Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá xăng dầu: Thế giới giảm 2, trong nước giảm 1
Nguyên Anh (KTĐT) - 21/07/2015 09:57
 
Trái với kỳ vọng của thị trường, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lần này, giá xăng dầu giảm không nhiều. Theo văn bản điều hành giá xăng dầu do Bộ Công Thương ban hành, từ 15 giờ ngày 20/7, xăng A92 giảm giá 260 đồng/lít; xăng E5 (pha 5% ethanol) giảm 425 đồng/lít, dầu diesel 0,05S giảm 1.112 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.128 đồng/lít, dầu mazut giảm 872 đồng/kg.

Chưa giảm tương xứng với giá thế giới

Trong chu kỳ điều chỉnh 15 ngày qua, giá xăng dầu thế giới đã giảm khá mạnh, chốt đến ngày 18/6 ở mức 59,9 USD/thùng. Trước đó, theo tính toán của giới chuyên môn, giá xăng sẽ có thể giảm 700 – 800 đồng/lít hoặc giảm 400 đồng/lít cộng với tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá của các đơn vị kinh doanh đầu mối. Dựa trên giá bán buôn Platt bình quân của khu vực, giá xăng bán buôn đã giảm 2,24 - 2,72% kể từ lần điều chỉnh giá bán lẻ trong nước lần gần đây nhất (ngày 4/7). Trong khi giá bán buôn dầu DO đã giảm 7,67 - 7,55%. Với mức giảm này, các đơn vị đầu mối trong nước đã lãi 545 - 555 đồng/lít đối với xăng và 739 - 753 đồng/lít đối với dầu DO.
 
Mua bán xăng tại một cửa hàng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Mua bán xăng tại một cửa hàng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá xăng nhập khẩu (NK) đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do thuế NK cao nên giá bán lẻ mặt hàng xăng trong nước vẫn chưa giảm tương xứng. Hiện, thuế NK dầu hỏa là 13% và dầu diesel là 10% nhưng thuế xăng vẫn giữ nguyên 20%. Trong khi từ tháng 5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được áp dụng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Ngoài ra, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang cạn dần cũng là lý do khiến giá giảm nhỏ giọt. Trước đó, Quỹ đã phải trích liên tục để bù cho những lần giá thế giới cao và thuế bảo vệ môi trường tăng. Tại kỳ điều chỉnh lần này, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các DN giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn như hiện nay và ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng (trước điều chỉnh, Quỹ bình ổn đang bù đắp cho xăng là 527 đồng/lít; xăng E5 là 362 đồng/lít).
Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu vào kỳ trước (ngày 4/7), ước tồn Quỹ bình ổn giá tại Petrolimex trước thời điểm điều chỉnh giá là 1.350 tỷ đồng.
Chu kỳ 15 ngày đang có nhiều bất cập
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước chi 875 triệu USD để NK 1,4 triệu tấn xăng, tương ứng mỗi tấn xăng có giá hơn 629 USD. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, lượng xăng NK là 1,32 triệu tấn với tổng giá trị 1,37 tỷ USD, tương ứng giá bình quân hơn 1.000 USD/tấn. Như vậy giá xăng NK trung bình giảm gần 40%. Tuy nhiên, giá bán lẻ bình quân 6 tháng đầu năm nay vào khoảng 17.940 đồng/lít và chỉ thấp hơn 20% so với mức bình quân 22.300 đồng/lít năm ngoái.
Theo thông tin của một số đơn vị trong ngành, chu kỳ điều chỉnh 15 ngày đang có nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho DN “làm lợi” từ chu kỳ điều hành này. Nhiều DN kinh doanh xăng dầu lợi dụng cơ chế điều chỉnh này để đầu cơ, găm giữ hàng, đặc biệt trong những lần điều chỉnh tăng giá để hưởng lợi. “Nguồn cung để tính toán giá xăng dầu hiện nay bao gồm 3 phần: NK, tồn kho và sản xuất trong nước. Trong tính toán giá cơ sở mới chỉ đề cập phần giá NK mà không xét đến tồn kho. Quản lý tồn kho không minh bạch và nguồn xăng dầu trong nước không phát huy được vai trò điều chỉnh vào giá nhằm giảm áp lực NK bằng ngoại tệ thì việc giảm giá vẫn chưa có cơ sở” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chỉ rõ.
Còn theo PGS.TS Phan Duy Minh - giảng viên Học viện Tài chính, sự chênh lệch giữa giá CIF xăng dầu NK ảo và giá CIF thực tế khiến DN đầu mối đòi tăng giá và điều đó tạo nên lợi nhuận của DN. Ông Minh phân tích, giá CIF trong Nghị định 83/2014/NĐ - CP không được tính từ giá thực tế NK vào thị trường Việt Nam mà từ giá xăng dầu trung bình đâu đó trên thị trường thế giới, giá này chênh lệch rất nhiều so với giá thực tế NK tại các cảng của thị trường Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy, trong quý II/2015, chỉ số giá mặt hàng xăng dầu NK giảm tới 37,84%. “Sự không mạch lạc, rõ ràng chính là ở chỗ này” - ông Minh nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 83 cần phải thay đổi lại cách tính giá CIF để giá xăng dầu Việt Nam được tính đúng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. “Ngoài ra, để giám sát xem giá mới sát giá thế giới chưa thì các cơ quan quản lý cần kiểm tra và đối chiếu cụ thể bởi mức giảm rất nhỏ giọt, mấy lần giảm mới bằng một lần tăng trước đây” - ông Long đề xuất.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 4 lần tăng và 4 lần giảm, trong đó giá trị tăng gần gấp đôi giá trị giảm... Với 4 lần tăng, giá xăng RON 92 đã tăng thêm 5.040 đồng/lít so với lần tăng cuối cùng trong năm 2014. Trong khi với 4 lần giảm, giá xăng RON 92 giảm 2.800 đồng/lít. Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn neo ở mức khá cao so với diễn biến chung trong nước và so với thế giới. Vì thế, giảm giá nhỏ giọt như thời gian qua vẫn chưa đủ tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội. Tuy giảm nhưng NTD và cộng đồng DN chưa được hưởng lợi nhiều.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sụt giảm mạnh
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 31/3/2015, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn 2.843,648 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư