Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giá phân bón chưa thể hạ nhiệt
Thế Hoàng - 18/06/2021 16:03
 
Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng mạnh, có loại tăng hơn 2 lần, cộng với cước vận tải bị đội giá...là những nguyên nhân dẫn đến giá phân bón sản xuất tăng cao từ đầu năm.
Giá phân bón chưa thể hạ nhiệt từ nay đến cuối năm
Giá phân bón chưa thể hạ nhiệt từ nay đến cuối năm

Giá nhiều loại phân bón đã tăng rất mạnh từ đầu năm 2021 đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, đà tăng của phân bón được dự báo tiếp tục đi lên trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng, đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: "Hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước, trong khi đó, phân bón DAP, MAP và Urea hầu hết được vận chuyển bằng container, cộng với nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa".

Giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thế giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo, đại diện Cục Hóa chất cho hay.

Phân tích về cơn tăng giá của phân bón, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thêm, hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh bắt đầu từ đầu năm 2021, bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài, chủ yếu do các nguyên liệu sản xuất chính của phân DAP và MAP là lưu huỳnh, amoniac, giá cước vận chuyển tăng cao.

Cụ thể, giá lưu huỳnh về tới nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên hơn 200 USD/tấn, giá amoniac cũng tăng hơn 31,4%, tương đương 102 USD/tấn, giá cước vận tải tăng từ 3 - 5 lần..., cộng hưởng những yếu tố này làm giá phân bón trong nước tăng lên".

Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với Bộ NN&PTNT để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy, lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước. Trong khi, với phân bón DAP, MAP, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng của DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu. 

Giá DAP, MAP sản xuất trong nước chỉ 9,5 đến 10,5 triệu đồng/tấn, trong khi hàng nhập khẩu 14-15 triệu/tấn. Đây cũng là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường hơn. Không chỉ DP, MAP tăng giá mà phân Urea cũng chung đà tăng.

"Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Sau khi điều tra, cân nhắc các yếu tố tác động kinh tế - xã hội, Bộ đã ban hành quyết định áp thuế cho mặt hàng này từ năm 2017. 
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp", ông Lê Triệu Dũng cho hay.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam đã chi 952 triệu USD để nhập khẩu 3,8 triệu phân bón, tăng 0,11% về lượng nhưng giảm 9,18% về kim ngạch so với năm 2019.

Giá trung nhập khẩu phân bón trung bình trong năm 2020 đạt 250,18 USD/tấn, giảm 9,28% so với giá trung bình của năm 2019 (275,76 USD/tấn). Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 41,74% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước và chiếm 38,73% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 1,59 triệu tấn, trị giá 368,5 triệu USD, tăng 3,79% về lượng và giảm 3,34% về trị giá so với năm 2019.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường Nga đạt 110,19 triệu USD, chiếm 11,58% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; Israel đạt 55,29 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,81%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư