Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giá điện không tăng, nguồn cung khủng hoảng
Thanh Hương - 24/07/2018 09:57
 
Giá điện được yêu cầu đứng yên khiến nhà đầu tư vào nguồn điện không có động lực bỏ tiền vào làm nhà máy điện, trong khi phía sử dụng không có đòn bẩy để tiết kiệm điện.

Giãn đầu tư tiết kiệm điện 

“Nhiều doanh nghiệp trong các ngành xi măng, thép, hóa chất mà chúng tôi đang tư vấn triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng đã có sự ngãng ra nhất định sau thông tin giá điện sẽ không tăng trong năm nay”, một chuyên gia về tiết kiệm năng lượng đã thẳng thắn cho phóng viên Báo Đầu tư biết vậy khi nói về thực trạng hiện nay trong việc thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, mà cụ thể là điện.

.
Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7%/năm như hiện nay, mỗi năm ngành điện cần thêm 6.000 - 7.000 MW mới.

Theo chuyên gia này, để tiết kiệm điện, doanh nghiệp sẽ phải triển khai những đầu tư nhất định bằng nguồn vốn tự có hoặc đi vay với lãi suất thương mại.  Dĩ nhiên, các chi phí này sẽ phải tính vào giá thành sản xuất. Nên khi có thông tin không tăng giá điện, doanh nghiệp sẽ thấy không có áp lực để triển khai tiết kiệm điện khiến chi phí sản xuất bị đội lên ngay lập tức. 

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững  (Bộ Công thương) cho biết, qua Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) trong giai đoạn 1 và 2, Việt Nam đã đạt mục tiêu tiết kiệm được 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 – 2010, tương đương với 4,5 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và tiết kiệm được 5,65% trong giai đoạn 2011-2015, tương đương với 11,261 triệu TOE.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận, trong thời gian qua, việc thi hành các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thực hiện các yêu cầu theo quy định đã ban hành. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho Chương trình thường muộn và thấp, trong khi các đối tượng trong khuôn khổ Chương trình rộng và đa dạng.

Chia sẻ thực tế này, ông Dilip R.Limaye, chuyên gia tư vấn quốc tế của Ngân hanàng Thế giới (WB) cho hay, tiêu dùng năng lượng ở Việt Nam vẫn đang tăng lên và với thực tế tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ còn khiến cho tốc độ tiêu dùng năng lượng cao hơn nữa. Trong khi đó, các sáng kiến của Chính phủ như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hay các chương trình VNEEP mới đem lại một số kết quả về tiết kiệm. Cụ thể giai đoạn 2006 - 2010 mức tiết kiệm là 3,4%; giai đoạn 2011- 2015 chưa tới 6%.

Cho rằng “mức tiết kiệm đến nay chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Dilip R.Limaye dẫn chứng Trung Quốc, Ấn Độ đã đưa ra những biện pháp rất mạnh mẽ để thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể, Trung Quốc đã thực hiện đóng cửa các nhà máy nhiệt điện nhỏ, loại bỏ các xưởng sản xuất sắt lò cao dưới 300 m3, loại bỏ các nhà máy sản xuất thép dưới 200.000 tấn/năm, đóng cửa các nhà máy sản xuất nhôm nhỏ hay thiết lập chỉ tiêu riêng cho phần còn lại. “Bài học từ Trung Quốc là thiết lập các chỉ tiêu định lượng để tạo tín hiệu rõ ràng. Các chỉ tiêu này là bắt buộc và Chính phủ cần cưỡng chế thực thi mạnh mẽ để nhanh chóng đẩy mạnh bảo tồn và tiết kiệm năng lượng”, chuyên gia của WB nói.

Khó xây nhà máy điện mới

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng mới đây đã cho biết, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7%/năm như hiện nay, mỗi năm ngành điện cần thêm 6.000 - 7.000 MW mới. Chỉ tính riêng nhu cầu vốn đầu tư cho nhà máy điện cũng đã là 10 tỷ USD/năm, chưa kể đầu tư cho truyền tải, phân phối.

Tuy nhiên, ông Vượng cũng thẳng thắn nói về nghịch lý giữa yêu cầu của xã hội về năng lượng xanh, môi trường sạch trong khi khả năng chi trả, thanh toán và giá năng lượng còn hạn chế. “Bây giờ đi đâu cũng nói không được làm nhà máy nhiệt điện than, thủy điện thì ngập lụt nên không phát triển nữa, trong khi năng lượng tái tạo không thể phát triển nhanh với chi phí cao như hiện nay. Thách thức thời gian tới với năng lượng nói chung và điện nói riêng rất là lớn”, vị Thứ trưởng nhận xét.

Trên thực tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện cũng không dễ dàng. Hiện mới chỉ có 4 nhà máy điện BOT do nhà đầu tư nước ngoài đưa vào hoạt động. 14 dự án khác vẫn đang trong quá trình đàm phán và hầu hết đều chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra trong Tổng sơ đồ phát triển Điện lực.

Chia sẻ thực tế vốn cho ngành điện rất nan giải, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng trăn trở, với tăng trưởng 11-12% mỗi năm, tới năm 2025, ít nhất cũng cần có 60 tỷ USD cho phát triển ngành này. “Với tỷ lệ nợ công hiện nay, ngân sách không thể có thêm tiền, vậy lấy đâu ra cho phát triển các dự án điện”, ông Bình nói. 

Kiến nghị cần cơ chế đặc biệt khi triển khai các dự án năng lượng quy mô hàng tỷ USD, trong đó có điện, nhằm đẩy nhanh tiến độ, ông Vượng cũng cho rằng, chính sách giá phải theo cơ chế thị trường để đưa ra tín hiệu đúng cho nhà đầu tư và người dùng năng lượng.

Nỗi lo ngành điện giảm đầu tư
Từ năm 2016 trở lại đây, số tiền đầu tư xây dựng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đi theo chiều hướng giảm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư