Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giảm lãi suất, chờ sau Tết
 
Lãi suất huy động của một loạt ngân hàng lớn đã được điều chỉnh tăng trong 2 tuần qua để hút vốn cho mùa giải ngân đang đến. Vì vậy, kỳ vọng hạ lãi suất cho vay có lẽ phải chờ qua Tết Nguyên đán.
BAOVIET Bank vừa tung ra một loạt chương trình khuyến mại tiết kiệm
BAOVIET Bank vừa tung ra một loạt chương trình khuyến mại tiết kiệm

Biến động nhất thời

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đối với các giao dịch bằng VND từ ngày 13 - 17/11, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn so với tuần trước đó. Cụ thể: lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,24%/năm, 0,22%/năm và 0,25%/năm, lên mức 1,15%/năm, 1,25%/năm và 2,04%/năm.

Tình hình diễn ra cũng khá tương tự đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng so với tuần trước. Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,02%/năm, 0,01%/năm và 0,02%/năm, lên mức 1,26%/năm, 1,34%/năm và 1,66%/năm.

Một thông tin đáng chú ý, sau 2 tháng trầm lắng, NHNN đã bơm mới 20,6 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO), trong khi không có lượng vốn đáo hạn nào. Qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 1.900 tỷ đồng tín phiếu mới, trong khi lượng vốn đáo hạn trong tuần là 12.205 tỷ đồng. Như vậy, tuần vừa qua, NHNN đã bơm ròng 10.305 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 10.325,6 tỷ đồng vào thị trường.

Các diễn biến trên cho thấy, thanh khoản hệ thống đang eo hẹp hơn so với các tuần trước đó. Và số liệu trên cũng khá tương đồng với dự báo của BIDV là thanh khoản thị trường trong tháng 11 bớt dồi dào hơn. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dự kiến tăng nhẹ, dao động chủ yếu quanh mức 1 - 2%/năm kỳ hạn 1 tuần.

Theo BIDV, diễn biến của thanh khoản VND trong tháng 11 sẽ chịu tác động chủ đạo bởi các yếu tố tạo áp lực tăng. Lãi suất liên ngân hàng, nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau phản ánh rõ tình hình thanh khoản trên thị trường và đây cũng là sự phản ánh tới lãi suất áp dụng cho khách hàng.

Về nguyên nhân lãi suất chịu áp lực tăng, BIDV cho rằng, do tín dụng dự kiến tăng trưởng tích cực hơn, thêm 1,8 - 2,0% trong tháng 11 nhờ nhu cầu cho vay sản xuất - kinh doanh thường gia tăng vào thời điểm cuối năm và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Lý do tiếp theo là dòng tiền của Kho bạc Nhà nước sẽ biến động thường xuyên hơn và có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới do tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn còn khá chậm và sẽ được đẩy nhanh hơn trong các tháng cuối năm.

Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 ước tăng 12% so với cuối năm 2016, trong khi đó, NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho đến cuối tháng 10 là 13,66%.

Các ngân hàng rục rịch vào “mùa”

Những diễn biến trên thị trường tiền tệ tháng 11 như trên không ngoài dự đoán từ trước, bởi xu hướng tăng lãi suất, giảm thanh khoản cuối năm đã thành quy luật. Chính vì vậy, diễn biến tăng lái suất huy động của đồng loạt các ngân hàng không được chú ý nhiều bởi có tính “mùa vụ” nhiều hơn.

Mức tăng lãi suất huy động của ngân hàng cũng tăng không lớn, chẳng hạn VietinBank nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng lên mức 5,8%/năm (trước đó là 5,5 - 5,7%); kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm và mức lãi suất cao nhất là 7%/năm đối với kỳ hạn trên 36 tháng.

Tại BIDV các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm - tương đương với kỳ hạn 6 tháng. Còn kỳ hạn 9 tháng trở lên áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.

Một loạt ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ không chỉ tăng lãi suất mà còn tung khá nhiều chương trình khuyến mại tiết kiệm. Tại BAOVIET Bank áp dụng tặng phiếu mua hàng theo từng mức gửi tiền, hoặc có thể tham gia tiết kiệm dự.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc khối nguồn vốn một ngân hàng nhận định, việc các ngân hàng tung các chương trình khuyến mãi hay tăng lãi suất huy động cũng là việc bình thường, bởi thời điểm này bắt đầu vào “vụ” kinh doanh cao điểm nhất trong năm. Theo đó, tùy theo nhu cầu nội tại đến đâu, các ngân hàng sẽ triển khai các hoạt động tương ứng phục vụ nhu cầu trong từng giai đoạn nhất định.

Hạ lãi suất cần chờ sau Tết

Thực ra, xu hướng lãi suất sẽ theo chiều giảm sau Tết, trừ một số ngân hàng bị hụt thanh khoản cần tăng cường huy động để hút lại nguồn tiền gửi. Do vậy, việc hạ lãi suất cho vay sẽ “tự động” diễn ra. Tuy nhiên, diễn biến đầu năm 2018 có thể sẽ khác đôi chút cho định hướng tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng như lãi suất nói riêng, hệ thống ngân hàng luôn luôn phải làm sao để giảm các chi phí cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, đấy là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, cụ thể về vấn đề lãi suất thì lãi suất ở Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan hệ cung cầu vốn ở trên thị trường và tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô và các yếu tố khác có liên quan như chính sách điều hành tỷ giá, tình hình an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

“Nhưng quan điểm xuyên suốt của Chính phủ và của NHNN là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát, giữ được lạm phát ở mức thấp. Đây là cơ sở quan trọng nhất để có thể giảm được lãi suất cho vay. Ngoài ra, trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, phối hợp để thực hiệc việc điều tiết các công cụ chính sách trên thị trường nhằm đảm bảo được thanh khoản của thị trường ngân hàng, giữ ổn định thanh khoản, qua đó giữ ổn định được lãi suất và góp phần giảm được lãi suất cho vay”, Thống đốc nói.

Thống đốc cho biết thêm, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hoạt động kinh doanh phải tập trung vào việc tiết giảm chi phí để qua đó giảm được chi phí cho vay trong nền kinh tế và đồng thời với việc đó, các TCTD phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đạt được kết quả tốt về xử lý nợ xấu thì góp phần giảm bớt những tài sản không sinh lời trong hệ thống TCTD, qua đó cũng trực tiếp góp phần giảm lãi suất cho vay. Việc quan trọng nhất nữa cũng phụ thuộc vào điều kiện cung ứng vốn ở trên thị trường.

“Chúng tôi cho rằng, với điều hành chung về vĩ mô của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như điều hành tiền tệ của NHNN thì có thể thực hiện được việc giữ ổn định được lãi suất và giảm được lãi suất cho vay trong thời gian tới”, Thống đốc nhấn mạnh.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, từ năm 2011 đến năm 2016, lãi suất huy động giảm từ 7 - 10%, lãi suất cho vay còn giảm mạnh hơn, từ 10 - 11%; qua đó góp phần giữ ổn định được mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay, vì lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực còn cao.

Lãi suất cho vay trung - dài hạn, lĩnh vực ưu tiên hiện nay, các ngân hàng áp dụng chỉ khoảng 8%/năm, những lĩnh vực cho vay bình thường khác khoảng 9 - 10%/năm, cá biệt một số lĩnh vực rủi ro cao, kỳ hạn cho vay dài thì lãi suất có cao hơn, nhưng mặt bằng bình quân trung - dài hạn từ 9 - 10%/năm.

“Muốn hạ lãi suất nữa có lẽ phải đợi qua Tết Nguyên đán mới tính được”, vị tổng giám đốc nói.

Lãi suất cho vay mới nhúc nhắc giảm
Với chủ trương chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngành ngân hàng đang từng bước cắt giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào vẫn cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư