Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Gỡ rào chắn cho Hệ thống thu phí tự động không dừng - ETC
Bảo Như - 18/02/2020 09:18
 
Chỉ còn khoảng 40 ngày nữa, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) thời gian qua, cũng như đề xuất một kế hoạch hành động mới để đến cuối năm 2020, tất cả các trạm BOT đường bộ trên phạm vi cả nước đều có ETC.
.
Bộ Giao thông - Vận tải sẽ đề phải xuất kế hoạch hành động mới để đến cuối năm 2020, tất cả các trạm BOT đường bộ trên phạm vi cả nước đều có ETC..

Việc triển khai hệ thống ETC để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được cả Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ hết sức cần thiết, nhằm tạo sự minh bạch trong hoạt động thu phí, tạo sự thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội. Thế nhưng, tại các trạm BOT, nhiệm vụ này đã không thể hoàn thành vào ngày 31/12/2019.

Điều đáng quan tâm nữa là, các dự án thu phí tự động giai đoạn I (Dự án BOO1) và dự án thu phí tự động giai đoạn II (Dự án BOO2) xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng chậm được xử lý dứt điểm đã gây dư luận xấu đối với một chủ trương nhận được sự đồng thuận rất cao của Chính phủ và người dân.

Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ của Thủ tướng giao, thậm chí có thái độ thiếu hợp tác, một kế hoạch cho thu phí ETC có tính khả thi cao với những giải pháp đúng, trúng để tháo gỡ các trở lực đang là yêu cầu cấp bách đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó trực tiếp là Bộ GTVT.

Bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành trong việc thiết lập các hệ thống thu phí tự động không dừng, sự thành bại của thu phí ETC còn phụ thuộc rất nhiều vào các chủ xe - những người về lý thuyết được hưởng lợi nhiều nhất.

Mặc dù công tác tuyên truyền đã được làm thường xuyên, nhà đầu tư dự án đã quan tâm hỗ trợ chủ phương tiện dán thẻ miễn phí, nhưng đến cuối tháng 12/2019, số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng trên cả nước mới đạt 900.000 thẻ/3,5 triệu xe ô tô - chủ yếu là chủ xe vận tải hàng hóa và hành khách. Trong khi đó, một khi các chủ xe không dán thẻ sử dụng dịch vụ, không chuyển tiền vào tài khoản để thanh toán, thì việc bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để thiết lập hệ thống ETC cũng sẽ vô nghĩa.

Được biết, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương yêu cầu các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gương mẫu dán thẻ và tham gia dịch vụ thu phí không dừng đối với tất cả các phương tiện do mình quản lý. Đồng thời, tiến hành xử phạt xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí không dừng.

Ở chiều ngược lại, nhiều chủ doanh nghiệp có nhiều đầu xe cho rằng, họ đã phải nộp trước số tiền không nhỏ vào tài khoản, nhưng không được tính lãi suất. Hơn nữa, tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng, nên rất phi lý do khi chuyển khoản phải mất phí.

Một số chủ đầu tư BOT cũng đặt câu hỏi, tại sao không sử dụng ngay tài khoản giao dịch ngân hàng của chủ phương tiện để trừ phí giao thông? Làm được như vậy, tiền sẽ đi thẳng từ tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện vào tài khoản của chủ đầu tư BOT. Việc này vừa có lợi cho khách hàng, vừa có lợi cho chủ đầu tư. Khi muốn kiểm tra, chỉ cần in sao kê ngân hàng là biết được nguồn thu như thế nào.

Đây là những ý kiến từ thực tiễn mà các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, ngân hàng không thể bỏ qua.

Trên thực tế, ngoài việc thiếu sự đảm bảo phương án để thu phí ETC được đưa vào hợp đồng như một sự ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư, sự thất bại trong việc cụ thể hóa các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra còn xuất phát thói quen áp đặt sự lựa chọn của chủ đầu tư đối với người sử dụng dịch vụ. Tất cả khiếm khuyết đó đã tạo nên những rào chắn, khiến việc triển khai thu phí không dừng trong thời gian qua không nhanh, không tốt như kỳ vọng, đòi hỏi phái sớm có biện pháp tháo gỡ. Điều này là rất cần thiết, bởi chỉ khi người dân nhìn thấy lợi ích của mình từ một chính sách, thì chính sách đó mới có thể đi vào cuộc sống. Đây cũng là nguyên tắc không ngoại lệ đối với việc triển khai thu phí ETC thời gian tới.

Nặng gánh tài chính Dự án BOT Quốc lộ 19, doanh nghiệp dự án có thể phá sản
Mới qua chưa đầy một phần tư vòng đời, nhưng Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai đã thực sự trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư