Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giá trị khi được sống trong đất nước thống nhất
Chiến tranh, sự chia rẽ, thống nhất đất nước và tương lai - điểm chung của Việt Nam và Đức.
GS-TS Andreas Stoffers, Đại học Quốc tế SDI Munich

Nhân Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam, tôi xin kể một câu chuyện rất riêng, câu chuyện của chính tôi.

Sau khi rời khỏi quân đội, tôi hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tổng cộng 18 năm và sau đó trở thành giáo sư. Bạn sẽ tự hỏi, điều gì đã kết nối cho một doanh nhân người Đức với lịch sử và văn hóa của Việt Nam? Thay vì lịch sử và những sự kiện xưa cũ, chẳng phải nên nắm giữ khoảnh khắc hiện tại và hướng về tương lai sẽ tốt hơn sao?

Đúng vậy, hiện tại và tương lai là rất quan trọng, nhưng tất cả đều có một sợi dây liên kết chặt chẽ bởi lịch sử và văn hóa.

Trên thực tế, việc hiểu về văn hóa và lịch sử của một quốc gia qua hàng thế kỷ và thiên niên kỷ - nơi bạn dự định sẽ gắn bó và làm việc - là một công cụ cực kỳ hữu ích cho công việc và đời sống kinh doanh.

Điều này giúp bạn dễ dàng hiểu các phương pháp tiếp cận và ra quyết định của các đối tác kinh doanh của mình. Tuy nhiên, trước khi khởi nghiệp kinh doanh, tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ về lịch sử Đông Nam Á. Vì vậy, tôi thấy vô cùng quen thuộc và xúc động với lịch sử đầy màu sắc của đất nước Việt Nam. Năm 2009, khi lần đầu tiên đặt chân lên đất nước Việt Nam với tư cách là thành viên mới của Ban lãnh đạo Ngân hàng Deutsche Bank Việt Nam, tôi không thấy có sự lạ lẫm hay xa cách nào cả.

Lúc đó, tôi tràn đầy niềm vui và phấn khởi khi được tìm hiểu đất nước của con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ, để thấy quê hương của các Vua Hùng đã phát triển ra sao và truyền thống của các bậc vĩ nhân được tiếp nối và phát huy như thế nào.

Lần đầu tiên tới Việt Nam, tôi tràn đầy niềm vui và phấn khởi khi được tìm hiểu đất nước của con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ, để thấy quê hương của các vua Hùng đã phát triển ra sao và truyền thống của các bậc vĩ nhân được tiếp nối và phát huy như thế nào.

 

Những tính cách của lịch sử Việt Nam ngày nay vẫn còn được thể hiện rất rõ ràng - một lịch sử mà trước đây tôi chỉ biết qua sách vở. Tôi nghĩ về ách thống trị của các triều đại Trung Quốc hơn một ngàn năm, cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng đánh tan giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, trận thủy chiến của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, hay trận chiến lịch sử của Hưng Đạo Đại Vương đã chiến thắng quân Mông - Nguyên.

Ngoài ra, tôi cũng tìm hiểu về Phong trào Tây Sơn, cũng như các triều đại đã ghi nhận những chiến công hiển hách, mở rộng bờ cõi về phía Nam.

Đặc biệt, tôi không thể quên được những gì Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh của một đất nước tuy nhỏ bé, nhưng kiên cường đã giành chiến thắng vĩ đại, thoát khỏi ách thống trị của các cường quốc phương Tây, giải phóng miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh khó khăn và vĩ đại trong lịch sử.

Đối với tôi, những sự kiện lịch sử trên đều không chỉ mang ý nghĩa giúp tôi trang bị những kiến thức cần thiết về văn hóa của đất nước mà tôi đang kinh doanh khi đó. Thật sự, tôi muốn đi sâu hơn vào cuộc sống và văn hóa của Việt Nam ở khía cạnh cá nhân và tình cảm, vì tôi dành nhiều tình cảm cho đất nước xinh đẹp này.

Điều quan trọng tôi phải nhấn mạnh rằng, tôi vẫn rất tự hào về nền văn hóa của riêng mình với tư cách là một người Đức. Nếu bạn không tôn kính tổ tiên của mình, thì bạn sẽ không thể cởi mở và hiểu biết đối với các nền văn hóa khác. Nước Đức - quê hương tôi và Việt Nam có khoảng cách địa lý không hề nhỏ. Trước đây, đã có lúc, người ta phải đi tàu hàng tháng trời mới đến được Đông Dương. Đối với các thương nhân Đức, việc buôn bán với Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX không hề dễ dàng, không giống như với Thái Lan, vì khi đó, Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Ngày nay, khoảng cách giữa Việt Nam và Đức chỉ còn là một click chuột.

Tình hình hay diễn biến ở hai đất nước đều có thể cập nhật một cách dễ dàng qua Internet, hay livestream ngay chính tại thời điểm sự việc diễn ra.

Ngày càng có nhiều người Đức sống ở Việt Nam, và ngược lại, cũng có rất nhiều người Việt Nam đã tìm thấy quê hương thứ hai của họ ở Đức.

Bất chấp sự đa dạng về văn hóa và lịch sử, có nhiều thứ kết nối Đức và Việt Nam, đặc biệt là sợi dây liên kết không chỉ trong quan hệ kinh tế. Cả hai quốc gia đều bị chia rẽ trong nửa sau thế kỷ XX.

Tôi là một người lính trong Chiến tranh lạnh năm 1985. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu chống lại đồng bào máu thịt của chính mình và khối ý thức hệ khác. Tôi biết các vị trí chiến đấu của đơn vị khác gần biên giới mà tôi phải tấn công cùng với trung đội công binh của mình trong trường hợp có xung đột.

May mắn thay, điều kinh khủng đó đã không xảy ra.

Do chiến tranh, khối thống nhất của dân tộc Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam. Nhưng ý chí giành độc lập, tinh thần quả cảm và lòng tự tôn dân tộc của Việt Nam đã thắng. Việt Nam được thống nhất vào năm 1975.

Cách đây 46 năm, vào ngày cuối cùng của tháng 4/1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tiếp theo là Đức vào năm 1989. Vào tháng 11/1989, Bức tường Berlin sụp đổ sau 28 năm, chấm dứt sự chia cắt nước Đức. Tháng 10/1990 - gần một năm sau khi sự kiện bức tường Berlin sụp đổ - Đông Đức và Tây Đức chính thức hợp nhất thành khối thống nhất là nước Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay.

Tôi vẫn còn nhớ như in những cảnh xúc động ở Bavaria vào mùa thu năm 1989, khi chúng tôi ở phương Tây hân hoan chào đón đồng bào đã vượt qua được biên giới. Các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh cuối cùng cũng đã được đoàn tụ, cũng như việc hai bờ nước Đức không còn bị chia cắt nữa.

Lúc đó, tôi vẫn là sĩ quan trong lực lượng vũ trang Tây Đức. Vào thời điểm đó, chúng tôi chào đón các quân nhân Đông Đức của Quân đội Nhân dân quốc gia (Nationale Volksarmee) với vòng tay rộng mở. Phần lớn họ là những người lính tốt bụng, những con người chân thành và yêu nước. Vì vậy, tôi hoàn toàn có thể hiểu được cảm giác của người Việt Nam khi được sống trong một đất nước thống nhất hai miền.

Tổng Bí thư: Đại hội XIII biểu thị sự thống nhất ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, kết thúc sớm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư