Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Gia tăng áp lực cạnh tranh với dược phẩm, sữa và ngành chăn nuôi nội địa khi EVFTA có hiệu lực
Thị Hồng - 02/07/2019 22:49
 
Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, việc giảm thuế nhập khẩu đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm, sữa cũng như thực phẩm trong ngành chăn nuôi nội địa.

EVFTA đã chính thức được ký vào ngày 30/06/2019 với kỳ vọng thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong thập kỉ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện, EVFTA chưa có hiệu lực. Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Hiệp định còn cần vượt qua các rào cản cuối cùng là cuộc bỏ phiếu quyết định của Nghị viện châu Âu,…

Nhận định về kỳ vọng thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong thập kỉ, Báo cáo phân tích của VNDIRECT đánh giá, thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, các sản phẩm hàng ngày sau 5 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm.

Hiện tại, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10-40%. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. 

Một số nước châu Âu nổi tiếng về các sản phẩm sữa. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất sữa trong nước.

Tuy nhiên, EVFTA cũng mở ra cơ hội cho các công ty sữa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ sản xuất và nguyên liệu sữa từ Châu Âu vốn được đánh giá cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó góp phần cải thiện chất lượng các sản phẩm sữa trong nước.

Cùng với đó, khoảng một nửa xuất khẩu dược phẩm của EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức và phần còn lại được miễn thuế sau 7 năm.

Trao đổi với phóng viên Baodautu.vn, đại diện công ty dược phẩm có trên 150 loại sản phẩm (gồm thuốc kê toa, không kê toa, vắc xin) cho biết, vẫn chưa nắm rõ Hiệp định này mang lại những lợi ích cụ thể nào cũng như các điều luật cụ thể.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thêm về Hiệp định này, cũng như đợi hướng dẫn từ Bộ Y tế”, đại diện này chia sẻ.

Ngoài các thách thức gia tăng cạnh tranh với một số ngành đã kể trên, hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam được kỳ vọng có thể mở rộng thị trường sang EU.  

Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 64,5% tổng giá trị nhập khẩu từ EU. Trong vòng 10 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ hơn 98,3% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, tương đương 99,8% tổng giá trị nhập khẩu từ EU.

Hiện tại, EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tư của Việt Nam. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải, đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam. 

Việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU được kỳ vọng có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị chất lượng cao và công nghệ mới từ châu Âu với giá thấp hơn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu EVFTA có hiệu lực trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,4% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA. Đồng thời, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Cụ thể, giá trị nhập khẩu từ EU có thể tăng xấp xỉ 15,3% vào năm 2020; 33,1% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030 so với trường hợp không có EVFTA. EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,2-3,3% (trong giai đoạn 2019-2023); tăng 4,6-5,3% (trong giai đoạn 2024-2028) và tăng 7,1-7,7% (trong giai đoạn 2029-2033) so với trường hợp không có EVFTA.
[Infographic] Nhìn lại những dấu mốc chính tiến tới EVFTA lịch sử
Hiệp định EVFTA và IPA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư