Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất có thời hạn 5 năm
T.T - 14/05/2022 19:20
 
Nội dung được Bộ Công Thương đưa tại dự thảo bổ sung quy định "Thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp".
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2017/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định "Thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp" như sau:  

Giấy phép cấp mới và cấp điều chỉnh có thời hạn hiệu lực là 5 năm kể từ ngày cấp.

Thời hạn của Giấy phép cấp lại bằng thời hạn còn lại của Giấy phép đã cấp.

Đối với việc phân loại và ghi nhãn hóa chất, dự thảo nêu rõ: Việc ghi nhãn hóa chất được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Nhãn hóa chất bao gồm các nội dung sau: Tên hóa chất; mã nhận dạng hóa chất (nếu có); hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ (nếu có); biện pháp phòng ngừa (nếu có); định lượng; thành phần hoặc thành phần định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng (nếu có); tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hóa chất; xuất xứ hóa chất; hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Dự thảo quy định, trước ngày 15/02 hàng năm, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của năm trước thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.

Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất hoặc chấm dứt hoạt động hóa chất đến Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất và khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Trước ngày 01/3 hàng năm, Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo công tác quản lý hóa chất và tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.

Cục Hóa chất là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương thực hiện quản lý hoạt động hóa chất.

Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung quản lý thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công Thương như: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp của tổ chức, cá nhân; tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế. Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền Cục trưởng Cục Hóa chất cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp…

Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị; thẩm định hồ sơ; cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp của tổ chức, cá nhân.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư