Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giải quyết xung đột trong pháp luật về doanh nghiệp (Bài 3)
Nhật Quang - Kim Cương - 08/10/2014 07:27
 
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc xung đột pháp luật đang được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, cũng như các vấn đề phát sinh từ các quy định này, các tác giả đề xuất cách sửa đổi các nguyên tắc xung đột pháp luật tại dự thảo mới nhất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
TIN LIÊN QUAN

 

Bài 3: Đề xuất hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp

Về nguyên tắc, các nguyên tắc xung đột trong Luật Doanh nghiệp mới cần được xem xét trong tổng thể hệ thống pháp luật về doanh nghiệp và trong tương quan đối với các nguyên tắc xung đột luật được quy định tại các văn bản ngoài Luật Doanh nghiệp mới. 

  Giải quyết xung đột trong pháp luật về doanh nghiệp  
  Các luật có tính chất áp dụng chung cần được xác định là áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh  

Các tác giả cho rằng, các nguyên tắc này cần được xây dựng trên cơ sở 2 mục tiêu cơ bản: cần xử lý được nhiều nhất có thể các xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp với tất cả các nguồn khác của pháp luật về doanh nghiệp; phải hài hòa và không xung đột với các nguyên tắc đang được quy định tại các văn bản pháp luật khác. 

Để đạt được 2 mục tiêu trên, xin đưa ra các đề xuất sau liên quan đến các nguyên tắc xung đột luật quy định tại dự thảo mới nhất của Luật Doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo 5).

Thứ nhất, về cơ bản, chỉ quy định nguyên tắc xung đột pháp luật tại văn bản ở tầng luật là Luật Doanh nghiệp, mà không cần thêm bất kỳ hướng dẫn nào ở các văn bản tầng dưới luật. Theo đó, bất kỳ văn bản nào hướng dẫn Luật Doanh nghiệp mới không nên quy định thêm các nguyên tắc xung đột pháp luật giữa Luật Doanh nghiệp với luật chuyên ngành hoặc Luật Doanh nghiệp với điều ước quốc tế, để tránh trường hợp như Nghị định 102 quy định thu hẹp phạm vi áp dụng của nguyên tắc xung đột pháp luật quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ với văn bản pháp luật chuyên ngành, điều quan trọng nhất là liệt kê đủ các luật chuyên ngành. Dự thảo 5 cần quy định cụ thể luật chuyên ngành bao gồm:

- Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Dầu khí, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Giáo dục, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Luật sư, Luật Công chứng và các luật sửa đổi hoặc bổ sung các luật này như quy định tại Nghị định 102;

- Bất kỳ luật nào khác điều chỉnh các doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực đặc thù cho dù được ban hành trước ngày 15/11/2010 (như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dược...) hay sau ngày 15/11/2010 (như Luật Khoáng sản…); và

- Các luật được quy định tại chính văn bản luật đó là một văn bản chuyên ngành và được ưu tiên áp dụng so với Luật Doanh nghiệp.

Trong đó, đối với các quy định tại 2 điểm đầu, Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp mới cần rà soát và có danh sách chính xác và đầy đủ nhất các văn bản luật chuyên ngành đã được ban hành cho tới trước thời điểm ban hành Luật Doanh nghiệp mới. 

Đối với điểm thứ ba, khi ban hành bất kỳ luật nào sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp mới, Quốc hội cần hỏi ý kiến Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp để xác định xem luật đó có phải là luật chuyên ngành không và nếu có thì cần được quy định cụ thể trong luật đó là luật chuyên ngành và được ưu tiên áp dụng so với Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật phải áp dụng cho cả văn bản luật và văn bản dưới luật, thay vì chỉ áp dụng cho văn bản luật như hiện tại, vì khi xem xét xung đột pháp luật, phải xem xét một cách toàn diện tất cả các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Cuối cùng, cần ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành với tất cả các vấn đề trong lĩnh vực có liên quan mà pháp luật chuyên ngành có quy định. Nguyên tắc này sẽ bảo đảm sự phù hợp của pháp luật với những điều kiện đặc thù của từng lĩnh vực quản lý cụ thể.

Vì vậy, cần sửa đổi quy định Khoản 2, Điều 3, Luật Doanh nghiệp (hay Điều 3 của Dự thảo 5) như sau: “Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định khác đối với doanh nghiệp liên quan thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó” và ghi rõ, pháp luật chuyên ngành bao gồm 3 quy định cụ thể đã được nêu ở trên.

Thứ ba, đối với nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ với văn bản pháp luật áp dụng chung, Luật Doanh nghiệp cần có một quy định riêng áp dụng cho đối tượng này. Cụ thể, đề xuất bổ sung quy định về luật áp dụng chung như sau: “Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh Tranh và Luật Phá sản cũng như các luật có tính chất áp dụng chung được xác định là áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và các chủ thể pháp luật khác, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành của các luật này, sẽ được áp dụng trong trường hợp Luật Doanh nghiệp có quy định dẫn chiếu đến văn bản đó hoặc áp dụng đối với vấn đề mà Luật Doanh nghiệp không có quy định nhưng được quy định tại văn bản pháp luật áp dụng chung có liên quan”.

Thứ tư, đối với nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ với các điều ước quốc tế, Dự thảo 5 nên sửa đổi theo hướng quy định: “Điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng  theo quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, bao gồm cả văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một phần hoặc toàn bộ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, và văn bản hướng dẫn thi hành”.

(*) Công ty Luật TNHH YKVN

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư