Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giá dầu trở lại mốc 100 USD/thùng, giới phân tích lo ngại việc áp trần giá dầu Nga
Đông Phong - 19/07/2022 10:21
 
Giá dầu thế giới tăng hơn 5 USD/thùng do đồng đô la Mỹ suy yếu và kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới nhằm chống lạm phát.
Một góc nhà máy lọc dầu Abqaiq của Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP
Một góc nhà máy lọc dầu Abqaiq của Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters đưa tin sáng 19/7 rằng giá dầu thô Brent giao tháng 9 đã tăng 5,11 USD, tương đương 5,1%, lên 106,27 USD/thùng, sau mức tăng 2,1% vào phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 15/7).

Tương tự, giá dầu thô WTI giao tháng 8 của Mỹ cũng bật tăng 5,01 USD, tương đương 5,1%, lên 102,60 USD/thùng, sau khi tăng 1,9% trong phiên trước.

Cuối tuần trước, hai quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết cơ quan này có thể sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 26 - 27/7. Các báo cáo trước đó cho biết Fed đang xem xét quyết định tăng lãi suất 1 điểm phần trăm và những "tin đồn" này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần trước lao dốc.

Trong ngày 18/7, đồng đô la Mỹ đã rời đỉnh giá vừa thiết lập và điều này có lợi cho trao đổi hàng hóa. Đồng đô la Mỹ trượt giá giúp hàng hóa thanh toán bằng đồng tiền này có giá cả phải chăng hơn so với những hàng hóa trao được thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.

Theo lý giải của ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Công ty tư vấn độc lập Ritterbusch và Associates LLC (Mỹ), đà tăng mạnh mẽ của giá dầu ngày 18/7 chủ yếu là do đồng đô la Mỹ trượt giá sâu nên tạo cú hích cho biến động giá dầu hàng ngày. Trước đó, cả dầu thô Brent và WTI tuần trước đều ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong khoảng 1 tháng qua.

Nguồn cung dầu mỏ thế giới vẫn khan hiếm và tình hình không mấy khả quan khi chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Saudi Arabia đã không nhận được bất kỳ cam kết tăng sản lượng nào từ nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu OPEC, mặc dù ông chủ Nhà Trắng mong muốn các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh tăng sản lượng để "hạ nhiệt" giá dầu.

Trong khi đó, Tập đoàn độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprom tuyên bố rằng không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt cho châu Âu là một "tình huống bất khả kháng". Diễn biến này có thể làm gia tăng xung đột giữa Moscow và châu Âu vì giới giao dịch lo ngại động thái này có thể là tiền đề cho các hành động sử dụng năng lượng làm vũ khí của Nga.

Nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu sẽ đặt ra một rủi ro khác, khiến châu Âu phải trả giá đắt khi viện trợ cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow, theo bà Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets (Canada).

Một diễn biến khác trên thị trường năng lượng khiến giới phân tích lo ngại là việc áp trần giá đối với dầu mỏ Nga. Ông Gal Luft, đồng Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu (IAGS) cho rằng đề xuất áp trần giá đối với dầu mỏ Nga là một "ý tưởng vô lý", có thể phản tác dụng đối với Mỹ và các nước G7.

Phát biểu trên đài CNBC, ông Luft cho rằng ý tưởng trên là vô lý bởi "nó bỏ qua thực tế rằng dầu mỏ là một loại hàng hóa có thể thay thế được".

Mỹ muốn áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga nhằm làm suy giảm nguồn tiền mà Nga có thể thu về từ xuất khẩu dầu mỏ để tài trợ cho quân đội, đồng thời hạ giá thành cho người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, ông Luft ví kế hoạch trên của Mỹ chẳng khác nào đi đến một cửa hàng và yêu cầu người bán hàng thu ít tiền đi so với giá niêm yết. "Đó không phải là cách thị trường dầu mỏ hoạt động". "Đây là một thị trường rất phức tạp, bạn không thể ép giá xuống", ông Luft lưu ý.

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc áp trần giá dầu của Nga trong khoảng 40 - 60 USD/thùng.

Thế nhưng, ông Luft cảnh báo: "Người châu Âu và người Mỹ đang bàn về mức trần giá dầu 40 USD/thùng, nhưng những gì họ sẽ nhận được là 140 USD/thùng".

Đồng Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu không phải là chuyên gia duy nhất hoài nghi về kế hoạch áp trần giá đối với dầu mỏ Nga. Các nhà quan sát thị trường khác đã chỉ ra rằng Ấn Độ và Trung Quốc - những nước đang nhập khẩu dầu giảm giá của Nga - có thể không phối hợp thực hiện kế hoạch này.

Tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 diễn ra cuối tuần trước ở Indonesia, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đề cao biện pháp áp trần giá dầu Nga là "một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của Mỹ" để chống lại lạm phát, thì Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati lại lưu ý rằng các vấn đề năng lượng xuất phát ở phía nguồn cung, nên áp trần giá dầu sẽ không giải quyết được vấn đề.

Mỹ kêu gọi tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt, trong đó có Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư