Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Gia tăng nợ có khả năng mất vốn
Thùy Vinh - 03/06/2013 06:43
 
Nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng có xu hướng tăng, đang ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
TIN LIÊN QUAN

Đến cuối năm 2012, nợ xấu của DongA Bank là 2.000 tỷ đồng,
trong đó nợ nhóm 5 là 658 tỷ đồng

Nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn, xem như khách hàng không thể trả nợ và ngân hàng buộc phải bỏ vốn ra xóa nợ bằng cách trích lập dự phòng 100%.

Đây cũng là lý do chính giải thích cho việc lợi nhuận ngành ngân hàng đang giảm.

Nếu như năm qua, VietinBank được xem là điển hình của ngành ngân hàng đạt mức lợi nhuận trước thuế cao, thì kết quả quý I/2013 của ngân hàng này cho thấy, lợi nhuận đã giảm mạnh, do nợ xấu tăng, trích lập dự phòng nhiều.

Mặc dù tín dụng của VietinBank âm 3% trong 3 tháng đầu năm 2013, nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,67%, cao hơn so với tỷ lệ 1,47% so đầu năm, trong khi tổng tài

sản giảm.

Về chất lượng nợ, theo thuyết minh báo cáo quý I/2013, VietinBank có hơn 5.440 tỷ đồng nợ xấu (tính đến cuối tháng 3), tăng 11,3% so với cuối năm 2012. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn một nửa và tăng 43% so với cuối năm ngoái.

Chính vì nợ xấu tăng và nhất là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 - phải trích lập dự phòng 100%) tăng cao, đòi hỏi VietinBank phải trích lập dự phòng tăng gấp rưỡi trong quý I (hơn 1.346 tỷ đồng). Vì thế, tổng lợi nhuận sau trích lập dự phòng của Ngân hàng đã giảm hơn 30%, xuống còn 1.370 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế là 1.042 tỷ đồng.

Tương tự, quý I/2013, tín dụng của Vietcombank vẫn âm 0,8%, trong khi tỷ lệ nợ xấu lên đến 3,2%. Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank cũng tăng đáng kể (gần 2.000 tỷ đồng trong tổng nợ xấu 7.634 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so đầu năm nay). Do đó, lợi nhuận trước thuế đạt được trong quý đầu năm 2013 của Vietcombank (1.421 tỷ đồng) giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ đông của DongA Bank cũng tỏ ra lo ngại khi nợ xấu của ngân hàng này đến cuối năm 2012 là 2.000 tỷ đồng (nợ nhóm 5 là 658 tỷ đồng), trong khi vốn điều lệ của DongA Bank chỉ mới đạt mức 5.000 tỷ đồng.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, DongA Bank đã trích lập dự phòng đầy đủ. Đến cuối năm 2012, Ngân hàng trích lập dự phòng 900 tỷ đồng. Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của DongA Bank còn mấy trăm tỷ đồng và kế hoạch của Ngân hàng trong năm nay là thành lập thêm một quỹ dự phòng khoảng 400 tỷ đồng.

Nợ xấu của Sacombank gần cuối tháng 5/2013 đã ở mức 2%, trong đó, nợ nhóm 5 cũng chiếm một phần đáng kể. Dẫn đến, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng cũng tăng theo (riêng quý I/2013, đã tăng hơn 170 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Nguyễn Gia Định cho rằng, khó khăn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay chính là tình hình sức khỏe của doanh nghiệp.

“Nếu trước đây, doanh nghiệp xuất hiện nợ xấu thì chỉ có họ khó, còn nền kinh tế không bị ảnh hưởng. Nhưng hiện nay, sự lây lan quá lớn, nên vòng chu chuyển tiền tệ nói chung trong thị trường chậm lại. Do đó, không thể kỳ vọng sẽ giải quyết dứt khoát gốc và lãi của từng con nợ trong một thời điểm nhất định, mà phải có sự kéo dài. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, để xử lý được nợ xấu là rất khó khăn”, ông Định cho biết thêm.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định, nhiều doanh nghiệp đang mất khả năng trả nợ, do hoạt động không hiệu quả, hoặc do đã bị phá sản. “Để giải quyết nợ xấu trong bối cảnh này, các ngân hàng cũng phải chung sức cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn, với doanh nghiệp còn có thể hoạt động được, nhưng chưa có khả năng trả nợ, thì có thể giãn nợ cho doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư