Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giám đốc điều hành Vietjet chia sẻ bài học "Một nửa ly nước"
Như Loan - 28/10/2017 16:05
 
Một giọt nước tiết kiệm được chẳng nhiều nhưng từ đó văn hóa tiết kiệm sẽ được lan tỏa và tạo ra những thay đổi đáng kể trong doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh chia sẻ bài học thành công từ xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình.
Buổi thảo luận mở với chủ đề
Buổi thảo luận mở với chủ đề "Thị trường vốn - Góc nhìn từ người trong cuộc"

Hội nghị Gateway to Vietnam 2017 với chủ đề "Thị trường Vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế" diễn ra trong ba ngày 25, 26 và 27/10/2017 tại TP.HCM do SSI tổ chức đã đón hàng trăm quỹ đầu tư trên khắp thế giới đến tham dự và tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Trong khuôn khổ của buổi thảo luận mở với chủ đề "Thị trường vốn - Góc nhìn từ người trong cuộc", các diễn giả tham dự là lãnh đạo những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Petrolimex, Vinaconex, Vietjet đã chia sẻ nhiều câu chuyện, bài học thấm thía về điều hành hoạt động, quản trị doanh nghiệp...

Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp này khi chuyển đổi từ mô hình nhà nước sang cổ phần hóa, đối mặt với nguy cơ phá sản vì không có dòng tiền. Những năm 2011- 2012, khi đồng yên trượt giá, nhà máy xi măng của Vinaconex đã lỗ tới 700 tỷ đồng và chỉ thoát nguy cơ phá sản khi có được dòng vốn đầu tư từ SCIC và Viettel.

Theo ông Quỳnh, câu chuyện của doanh nghiệp ông là minh chứng cho thấy "việc huy động được vốn là yếu tố sống còn khiến doanh nghiệp vực dậy cũng như mở rộng được."

Ông Quỳnh cũng cho rằng trong giai đoạn hiện nay thì cơ hội huy động vốn là vô cùng lớn khi Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh tư nhân hóa, tái cấu trúc nhanh để doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, "minh bạch" là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bởi theo ông Quỳnh doanh nghiệp có minh bạch thì mới có được niềm tin từ nhà đầu tư.

Những doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà nước sang tư nhân cần được tư vấn, cần những cá nhân có khả năng quản trị tốt tham gia cùng quản trị, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Nhắc đến Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet - VJC), năm nay có thể được coi là năm của Vietjet bởi thương vụ IPO thành công diễn ra đầu năm nay.

Bài học rút ra từ thành công của Vietjet có thể viết thành sách và đọc cả chiều không hết, Giám đốc Điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh "hóm hỉnh" mở đầu phần chia sẻ của mình.

Theo ông Lưu Đức Khánh, hoạt động trong môi trường cạnh tranh và bởi khi bắt đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên Vietjet đã phải thuê một công ty tư vấn lớn nhất ngành hàng không để có hệ thống quản trị tiên tiến nhất và tuân thủ nghiêm ngặt để luôn biết mình ở đâu so với thế giới.

Giám đốc Vietjet Lưu Đức Khánh chia sẻ bài học quản trị tiết kiệm
Giám đốc Vietjet Lưu Đức Khánh chia sẻ bài học quản trị tiết kiệm

Cho đến giờ, theo ông Khánh, Vietjet vẫn luôn kiểm soát được chi phí trên mỗi ghế hàng tháng của mình là bao nhiêu và dựa trên đó để đưa ra những đề xuất, giải pháp hợp lý. Hiện chi phí/ghế của Vietjet đang ở trong top 3 hãng hàng không thế giới. Một hệ thống quản trị chuẩn mực đã góp phần quan trọng vào thành công của Vietjet.

Lãnh đạo Vietjet cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghệp tư nhân trên cơ sở kinh nghiệm của chính mình. Theo ông Khánh, sự khác biệt lớn nhất chính là văn hóa doanh nghiệp, chính văn hóa doanh nghiệp là điều quyết định lớn tới sự thành công của doanh nghiệp. Vị lãnh đạo của Vietjet chia sẻ với hội nghị câu chuyện về văn hóa tiết kiệm của hãng.

Ông Khánh cho biết, ở Vietjet, chi phí là vô cùng quan trọng, vậy nên 1 cent hay 1 đồng cũng mang lại sự khác biệt, nâng cao tính cạnh tranh cho Vietjet. Do đó, văn hóa tiết kiệm được xây dựng từ trên xuống dưới, từ cô phục vụ trà nước ở Vietjet cũng thấm nhuần văn hóa này.

Ông Khánh chia sẻ, ở Vietjet ly nước rót mời khách thường chỉ có một nửa ly bình thường bởi phát hiện rằng có nhiều người uống không hết phải đổ đi. Cho dù tiết kiệm như thế không nhiều nhưng từ những giọt nước tiết kiệm sẽ lan tỏa tới phi công, kỹ sư... tiết kiệm xăng dầu, chi phí sửa chữa...

Ông Lưu Đức Khánh khẳng định:" Sự thành công của chúng tôi có được nhờ xây dựng một văn hóa doanh nghiệp riêng. Bài học của chúng tôi là văn hóa doanh nghiệp tốt phải được duy trì, nhắc đi nhắc lại, truyền tải từ trên xuống dưới."

Sự thành công của Vietjet cũng chính là lý do thu hút rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới doanh nghiệp này tới tham dự phiên thảo luận riêng trong ngày làm việc thứ hai của Gateway to Vietnam 2017.

Phó Tổng giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng (phải) & Giám đốc Phát triển kinh doanh Vietjet Desmond Lin (trái) trình bày tại hội nghị
Phó Tổng giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng (phải) và Giám đốc Phát triển kinh doanh Vietjet Desmond Lin (trái) trình bày tại hội nghị

Phần trình bày các kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như các kế hoạch sắp tới của ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc và ông Desmond Lin, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Vietjet mang tới một bức tranh tươi sáng, cho thấy triển vọng phát triển cũng như sự tự tin của hãng hàng không chi phí thấp này trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Với đội bay trẻ, các chỉ tiêu chi phí của Vietjet hiện nằm trong top các hãng hàng không chi phí thấp hàng đầu thế giới.

Phó tổng giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng tự tin khẳng định với khả năng vận hành, hệ thống quản trị hiện nay, Vietjet hoàn toàn có thể cạnh tranh với các hãng hàng không khác trên thị trường quốc tế khi nhà đầu tư quan tâm đặt câu hỏi.

Ông cũng cho biết, Quý 3/2017, nhờ việc mở rộng thêm các đường bay mới và tăng cường khai thác các đường bay hiện có, doanh thu và lợi nhuận của Vietjet tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể,doanh thu vận chuyển hàng không đạt 6.142 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.054 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 2.982 tỷ đồng.

9 tháng năm 2017, Vietjet đã khai trương thêm 13 đường bay mới
9 tháng năm 2017, Vietjet đã khai trương thêm 13 đường bay mới

Tính tới 30/9/2017, tổng tài sản của Vietjet đạt 26.289 tỷ đồng, tăng 57,39 % so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm nay, với việc nhận thêm 5 tàu bay, Vietjet khai trương thêm 13 đường bay mới, nâng tổng số đường bay khai thác lên 73. Trong đó, số đường bay nội địa là 38, số đường bay quốc tế là 35. Tỷ lệ đúng giờ 9 tháng đạt 85,4%.

Trong quý 4, Vietjet dự kiến sẽ mở thêm 6 đường bay mới, nâng tổng số đường bay mở thêm của cả năm 2017 lên 19 đường. Dựa trên kết quả kinh doanh hiện đã đạt được, Vietjet ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 vượt khoảng 10% so với kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu về Vietjet
Các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu về Vietjet

Được biết, Vietjet là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phần lên sàn chứng khoán TP.HCM chỉ sau hơn 5 năm cất cánh. Đến nay, vốn hóa thị trường của Vietjet đã lên tới hơn 2,3 tỷ USD, P/E hiện là 13,1.

Vietjet, cổ phiếu tăng trưởng và chiến lược đầu tư nào phù hợp?
Benjamin Graham, bậc thầy chứng khoán về đầu tư giá trị đã từng nói "Đầu tư không phải là việc thắng những người khác trong trò chơi của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư