Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giành lại “miếng bánh camera” tỷ USD
Hữu Tuấn - 03/12/2022 10:24
 
Thị trường camera Việt Nam có quy mô hàng tỷ USD, nhưng các nhà cung cấp nước ngoài đang chiếm tới 90% thị phần…
Thị trường camera Việt đang sơ khai, dư địa rất lớn. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường nằm trong tay khối ngoại

Theo TelecomDaily, Việt Nam lọt top 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng camera an ninh công cộng đang hoạt động, với tổng số 2,6 triệu chiếc (bình quân cứ 1.000 dân thì có khoảng 27,2 chiếc camera được lắp đặt bằng kinh phí của Nhà nước). Với doanh nghiệp và người dân, nhu cầu camera lớn hơn rất nhiều, ước đạt hơn 150 triệu camera.

Việt Nam nhập khẩu 5-6 triệu camera mỗi năm, thị trường đang sơ khai, dư địa rất lớn. “Miếng bánh là rất lớn, đủ cho nhiều doanh nghiệp tham gia, vấn đề là doanh nghiệp Việt giành được bao nhiêu phần trăm trong đó”, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology) băn khoăn.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav cho biết, thị trường camera Việt Nam có giá trị lên tới cả tỷ USD. Riêng nhu cầu camera trong năm 2021 đã lên tới 4 triệu chiếc.

Mặc dù nhu cầu, tiềm năng lớn như vậy, song thị trường camera Việt Nam đang nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài, với hơn 90% thị phần.

Báo cáo của MobiFone Global cho biết, tại Việt Nam, hầu hết thiết bị camera được cung cấp bởi các nhà cung cấp nước ngoài, dữ liệu truyền tải về server quản trị tại nước ngoài, 30% số lượng camera hiện tại có nguy cơ mất an ninh, rò rỉ dữ liệu. Một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud kết nối về server đặt tại nước ngoài và người dùng ở Việt Nam phải ‘vòng’ qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.

Tại Tọa đàm “Tiêu chuẩn nào cho camera make in Vietnam?” diễn ra mới đây, câu chuyện sản xuất camera cạnh tranh với hàng nhập khẩu được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Doanh nghiệp Việt đang đối mặt với 3 khó khăn lớn: cạnh tranh gay gắt của các đối thủ từ Trung Quốc đang chiếm thị phần rất lớn, giá sản phẩm rất rẻ; niềm tin vào sản phẩm Việt Nam từ người tiêu dùng chưa cao và chưa có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi hợp lý cho sản xuất camera trong nước.

Giành lại “miếng bánh” tỷ USD

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Lumi Việt Nam, chỉ xét về giá, các sản phẩm camera của doanh nghiệp trong nước chưa cạnh tranh được với camera của Trung Quốc. Tuy nhiên, sản phẩm trong nước có thêm những tính năng đặc thù, như camera của Bkav có tính năng AI, Lumi cung cấp một giải pháp tổng thể trong đó có tích hợp camera. “Có nhiều cách để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, chứ không chỉ là tìm cách tối ưu giá thành sản phẩm”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Trong khi đó, ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc Bộ phận Sản phẩm Bkav AI View cho rằng, dữ liệu cá nhân trong camera vô cùng quan trọng, nếu bị lộ lọt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự riêng tư của người dùng. Vì vậy, Bkav đặt ra mục tiêu là sản phẩm dễ dùng, nhưng phải an toàn.

“Doanh nghiệp nước ngoài thường xây dựng hệ thống camera chung, nhưng không nghiên cứu sâu về thói quen sử dụng của người Việt Nam. Phần cài đặt thường được giao phó cho đội ngũ triển khai. Các công ty này thường không có cách kiểm soát chất lượng sau khi bán hàng. Hãng ở nước ngoài, nên khi có vấn đề xảy ra, rất khó khăn trong quá trình khắc phục”, ông Hà nêu thực tế.

Có một điểm yếu mà nếu khắc phục được, doanh nghiệp trong nước sẽ cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại là chăm sóc, hỗ trợ khách hàng tại chỗ. Doanh nghiệp sản xuất camera phải nhìn nhận một cách dài hạn, không chỉ là bán một sản phẩm phần cứng là xong, mà cần quan tâm hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng. Những điều này chỉ có các doanh nghiệp trong nước mới thực hiện được và đó cũng là thế mạnh của sản phẩm camera “make in Vietnam”.

Ông Khương Duy, Giám đốc Trung tâm Camera của Viettel High Tech khẳng định, Viettel High Tech không tập trung vào cuộc chiến về giá, giá trị mang lại không chỉ là bản thân sản phẩm camera, mà là cả một giải pháp, nền tảng, hệ sinh thái cho người dùng. Đặc biệt, Công ty tập trung vào tính năng an toàn cho người dùng cá nhân, bảo mật an toàn trong xây dựng giao thông thông minh, đô thị thông minh, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…

Theo ông Hoàng Quốc Huy, Phó tổng giám đốc MobiFone Global, camera Trung Quốc được sản xuất với số lượng lớn, nên giá bán rẻ, nhưng sản phẩm trong nước vẫn cạnh tranh được. Camera cũng gần giống một dịch vụ viễn thông, cần có đường truyền kết nối, lưu trữ trên cloud... và đây là thế mạnh của các nhà mạng. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ không có được sự kết nối với các nhà mạng như các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước.

“Việt Nam nên xây dựng tiêu chuẩn chung để tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất camera. Các doanh nghiệp ngoại khi thâm nhập thị trường trong nước phải tuân theo các tiêu chuẩn này, như phải lưu trữ dữ liệu, đặt server trong nước”, ông Huy kiến nghị.

Ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Pavana đề nghị, Nhà nước cần có các chính sách đồng bộ về thuế, hỗ trợ vốn và các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, hiện camera nhập khẩu nguyên chiếc có mức thuế nhập khẩu là 0%, trong khi doanh nghiệp Việt nhập khẩu linh kiện về để sản xuất phải chịu thuế cao, có linh kiện lên tới 25%.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó tổng giám đốc VNPT Technology cũng khuyến nghị, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm sản phẩm camera, cần có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cơ chế thuế nhập khẩu cho những linh kiện mà Việt Nam chưa sản xuất được, để các sản phẩm trong nước cạnh tranh một cách công bằng với các sản phẩm nhập ngoại.

Được biết, các doanh nghiệp Việt đang xúc tiến thành lập Liên minh Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị camera “Make in Vietnam”, với mục đích tận dụng thế mạnh của nhau, sản xuất quy mô lớn hơn để giảm chi phí cho người dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp hợp tác liên kết sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trong nước, tạo bàn đạp để vươn ra thị trường nước ngoài.

Thị trường camera giám sát ở Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn, với mức tăng trưởng kép khoảng 20%. Tỷ lệ thâm nhập camera ở Việt Nam hiện ở khoảng 3 camera/100 dân, trong khi Trung Quốc là 14,36/100, Mỹ 15,28/100… Ước tính đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 15 triệu camera công cộng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư