Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Giao dịch ảm đạm bất chấp kỳ cơ cấu danh mục ETF, VN-Index "bốc hơi" gần 10 điểm
Thanh Thuỷ - 01/11/2024 16:08
 
VN30 chìm trong sắc đỏ. Không riêng các cổ phiếu vốn hoá lớn, số mã giảm giá lớn gần gấp đôi số mã tăng trong phiên. Cả ba chỉ số chứng khoán biến động tiêu cực ngay đầu tháng 11 với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Sắc đỏ áp đảo trong phiên 1/11
Sắc đỏ áp đảo trong phiên 1/11.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, nhà đầu tư đón nhận thông tin chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của Việt Nam vượt trên 51 điểm, phản ánh sự tăng trưởng trở lại của ngành sản xuất Việt Nam sau bão Yagi. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường chứng khoán trong phiên 1/11 lại không cho thấy sự tích cực. Các chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu chìm trong sắc đỏ như ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ… Trong khi đó, nhóm bất động sản và dầu khí đóng vai trò nâng đỡ thị trường ở đầu phiên.

Những sự nâng đỡ từ một vài cổ phiếu đơn lẻ không đủ để dòng tiền lan tỏa đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác. Thay vào đó, áp lực bán dần dâng cao và khiến thị trường chung biến động tiêu cực hơn, đặc biệt là trong phiên chiều. 

Giao dịch trên thị trường diễn ra ảm đạm dù đây là phiên các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN Diamond và VNFIN Lead sẽ hoàn tất giao dịch trong kỳ cơ cấu cuối năm vốn sẽ giao dịch mạnh vào phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC). Nhà đầu tư thận trọng và chờ đợi phản ứng của thị trưởng ở vùng này.

Trong nhóm VN30 phiên hôm nay chỉ có 3 mã tăng giá trong khi có đến 25 mã giảm giá và 2 mã chứng khoán đứng giá tham chiều. Trong đó, POW, MSN, ACB, GVR, MBB… đều giảm rất mạnh trong phiên hôm nay và đa phần đều thuộc diện bị các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN Diamond bán ra. MSN giảm 2,74% và lấy đi của VN-Index 0,77 điểm. GVR giảm 1,82% và cũng lấy đi 0,58 điểm của chỉ số này.

Đáng chú ý, MWG dù được thêm vào danh mục chỉ số VN Diamond và được quỹ DCVFMVN Diamond ETF mua mạnh nhưng vẫn giảm 0,75% ở phiên hôm nay. Riêng phiên ATC, MWG khớp lệnh đến 16,35 triệu đơn vị trong khi cả phiên giao dịch khớp lệnh được hơn 21,3 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, 3 cổ phiếu tăng giá trong VN30 là SSB, BVH và SAB. Trong đó, SSB tăng 2,4% và là cổ phiếu có đóng góp nhiều nhất trong việc nâng đỡ VN-Index với 0,27 điểm. NLG bật tăng mạnh 2,13%, cổ phiếu này nằm trong diện được quỹ DCVFMVN Diamond ETF mua khá mạnh ở kỳ cơ cấu lần này. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bất động sản như HDG, DXG, QCG… cũng tăng giá khá tốt ở phiên này.

Loạt cổ phiếu vốn hoá lớn kéo lùi chỉ số VN-Index.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,59 điểm (-0,76%) xuống 1.254,89 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 289 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,42%) xuống 225,41 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 106 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,45%) xuống 91,96 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 581 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 14.790 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chiếm 1.200 tỷ đồng. Như vậy, giá trị khớp lệnh ở phiên hôm nay đạt 13.590 tỷ đồng, tăng 23% so với phiên trước. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt là 614 tỷ đồng và 587 tỷ đồng.

Khối ngoại nối dài chuỗi mua ròng.

Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng với hơn 300 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, dòng vốn này tiếp tục bán ròng mạnh nhất mã MSN với 252 tỷ đồng. VHM và KDC bị bán ròng lần lượt 164 tỷ đồng và 101 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VPB được mua ròng mạnh nhất với 196 tỷ đồng. TCB và MWG được mua ròng lần lượt 144 tỷ đồng và 108 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần 28/10 -1/11: Nhịp điều chỉnh có thể còn tiếp diễn
Chỉ số Vn-Index đánh mất xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8/2024 ở khu vực 1.280 điểm là dấu hiệu đáng chú ý. Nhịp điều chỉnh có thể còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư