Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giảm nghèo bằng “cả trí tuệ và trái tim”
Nhuệ Mẫn - 18/12/2020 10:01
 
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim.

Nhấn mạnh tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 10,6 triệu lượt khách hàng, với tổng doanh số 316.535 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 10,6 triệu lượt khách hàng, với tổng doanh số 316.535 tỷ đồng.

“Giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời cảm ơn tới “các đồng chí đang ngày đêm làm việc để người dân nghèo có thể chữa bệnh, cải thiện thu nhập, để các em bé nghèo có thể đến trường, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với các góc độ khác nhau.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam thành một quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí. Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo, “ly nông bất ly hương”.

“Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội là kênh quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn miền núi. Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vì thành tích quan trọng trong xóa đói giảm nghèo”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Quả vậy, để thực hiện các chủ trương giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó có chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Đến ngày 30/11/2020, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 233.456 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 225.377 tỷ đồng, tăng 82.849 tỷ đồng so với đầu năm 2016, với gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, những việc đã làm được tuy là điểm sáng trên thế giới, nhưng còn khiêm tốn và vẫn còn những thách thức.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 10,6 triệu lượt khách hàng, với tổng doanh số cho vay đạt 316.535 tỷ đồng. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội.

Song Thủ tướng Chính phủ cho biết, những việc đã làm được tuy là điểm sáng trên thế giới, nhưng còn khiêm tốn và vẫn còn những thách thức. “Là một quốc gia mà hậu quả của chiến tranh đối với con người vẫn còn rất nặng nề, lại là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là thách thức lớn đối với tất cả chúng ta”, Thủ tướng nêu rõ.

Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời…

Từ đầu năm đến nay, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, các tổ chức quốc tế đã cảnh báo những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững bị gián đoạn. Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Tổ chức Oxfam ước tính, Covid-19 khiến nửa tỷ người, trên 8% dân số thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.

Nhà ở phòng, tránh lũ - "đai an toàn" cho giảm nghèo bền vững ở miền Trung
Giữa cảnh nhà cửa bị lũ lụt cuốn trôi, vẫn có không ít ngôi nhà an toàn. Đó là những ngôi nhà được cất lên theo chính sách hỗ trợ người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư