Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giá xăng liệu còn cửa lùi?
Đông Phong - 13/06/2022 12:15
 
Tại Mỹ, giá xăng đang neo ở mức kỷ lục 5 USD/gallon và có rất ít dấu hiệu đi xuống.
Một điểm khai thác dầu của Công ty năng lượng Signal Hill Petroleum tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP
Một điểm khai thác dầu của Công ty năng lượng Signal Hill Petroleum tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP

Nguồn cơn nào khiến giá xăng liên tục lập đỉnh?

Giá nhiên liệu tăng vọt là nguyên nhân chính khiến lạm phát của Mỹ tăng nhanh nhất trong 41 năm qua.

Theo công bố mới đây của Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của nước này đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981. 

Nếu không xét đến biến động giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi chỉ tăng 6%, nhỉnh hơn so với ước tính 5,9%.

Đáng kể, giá nhiên liệu tháng 5 tại Mỹ đã tăng 3,9% so với một tháng trước và nhảy vọt 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá dầu tăng 16,9% so với tháng 4, đẩy mức tăng so với cùng kỳ năm trước lên 106,7%.

Theo đài ABC, đã có nhiều ý kiến chỉ trích rằng, lạm phát tăng kỷ lục có lỗi của Tổng thống Joe Biden, trong khi các ý kiến khác cho rằng, căn nguyên lạm phát là do chiến sự Nga - Ukraine. Mặt khác, không ít ý kiến chỉ trích, bao gồm một số thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ, đã cáo buộc các công ty dầu mỏ đang “đục nước béo cò” khi giá nhiên liêu tăng cao.

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, giá xăng đã tăng mạnh kể từ tháng 4/2020 - thời điểm giá xăng lao dốc còn dưới 1,80 USD/gallon do nhu cầu xăng dầu bị "đóng băng" vì đại dịch. Giá xăng sau đó leo lên mức 3 USD/gallon vào tháng 5/2021 và chính thức vượt qua mốc 4 USD vào tháng 3/2022.

Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình tại nước này đã vượt mốc 5 USD/gallon trong ngày giao dịch 11/6, tăng 18 cent so với tuần trước và tăng hơn 1,92 USD so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt, giá xăng trung bình ở bang California đã nhảy vọt lên 6,43 USD/gallon, trong khi mức giá này tại bang Mississippi là 4,52 USD/gallon.

Giới phân tích lý giải rằng, đã xuất hiện nhiều nhân tố cộng hưởng lại và liên tục đẩy giá xăng dầu lên cao kể từ cuối năm 2021. Dù quãng tăng không đều, nhưng giá dầu thế giới có xu hướng bật mạnh kể từ tháng 12/2021. Từ đó đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng gần gấp đôi, đơn cử giá dầu thô Mỹ chốt phiên giao dịch 10/6 trên mức 120 USD/thùng.

Chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nhắm vào Moscow là những nguồn cơn đẩy giá nhiên liệu tăng dựng đứng. Cần lưu ý rằng, Nga thuộc nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới và có vai trò chi phí lớn đến giá xăng dầu.

Trong khi đó, Mỹ, dù là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng năng lực lọc hóa dầu của nước này đã giảm 900.000 thùng/mỗi ngày kể từ cuối năm 2019, theo Bộ Năng lượng Mỹ.

Nguồn cung xăng dầu eo hẹp đúng lúc nhu cầu bùng nổ trở lại sau đại dịch càng đẩy giá xăng dầu tăng nhanh. Người Mỹ thường xuống đường nhiều hơn sau Lễ tưởng niệm cấp liên bang đối với các quân nhân tử nạn trong quân ngũ (Memorial Day) diễn ra vào ngày thứ Hai cuối cùng trong tháng 5 hàng năm. Đây cũng là nhân tố khiến nhu cầu xăng dầu tại nước này tăng cao sau đại dịch.

Giá xăng lúc này "vô phương cứu chữa"

Các nhà phân tích cho rằng, hiện không có biện pháp hiệu quả tức thời đối với tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt, bởi đây là vấn đề cung và cầu và nguồn cung không thể tăng mạnh trong một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh năng lực hóa dầu của Mỹ bị suy giảm.

Nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ ngày càng eo hẹp hơn khi các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga có hiệu lực.

Cuối tháng 5/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được đồng thuận về việc áp lệnh cấm nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ từ Nga. Động thái này sẽ cắt giảm khoảng 90% lượng dầu mỏ mà EU nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay và đây là một phần trong gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow. 

Còn về phía Mỹ, ngày 8/3, Tổng thống Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga như một biện pháp gia tăng trừng phạt sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng lệnh cấm vận dầu mỏ Nga là cần thiết để Mỹ không “trợ cấp” cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. "Bảo vệ tự do sẽ phải trả giá", ông Biden nhấn mạnh.

Mỹ có thể đề nghị Saudi Arabia, Venezuela hoặc Iran hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ từ phía Nga, nhưng mỗi sự hỗ trợ đó đều có những toan tính chính trị riêng.

Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Tổng thống Biden thúc đẩy tăng sản lượng dầu mỏ trong nước bằng cách cho phép khai thác dầu mỏ trên nhiều vùng đất liên bang và ngoài khơi hơn, hoặc hủy bỏ quyết định thu hồi giấy phép xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu từ Canada đến các nhà máy lọc dầu ở Vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Dân chủ và các nhà bảo vệ môi trường chỉ trich rằng nếu Tổng thống Biden thực hiện những bước đi trên, sẽ cản trở nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu. Ngay cả khi ông Biden phớt lờ một phe nhóm lớn trong đảng Dân chủ, cũng sẽ phải mất vài tháng hoặc vài năm để có thể cải thiện nguồn cung xăng dầu tại Mỹ.

Cuối tháng 3/2022, Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ tiếp tục xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia để "hạ nhiệt" giá xăng dầu. Giá xăng trung bình tại nước này đã tăng 77 cent/gallon kể từ đó, mà các nhà phân tích cho rằng một phần là do năng lực lọc hóa dầu trong nước bị suy giảm.

Một số nhà máy sản xuất xăng, nhiên liệu máy bay, dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác ở Mỹ đã đóng cửa trong năm 2020 vì đại dịch do nhu cầu nhiên liệu khi đó bị "đóng băng". Đến nay đã có một số nhà máy lọc dầu tại Mỹ dự kiến tăng công suất trong năm 2023, nhưng các đơn vị khác lại ngần ngại đầu tư mở rộng các cơ sở lọc dầu mới vì lo lắng xu hướng chuyển đổi sang sử dụng xe điện sẽ làm giảm nhu cầu xăng dầu trong dài hạn.

Khi nào giá xăng có thể "hạ nhiệt", câu hỏi này phụ thuộc vào chính những tài xế, bằng cách lái xe ít hơn, họ sẽ giúp giảm nhu cầu xăng dầu và áp lực giá cả.

Ông Patrick De Haan, nhà phân tích thị trường tại Công ty Phát triển nền tảng công nghệ giao dịch nhiên liệu GasBuddy, nhận định: "Nó (giá xăng - BTV) sẽ đứng ở mức 5 USD/gallon không? Nó có thể tăng lên 6 hay 7 USD? Đó là câu hỏi rất khó mà chưa ai có thể trả lời".

Tại một cây xăng BP ở Brooklyn, New York, ông Nick Schaffzin, một nhân viên máy tính, đã đổ lỗi cho chiến sự Nga - Ukraine về khoản tiền 5,45 USD mà ông phải trả cho mỗi gallon xăng. "Chúng ta sẽ cần cắt giảm một số thứ khác như kỳ nghỉ, những thứ tùy ý, những thứ không cần thiết", ông Nick Schaffzin cho biết.

Cũng tại cây xăng BP này, George Chen cho biết ông sẽ phải tăng phí sản xuất phim của khách hàng để bù chi phí xăng xe đi lại quanh thành phố New York.

"Sẽ thiệt hại cho những người không được tăng lương ngay lúc này", ông Nick Schaffzin nói thêm.

Giá dầu thế giới bật tăng 1% dù OPEC+ nhất trí bơm thêm dầu
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 2/6 sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư