùa lái xe cao điểm, mùa thu hoạch và mua sắm ở Bắc bán cầu để chuẩn bị cho mùa đông.

Theo tính toán của Reuters, để tăng trưởng đạt mức dự đoán cả năm của OPEC, thì nhu cầu dầu mỏ sẽ cần tăng trung bình 2,30 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm. Còn với dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu cần tăng 1,22 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu cả năm.

Trở lại với OPEC+, liên minh này vừa xác nhận kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 10/2024, nhưng đi kèm điều kiện là có thể tạm dừng hoặc đảo ngược nếu cần. Nếu dự đoán về nhu cầu của OPEC trở thành hiện thực, thì nhu cầu dầu thô từ các thành viên OPEC+ dự kiến đạt 43,9 triệu thùng/ngày trong quý IV năm nay, cao hơn mức sản lượng 40,8 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2024. Cho nên, về lý thuyết, sẽ tạo điều kiện để bổ sung sản lượng.

OPEC+ vẫn còn một tháng để quyết định có nên bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 10/2024 hay không và liên minh năng lượng này sẽ cần nghiên cứu dữ liệu thị trường dầu mỏ trong những tuần tới.

Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu mỏ Aramco (Saudi Arabia), ông Amin Nasser vừa đưa ra dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 1,6 - 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, hai nguồn tin của OPEC cho biết, hiện không rõ nhu cầu dầu mỏ có tăng nhanh như mức cần thiết để đáp ứng dự báo quý III/2024 của tổ chức này hay không.

Thêm một biến số mà Cơ quan Năng lượng quốc tế lưu ý là tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự chuyển dịch sang xe điện ở Trung Quốc đã thay đổi mức tiêu thụ dầu mỏ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn là động lực tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu trong nhiều năm qua. Những dữ liệu ban đầu về dầu thô nhập khẩu trong tháng 8/2024 của Trung Quốc cho thấy, nhu cầu phục hồi nhẹ so với tháng 7.

Mặt khác, dù kỳ vọng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu năm nay sẽ vượt mức năm 2019, nhưng Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vẫn cảnh báo rằng, lưu lượng di chuyển quốc tế đến châu Á còn ảm đạm, đặc biệt ở Trung Quốc.

Nhật Bản ra mắt tiền giấy 3D chống giả đầu tiên trên thế giới
Đầu tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã ra mắt bộ tiền giấy mới với công nghệ chống tiền giả tiên tiến đầu tiên trên thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư