Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Giá tăng mạnh, xuất khẩu xơ sợi thắng lớn
Hải Yến - 08/11/2021 09:02
 
Sau gần 2 năm kinh doanh ảm đạm, năm 2021, ngành sợi bật lên nhờ giá sợi thế giới hồi phục, xuất khẩu sau 10 tháng đã “bỏ túi” thêm 1,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Ảnh minh họa.

Xuất khẩu xơ sợi đạt 4,497 tỷ USD trong 10 tháng

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dường như không xảy đến với ngành sợi trong đợt dịch vừa qua. Sản xuất được duy trì, sản lượng đạt cao, lại được “trợ lực” bởi đà hồi phục của giá sợi thế giới, nên xuất khẩu sợi 10 tháng của năm 2021 thắng lớn.

Theo thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 10 tháng qua, ngành sợi đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn sợi, đạt kim ngạch 4,497 tỷ USD, tăng 15,1% về sản lượng và tăng tới 52,7% về trị giá so với 10 tháng của năm 2020. Cùng kỳ năm trước, dù xuất 1,38 triệu tấn xơ sợi, nhưng ngoại tệ thu về chỉ đạt 2,945 tỷ USD.

Những tháng gần đây, dù chịu tác động bởi việc hạn chế lưu thông để phòng, chống dịch, nhưng xuất khẩu xơ sợi vẫn duy trì kim ngạch trên 400 triệu USD/tháng.

Trên thị trường thế giới, tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ bông Tân Cương của Mỹ đã tác động mạnh đến chuỗi cung - cầu sợi, khiến nhu cầu sợi tăng cao.

Từ đầu năm đến nay, giá sợi cotton có mức tăng mạnh nhất (18 - 20%), tiếp đến là sợi poly-visco (tăng 16 - 17%), sợi poly và sợi pha poly-cotton cũng tăng trên 10%. Được hưởng lợi từ việc giá sợi tăng cao và giá bông đầu vào thấp trước đó, nhiều doanh nghiệp sợi đã công bố lãi đậm.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự biến động của giá nguyên phụ liệu, nhu cầu sợi trồi sụt, giá cước vận chuyển tăng cao, nhiều thị trường bị phong tỏa do Covid-19, nhưng thị trường sợi 9 tháng của năm 2021 vẫn duy trì được đà tăng mạnh mẽ, nối tiếp từ cuối năm 2020, mang đến biên lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp sản xuất.

Riêng quý III/2021, Vinatex đạt doanh thu bán hàng 4.077 tỷ đồng, tăng 22,9% so với quý III/2020.

9 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng đạt 11.137 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 946 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ và là kết quả cao nhất kể từ khi Tập đoàn chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

“Tăng trưởng trong quý III/2021 đến từ lĩnh vực sợi. Sau giai đoạn 2019 - 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại và dịch bệnh, thị trường sợi trong năm 2021 đã  phục hồi mạnh mẽ, các đơn vị sợi trong Tập đoàn đều có kết quả kinh doanh tốt, đóng góp khoảng 60% vào kết quả chung của Vinatex”, ông Hiếu chia sẻ.

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã: STK, sàn HoSE) cũng đạt được kết quả khả quan. Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021 của Sợi Thế Kỷ cho thấy, Công ty đạt doanh thu 468 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu 1.545 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 203,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 171% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Sợi Thế Kỷ đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận năm.

Một doanh nghiệp sợi khác tại phía Bắc là Công ty cổ phần Damsan (mã ADS, sàn HoSE) với nhà máy sợi đặt tại Thái Bình vừa thông tin ước doanh thu hợp nhất quý III/2021 đạt 333 tỷ đồng, tăng 73%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 28 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng của năm 2021, doanh thu thuần của Damsan đạt 1.030 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận đạt hơn 85,2 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ và vượt 18% kế hoạch năm.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2021 vượt 5 tỷ USD

Dưới tác động của Covid-19, năm 2020, xuất khẩu dệt may đã không thể về đích với mục tiêu 39 tỷ USD, mà chỉ dừng ở 35,5 tỷ USD. Trong đó, ngoài dệt may giảm 9,2% kim ngạch xuất khẩu so với năm 2019, xơ sợi cũng giảm 10,5%, đạt 3,737 tỷ USD.

Những tháng gần đây, dù chịu tác động bởi việc hạn chế lưu thông để phòng, chống dịch, nhưng xuất khẩu xơ sợi vẫn duy trì kim ngạch trên 400 triệu USD/tháng. Kể cả tháng 9, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, kim ngạch vẫn đạt 464 triệu USD, còn tháng 10 đạt 400,5 triệu USD. So với mốc 481 triệu USD của tháng 8 và 478 triệu USD của tháng 7, thì kết quả xuất khẩu xơ sợi tháng 9 và tháng 10 vẫn được đánh giá là rất tích cực, bởi mức sụt giảm không đáng kể.

Với sự phục hồi về sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận tiện và đơn hàng tiếp tục gia tăng, ngành sợi trong nước đang tiến gần hơn tới mốc 5 tỷ USD xuất khẩu.

Trong khi các ngành thâm dụng lao động lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ… bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong khoảng thời gian TP.HCM và các địa phương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội thời gian vừa qua, thì năng suất của ngành sợi vẫn được phát huy nhờ đặc thù của ngành là tự động hóa cao, sử dụng ít công nhân.

Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, các nhà máy của Tập đoàn vẫn sản xuất “3 tại chỗ” hiệu quả, bởi không cần sử dụng nhiều lao động, nhà máy sợi đông nhất cũng chỉ cần khoảng 60 - 70 lao động, công tác quản lý sản xuất thuận lợi hơn so với các ngành thâm dụng lao động.

Trong đà tăng cao của nhu cầu sợi từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, căn cứ năng lực cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn hàng đã ký, xuất khẩu xơ sợi trong năm 2021 dự báo đạt 5,2 - 5,3 tỷ USD.

VNPOLY ký hợp đồng hợp tác gia sản xuất sợi DTY cho SSFC, Đài Loan
Tổng công ty Shinkong Synthetic Fibers là đơn vị thành viên của Tập đoàn Shinkong - một Tập đoàn đa ngành hàng đầu của Đài Loan, đã chính thức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư