Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giám đốc phân tích BSC Trần Thăng Long: Cổ phiếu ngành thép có chu kỳ, cần hiểu và kiên nhẫn
Kỳ Thành - 02/06/2022 19:12
 
Theo Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán BSC, cổ phiếu ngành thép đang trong giai đoạn bất lợi và nếu chỉ đầu tư trong khoảng thời gian quá ngắn 2 - 6 tháng thì rất khó hồi phục.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua của Tập đoàn Hòa Phát (HPG - HoSE), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã chia sẻ, kế hoạch kinh doanh năm nay của ngành thép sẽ “khó thê thảm” vì ngành thép không thuận lợi.

Bên cạnh đó, trước những ý kiến của cổ đông về việc mua cổ phiếu HPG đang bị lỗ, ông Trần Đình Long cũng khẳng định, thực tế chứng minh, nhà đầu tư trên chặng đường dài với HPG thì không lỗ, đầu tư lâu là có lãi từ cổ phiếu.

Do đó, tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 6 với chủ đề “Tìm cơ hội khi giá hàng hoá leo thang” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 2/6, đã có không ít độc giả là các nhà đầu tư bày tỏ quan tâm, đặt câu hỏi với các vị chuyên gia trong chương trình về dự báo diễn biến giá thép và đặc biệt là cổ phiếu ngành thép.

Talkshow Chọn danh mục kỳ 6: Tìm cơ hội khi giá hàng hóa leo thang

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá thép, quặng sắt đã có nhịp tăng mạnh trong thời gian qua. Giá quặng sắt tăng do hạn chế nguồn cung, dịch bệnh khiến sản xuất đình trệ, các mỏ, cơ sở luyện kim bị ảnh hưởng nên nguồn cung giảm, làm tăng giá thép, ông Quang phân tích.

Khi giá quặng sắt và thép tăng cao trong một thời gian thì sẽ kích thích các nhà sản xuất, khai mỏ tăng công suất khai thác.

Tuy nhiên, mỗi dự án kéo dài hàng năm từ giai đoạn xây dựng, vận hành và đưa thị trường ra sản phẩm, do đó theo ông Quang, ảnh hưởng của giá khiến tăng cung trong ngắn hạn là rất khó và giá thép ngắn hạn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu hơn là nguồn cung.

Trong ngắn hạn vừa rồi, Trung Quốc thực hiện lockdown khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép giảm mạnh, kéo theo giá thép giảm, ông Quang nói.

Từ góc độ cổ phiếu, Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán BSC cho rằng, thép là ngành có tính chu kỳ cao, trong thời điểm dịch bệnh vừa qua có thể xem là thời kỳ “hoàng kim”. “Giá quặng không tăng lên nhưng giá thép tăng cao do Nhà nước đổ tiền vào kích thích kinh tế bằng đầu tư công, đầu tư hạ tầng. Đó là giai đoạn tốt không chỉ với doanh nghiệp thép Việt Nam mà cả doanh nghiệp thép thế giới”, ông Long nói.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tốt, các yếu tố bất lợi đã bắt đầu xuất hiện. Ngành thép trong 10 năm vừa qua cũng có tình trạng như vậy, 3 - 4 năm rất ổn rồi sau đó là hơn 1 năm toàn bộ ngành gặp bất lợi, nhiều thông tin ngược chiều làm giá cổ phiếu đi xuống.

Theo ông Long, do tính chu kỳ nên định giá ngành thép thông thường không được trả cao quá. Các cổ phiếu bluechip có P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) trung bình khoảng 15 - 20 lần, nhưng cổ phiếu ngành thép, thậm chí là bluechip như HPG có P/E chỉ 8 - 9 lần, những lúc tốt có thể lên 10 lần sau đó đi xuống.

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán BSC khẳng định, đây là một trong những doanh nghiệp rất tốt của Việt Nam, thường xuyên vượt kế hoạch kinh doanh, chi phí lãi tiết kiệm nhất so với các doanh nghiệp trên cùng phân khúc.

Theo chuyên gia của BSC, cổ phiếu thép đang trong giai đoạn bất lợi và nếu chỉ đầu tư trong khoảng thời gian quá ngắn 2 - 6 tháng thì rất khó hồi phục vì giá thép đang đi xuống. “Khi đầu tư vào các cổ phiểu ngành có chu kỳ, cần hiểu và kiên nhẫn, xác định nếu không né được chu kỳ thì phải cần thời gian dài, hơn 1 năm nữa mới có thể thấy ngành thép quay trở lại như trước đây. Đấy là thử thách rất nhiều với nhà đầu tư”, ông Long nói.

Gần 25 tỷ USD “bốc hơi” khỏi sàn HoSE, Chủ tịch Hoà Phát rớt hạng top người giàu
Với mức giảm 146,5 điểm, tương đương hơn 11% của VN-Index, chứng khoán Việt Nam có tuần giao dịch thuộc nhóm tiêu cực nhất thế giới. Thanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư