Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Gìn giữ, phát triển kỹ thuật vẽ sáp ong của người Dao Tiền Tuyên Quang
Hạnh Phúc - 01/12/2023 15:42
 
Lâm Bình và Na Hang là hai huyện vùng cao thuộc tỉnh Tuyên Quang, có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Dao Tiền vẫn giữ được truyền thống và bản sắc riêng, trong đó phải kể đến kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải.

Đến Lâm Bình và Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, du khách không khỏi trầm trồ với những trang phục được in, thêu tỉ mỉ, tinh tế. Trong đó, trang phục của phụ nữ người Dao Tiền được in hoa văn bằng sáp ong vô cùng ấn tượng và độc đáo. 

Việc bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm, kỹ thuật in hoa văn lên vải bằng sáp ong truyền thống, không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo điều kiện tích cực cho huyện Na Hang và Lâm Bình phát triển du lịch.

Đồng bào Dao Tiền nơi đây đã và đang giữ gìn và phát triển nghệ thuật vẽ họa tiết trên vải bằng sáp ong. Đầu tiên, tấm vải được là phẳng để khi in, sáp ong sẽ ngấm đều và đẹp, không bị loang. Xưa kia, khi chưa có các sản phẩm hiện đại hỗ trợ, đây là công đoạn vất vả nhất, người Dao Tiền dùng miếng đá phẳng mịn cả hai mặt đặt tấm vải trắng lên và dùng nanh lợn là thật nhẵn và láng bóng miếng vải.

Tiếp đến là công đoạn đun sáp ong, nghe thì đơn giản, nhưng khi đun phải hết sức chú ý. Sáp ong được đun lên phải có độ loãng vừa phải, nếu loãng quá thì khi in hoa văn lên vải sẽ bị nhòe, còn đặc quá thì sáp không ăn vào vải. Sau khi có được dung dịch sáp ong vừa ý, người phụ nữ sẽ bắt đầu vẽ.

Dụng cụ để vẽ sáp ong gồm: Dụ pơi (một que tre nhỏ được vót nhọn đầu), vè (một que tre nhỏ gắn thanh sắt nhỏ tạo hình chữ, chùn thố (2 ống tre to và nhỏ) và phong tháo (một que tre nhỏ được gắn sắt ở đầu). 

Trước tiên, đồng bào dùng vè để tạo hình tam giác trên tấm vải, sau đó dùng dụ pơi chấm phía trong tam giác; phong tháo dùng để tạo các đường viền của các hình tam giác nhọn và chùn thố dùng để chấm hình đồng tiền xu. Đây là bước sau cùng để hoàn chỉnh bộ hoa văn trước khi miếng vải được nhuộm chàm.

Những họa tiết trang trí được người Dao Tiền sử dụng trên trang phục của mình thường chia làm 6 dạng mô típ: Chùn thốp (hoa văn hình đồng xu), Chùn Heng (hoa văn kẻ ngang), Chùn chủn (hoa văn các hình chữ nhật xếp chồng vào nhau), Sà Pjơi (hoa văn hình chữ nhật có vạch kẻ bên trong), Chùn chjao (hoa văn sóng nước màu trắng), Chùn Meng (hình sóng nước màu chàm). Hoa văn này được sử dụng để tạo hình trên váy, nó thể hiện niềm mong ước của dân tộc Dao Tiền về sự thịnh vượng, mong muốn cuộc sống no đủ, tốt đẹp hơn. Một số phụ nữ cho biết những hình tròn tượng trưng cho núi non.

Sau khi vẽ xong, chờ sáp ong khô rồi mới đem tấm vải đi nhuộm chàm nhiều lần (từ 4 đến 5 lần) để ra được màu chàm như ý. Sau đó, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi khiến cho sáp ong tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Một mảnh vải nhuộm chàm, in sáp ong, người phụ nữ Dao cần khoảng 10 ngày cho tất cả các công đoạn. Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao Tiền sử dụng để khâu váy. Chiếc váy màu chàm với các họa tiết hoa văn đã tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của phụ nữ Dao Tiền.

Để tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của kỹ thuật in hoa văn trên vải của đồng bào Dao Tiền, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Na Hang đã thường xuyên tổ chức các lớp học dạy dệt vải, chấm sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục của người Dao tiền.

Trong thời gian 8 ngày (từ ngày 16 đến ngày 23/11), 30 học viên nữ là người Dao tiền tại xã Hồng Thái (Na Hang) đã được dạy kỹ thuật dệt vải, chấm sáp ong và thêu hoa văn trên các trang phục truyền thống... Hình thức truyền dạy theo phương pháp cầm tay chỉ việc. 

Việc mở lớp truyền dạy giúp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương. Từ đó tạo thêm thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao tiền đến du khách trong nước và quốc tế.

Ông Hồ Đào (dân tộc Dao Tiền), hộ kinh doanh dịch vụ du lịch hometay ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết: “Hồng Thái có điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, những cánh đồng bậc thang, những vườn lê trĩu quả cùng với những đồi chè Shan tuyết cổ thụ, đặc biệt đó là bản sắc văn hóa của đồng bào Dao Tiền.

Để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với xã Hồng Thái, chúng tôi tích cực tuyên truyền vận động người dân trong thôn, xã giữ gìn cảnh quan, bảo vệ hệ thống ruộng bậc thang tránh phá vỡ không gian tham quan. Đặc biệt giữ gìn nét văn hóa trong trang phục truyền thống của dân tộc, làn điệu Páo dung, các món ăn truyền thống.”

Trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương, chúng tôi luôn chú trọng gìn giữ văn hóa các dân tộc. Đồng bào các dân tộc chính là người triển khai các mô hình homestay, tạo không gian để đón tiếp du khách, tham gia các lớp tập huấn đón tiếp khách du lịch với chính các sản phẩm du lịch bắt nguồn từ nét đặc sắc văn hóa của người dân tộc. Từ đó, du khách khi đến với Hồng Thái sẽ được trải nghiệm và khám phá những nét đặc sắc địa phương.

Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025 đón hơn 350.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 430 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng hơn 5.600 lao động. Các sản phẩm du lịch mới được quảng bá đang góp phần đưa hình ảnh Tuyên Quang đến gần hơn với người dân cả nước.

Con theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Hiền, để bảo tồn trang phục truyền thống trước nguy cơ mai một, thời gian qua chính quyền địa phương, đoàn thể cùng sự quyết tâm nỗ lực của đồng bào, đã đang và làm sống lại nghề. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các nghệ nhân, tổ chức các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm. Qua lớp học, các em được hướng dẫn thực hiện thành thạo nghề dệt, rèn kỹ năng thêu và cho ra các sản phẩm đẹp, chất lượng tốt hơn.

Những sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống của các dân tộc huyện Lâm Bình luôn là món quà thú vị với du khách gần xa khi đến với vùng đất này. Bên cạnh đó, hàng năm huyện Lâm Bình còn tổ chức các cuộc thi dệt thổ cẩm để nâng cao tay nghề, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Việc bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm, kỹ thuật in hoa văn lên vải bằng sáp ong truyền thống, không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo điều kiện tích cực cho hai huyện Na Hang và Lâm Bình phát triển du lịch cũng như tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào Dao Tiền và các dân tộc khác trên địa bàn huyện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư