Tới đầu giờ sáng 15/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.195 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.203,5 USD/ounce.
Hiện giá vàng thấp hơn 8,3% (107,5 USD/ounce) so với cuối năm 2017. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 33,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,7 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới quanh quẩn ở đáy 18 tháng do đồng USD vẫn treo cao trước những thông tin bất lợi dồn dập đến với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Vàng chưa thể hồi phục và hiện vẫn ở đáy 1,5 năm qua chủ yếu do đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá so với đa số các đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có euro và Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ chính sách hạn chế cho vay, nợ cao và căng thẳng thương mại gia tăng. Sản lượng công nghiệp trong tháng 7 của nước này chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Đầu tư vào tài sản cố định trong 7 tháng đầu năm của Trung Quốc chỉ tăng 5,5%, mức thấp kỷ lục kể trong gần 20 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại các khu đô thị tháng 7 tăng từ 4,8% hồi tháng 6 lên 5,1%.
Đồng bạc xanh tăng còn do cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ với đồng lira lao dốc đã ảnh hưởng tới đồng tiền của hàng loạt các nền kinh tế mới nổi, giống như cú giảm giá của đồng baht của Thái Lan năm 1997 kéo theo đó là cuộc khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế châu Á.
Hàng loạt các đồng tiền như ruble của Nga, rand của Nam Phi, real của Brazil và đồng peso của Argentina đều giảm mạnh, 4-8% chỉ trong tuần vừa qua. Chỉ số MSCI tổng hợp khoảng 20 đồng tiền của các nước mới nổi đang ở mức tồi tệ nhất trong năm nay.
Trong khi đó, đồng USD được xem là một kênh trú ẩn an toàn, nó khiến đồng bạc xan” tăng cao hơn nữa trong khi các đồng tiền mới nổi tiếp tục đi xuống và vì vậy mà tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn.