Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán “dè chừng” trước những ẩn số trong tháng 11
Thanh Thủy - 01/11/2024 10:35
 
Bước sang tháng 11 với nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, tỷ giá được dự báo là biến số khó lường và có những ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cùng dòng vốn đầu tư.
Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận tháng bán ròng mạnh nhất trong 4 tháng qua. Ảnh: Đức Thanh

Khối ngoại nối dài điệp khúc bán ròng

Phiên giao dịch ngày đánh dấu một phiên bán ròng mạnh tay của khối ngoại. Hơn 300 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) từ Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã sang tay các nhà đầu tư nội chóng vánh.

Quyết định của đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp bất thường hồi giữa tháng 6/2024, với tỷ lệ tán thành hơn 75% lượng cổ phần tham gia biểu quyết, đã thông qua đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%. Động thái này dù hạn chế khả năng CBA bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng sức mua của nhà đầu tư nội đã hấp thụ toàn bộ. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng giao dịch bán cổ phần VIB đã giúp khối ngoại, chủ yếu là CBA, thu ròng gần 8.100 tỷ đồng. Phiên giao dịch trên cũng đưa VIB vọt lên vị trí thứ hai trong danh mục cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất từ đầu năm, chỉ đứng sau cổ phiếu VHM của Vinhomes.

Giá trị bán ròng tăng vọt khiến tháng 10 trở thành tháng bán ròng mạnh nhất trong 4 tháng trở lại đây. Tính từ đầu năm đến nay, trừ tháng đầu năm mua ròng nhẹ, điệp khúc “khối ngoại bán ròng” liên tục được đưa ra trên các mặt báo, diễn đàn. Từ tháng 5/2024, khối ngoại đã liên tục giảm mức bán ròng hàng tháng, nhưng xu hướng này đã không thể nối dài. Nếu loại trừ 5.400 tỷ đồng giá trị bán ròng riêng giao dịch cổ phiếu VIB nêu trên, thì lượng tiền thu về từ bán vốn cổ phần của nhà đầu tư ngoại vẫn gấp 1,6 lần tháng liền trước, chủ yếu nhờ thoái cổ phiếu nhóm tài chính như HDB, SHS, MSB, VHM.

Trong khi đó, dòng tiền giải ngân của khối ngoại tháng 10 chỉ tập trung vào một vài mã chứng khoán, đứng đầu là TCB với mức mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng, cùng FPT và MWG (đều khoảng 300 tỷ đồng).

Khối ngoại bán ròng, dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng giảm sâu. Thanh khoản có nhiều phiên ảm đạm, thậm chí xuất hiện những phiên có giá trị giao dịch dưới 10.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Chỉ số chứng khoán diễn biến giằng co với các phiên tăng - giảm đan xen.

Nhịp điều chỉnh của thị trường xuất hiện trong trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước áp lực tỷ giá gia tăng. Chỉ số US Dollar Index (DXY) ngày 23/9 về sát mốc 100 điểm, nhưng có thời điểm leo lên 104,6 điểm và vẫn hiện vững vàng trên mốc 104 điểm, chủ yếu do chính sách tiền tệ phân kỳ giữa các quốc gia lớn cùng kỳ vọng nhà đầu tư trước động thái của các ngân hàng trung ương. So với thời điểm đầu năm, tỷ giá VND/USD tại Vietcombank đến cuối tháng 9 mới tăng 1,3%, nhưng đến nay đã tăng tới 4,25%. Áp lực tỷ giá tăng buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những động thái đối phó kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên, qua đó thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD để hỗ trợ tỷ giá.

Những ẩn số tháng 11

Mối tương quan giữa diễn biến tỷ giá và biến động trên thị trường chứng khoán cũng đã từng được ghi nhận ở giai đoạn thị trường điều chỉnh và đi ngang trong giai đoạn giữa năm nay khi Chỉ số DXY có thời điểm vọt lên 106 điểm. Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số (Chứng khoán VPBank), tỷ giá là một yếu tố mà các nhà đầu tư nên quan tâm, bởi nó phản ánh tất cả câu chuyện về lạm phát, chênh lệch lãi suất và dòng tiền.

Chỉ số DXY có khả năng tăng mạnh trong trường hợp ông Trump trúng cử Tổng thống, như điều tương tự đã xảy ra năm 2016.

Tuy vậy, USD và diễn biến tỷ giá là biến số khó lường khi đứng trước loạt sự kiện quan trọng trong tháng 11. Ba ngân hàng trung ương lớn sẽ đưa ra quyết định lãi suất trong ngày 7/11, gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank). Giới đầu tư vẫn đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ hạ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế còn cập nhật trong một tuần tới.

Cùng với đó, tuần đầu tiên của tháng 11 cũng là giai đoạn chạy “nước rút” tăng tốc của hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Thông thường, nếu tỷ lệ thắng rõ ràng, kết quả có thể có chỉ vài ngày sau bầu cử (ngày 5/11). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Đức, cuộc bầu cử năm nay có thể là một trong những cuộc bầu cử sát sao nhất của nước Mỹ. Do đó, rất có thể phải đến giữa tháng 11 hoặc đầu tháng 12 mới có được kết quả cuối cùng.

Vị chuyên gia từ VPBankS cho rằng, Chỉ số DXY có khả năng tăng mạnh trong trường hợp ông Trump trúng cử Tổng thống, như điều tương tự đã xảy ra năm 2016. Xu hướng bứt lên của Chỉ số DXY gần đây cũng xảy ra khi ông Trump có phần áp đảo hơn trong cuộc bầu cử.

Áp lực USD mạnh xuất hiện trong giai đoạn nhu cầu ngoại tệ trong nước cao hơn trong quý cuối năm. Thông thường, nhu cầu nhập khẩu tăng trong quý IV. Ngoài ra, cũng sẽ có khoản trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào giữa tháng 11 này.

Các số liệu về giá trị xuất nhập khẩu và tình hình giải ngân vốn FDI sẽ được Tổng cục Thống kê công bố chính thức vào ngày 6/11 trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10.

Các chuyên gia phân tích từ SSI Research cũng đánh giá, áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn là có. Nguyên nhân là quy mô thị trường ngoại hối của Việt Nam chưa đủ lớn, trong khi áp lực từ bên ngoài vẫn khá cao. Tuy nhiên, nhiều khả năng, tình hình sẽ ổn định dần vào cuối năm, khi các yếu tố khó lường như bầu cử tại Mỹ, định hướng chính sách của Fed được phản ánh đầy đủ vào biến động của Chỉ số DXY. Về các yếu tố nội tại, kỳ vọng về FDI giải ngân tích cực hay lượng kiều hối khả quan sẽ là nguồn cung ngoại tệ giúp tỷ giá được ổn định trong nửa cuối quý IV/2024.

Đề xuất luật hóa 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán
Hành vi thao túng và vi phạm công bố thông tin giao dịch của người nội bộ được cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung vào "Các hành vi bị nghiêm cấm"...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư