Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giấc mơ “bao đồng” của bà chủ VPFlower
Thanh Huyền - 17/05/2019 08:36
 
Cạnh tranh về giá là điều tất yếu xảy ra trong thị trường kinh doanh nhiều đối thủ như hoa tươi, nhưng chị Ngô Thị Hồng An, bà chủ thương hiệu VPFlower lại ôm một giấc mơ “bao đồng”, bởi với chị, hoa phải đẹp, phải nghệ thuật và mang giá trị tinh thần.
Bà chủ thương hiệu hoa VPFlower Ngô Thị Hồng An trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công.
Bà chủ thương hiệu hoa VPFlower Ngô Thị Hồng An trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công.

Bén duyên với nghiệp kinh doanh

Khi xã hội thay đổi và phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng cao, hoa tươi không chỉ là món quà tặng vào những dịp lễ hội, kỷ niệm, mà đã trở thành sản phẩm tinh thần ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu ngắm nhìn, thưởng thức của khách hàng.

Vì thế, thị trường hoa tươi cũng trở nên đa dạng, với rất nhiều cửa hàng mọc lên ở những thành phố lớn. Nhưng trong đó, có lẽ không nhiều thương hiệu hoa có thể phát triển theo mô hình công ty chuyên nghiệp như VPFlower. Điều bất ngờ ở chỗ, chị Ngô Thị Hồng An, Giám đốc Công ty TNHH Điện hoa Toàn cầu Việt Pháp - chủ thương hiệu VPFlower - lại xuất thân từ một tổng đài viên 1080.

Người ta thường gọi vui tổng đài viên là “cái gì cũng biết”, vậy mà, cũng có lúc, chị Hồng An suýt phải “bó tay”.

Chuyện là, thời điểm gần Giáng sinh năm 1998, chị nhận cuộc gọi của một Việt kiều, khẩn thiết tìm dịch vụ đóng ông già Noel để hiện thực lời hứa với một bạn nhỏ. Lúc bấy giờ, ở Hà Nội, chị biết kiếm đâu ra dịch vụ này. “Tôi liều nhận lời, rồi cùng gia đình trắng đêm may bộ đồ ông già Noel. Nghiệp kinh doanh của tôi bắt đầu “nửa mùa” như vậy”, chị cười kể lại.

Kinh doanh được vài năm, nhìn thấy các “ông già Noel” đi khắp đường phố mỗi mùa Giáng sinh, chị Hồng An quyết định dừng lại.

Nghiệp kinh doanh lại một lần nữa bén duyên với chị vào năm 2000, khi Tổng đài 1080 dừng dịch vụ điện hoa. Vốn yêu hoa và theo học cắm hoa nghệ thuật đã lâu, chị nhìn ra cơ hội kinh doanh khi nhận nhiều cuộc gọi đặt hoa và phải từ chối đơn hàng trong những buổi trực tổng đài. Thế là, công ty cung cấp dịch vụ điện hoa tư nhân đầu tiên tại Hà Nội của chị Hồng An ra đời năm 2001.

Vạn sự khởi đầu nan, sau niềm hân hoan những ngày đầu khai trương là chuỗi ngày bất an bởi chất lượng sản phẩm không đạt kỳ vọng. Không còn đường lùi, chị xắn tay tìm mối, tìm kênh vận chuyển… Mất gần nửa năm rong ruổi ra Bắc, vào Nam, chị xây dựng xong mạng lưới điện hoa 3 miền. Sự nghiệp của bà chủ VPFlower bắt đầu khởi sắc nhờ dịch vụ điện hoa liên tỉnh, VPFlower trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước, trúng thầu nhiều sự kiện quan trọng với hàng trăm đơn hàng mỗi ngày.

“Không thể để mình tiếp tục bỏ cuộc”

Thành công đến nhanh, chị Hồng An nuôi tham vọng mở dịch vụ điện hoa quốc tế. Muốn tham gia dịch vụ này, điều kiện tiên quyết phải là thành viên của Hiệp hội Hoa thế giới. Chị gửi đơn, nhưng không nhận được hồi âm. Chị lại bỏ công tìm hiểu, rồi chuẩn hóa những điều kiện ngặt nghèo về tay nghề, về chất lượng hoa, cách bài trí cửa hàng của tổ chức này.

Một ngày đầu xuân 2004, chị Hồng An nhận được tin vui khi VPFlower trở thành hội viên chính thức thứ 280 của Hiệp hội Hoa thế giới và cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên, duy nhất tại Hà Nội là thành viên của Hiệp hội.

Đang trên đà thành công thì thị trường điện hoa dần chuyền sang “đại dương đỏ”, các dịch vụ điện hoa “nở rộ”. Năm 2012, hậu khủng hoảng kinh tế, các khoản chi tiêu của doanh nghiệp hay cá nhân đều cắt giảm, sự cạnh tranh về giá trở nên gay gắt, khách hàng đặt mục tiêu giá rẻ, số lượng hoa thay cho giá trị nghệ thuật. Sự thay đổi của thị trường khiến tình hình của VPFlower trở nên xấu đi, doanh số sụt giảm, lỗ ngày càng nặng, VPFlower phải cắt giảm nhân viên, chị Hồng An phải bán đi chiếc xe ô tô của mình.

Kinh doanh không thể bỏ qua xu thế, thị trường thì đang muốn nhiều và rẻ. Nếu muốn tồn tại, VPFlower phải thay đổi. Nhưng với chị Hồng An, hoa phải đẹp, phải nghệ thuật và mang giá trị tinh thần. Chị trăn trở, nên buông bỏ, thay đổi quan niệm để tiếp tục kinh doanh hoa hay một lần nữa đổi nghề?

“Tôi đã từng bỏ cuộc vì cơ chế thị trường khi lần đầu tiên kinh doanh, nhưng tôi không thể để mình tiếp tục bỏ cuộc”, nữ doanh nhân chia sẻ.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.

Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - Chìa khóa thành công của Youtube.

Chị Hồng An đã “chèo lái” thế nào để đưa VPFlower thoát khỏi khủng hoảng và phát triển bền vững? Câu trả lời sẽ có trong “Những câu chuyện thật” của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Giấc mơ bao đồng”, phát sóng lúc 9h45 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam sáng Chủ nhật (19/5).

Tuần này, đồng hành với nữ doanh nhân Ngô Thị Hồng An là TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) và ông Trần Quốc Việt, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội các hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI).

CEO The Coffee House: Tôi bất lực khi không thể mua thêm cà phê từ người dân
“Người nông dân thường thông qua thương lái thu mua để bán cà phê nhưng khi chính họ buộc phải liên lạc trực tiếp với đơn vị kinh doanh như The...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư