Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
GS-TS Trần Ngọc Thơ: Đã đến lúc mở cửa trở lại?
Nguyễn Hồng - 15/09/2021 10:33
 
Nếu khả năng nhận thức và thực thi của cả hệ thống về mở cửa kinh tế còn bất cập, thì hãy còn quá sớm để nói vể mở cửa.

Sau thời gian dài giãn cách, người dân và doanh nghiệp đang mong chờ TP.HCM mở cửa, đưa nhịp sống hàng ngày quay trở lại sau ngày 15/9. Nhưng liệu đã đến lúc mở cửa trở lại chưa, mở ở mức độ nào để vừa đảm bảo an toàn sức khỏe và đi lại của người dân, vừa hỗ trợ phục hồi các hoạt động kinh tế? GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ quan điểm với Báo Đầu tư.

GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM).

Kế hoạch mở cửa trở lại sau ngày 15/9 của TP.HCM đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TP.HCM đưa ra 5 quan điểm, nguyên tắc và 3 giai đoạn mở cửa nền kinh tế sau ngày 15/9. Phân kỳ các giai đoạn với phương châm “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn” hầu như tóm gọn tất cả  thông điệp về lộ trình dần mở cửa kinh tế chẳng những của TP.HCM, mà còn là cách tiếp cận của nhiều nước. Trong bối cảnh dịch vẫn tồn tại, TP.HCM cũng xác định, có khả năng tiếp tục giãn cách xã hội phù hợp với diễn biến thực tế tại các địa bàn cùng với đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Chính phủ các nước ngày càng khuyến khích người dân quay trở lại nhịp sống hàng ngày và chuyển sang một nhịp sống bình thường mới. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo rằng, các chiến lược thoát khỏi đại dịch có thể còn quá sớm.

Vì sao lại quá sớm, thưa ông?

Ngay tại New Zealand, quốc gia mới tháng rồi còn có tham vọng zero Covid, 90% người được chính phủ nước này khảo sát cho biết, họ không kỳ vọng nhiều vào cuộc sống trở lại bình thường sau khi được tiêm đầy đủ vắc-xin. Lý do một phần là còn có quá nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp được về sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 và các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về những triệu chứng kéo dài với hàng trăm ngàn bệnh nhân nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Người dân cũng không chắc chắn về thời gian miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin và mức độ bảo vệ của chúng chống lại các biến thể.

Về tổng thể, ý tưởng về một kế hoạch phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM sau ngày 15/9 là cần thiết. Nhưng giống như một bức tranh, các chi tiết cụ thể, cái hay, dở bên trong mới nói lên được câu chuyện. Và đây là điều mọi người rất quan tâm.

Vậy theo ông, mối quan tâm lớn nhất là gì?

Các chuyên gia y tế cho rằng, một khi tất cả mọi người đủ điều kiện được tiêm phòng, xem như họ đã đặt xong bức tường của chính mình. Nhưng ở những quốc gia mà độ bao phủ vắc-xin quá thấp như Việt Nam, nhất là xét trên cả vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ bao phủ vắc-xin của TP.HCM và cả vùng giống như bức tường thiếu một số viên gạch, nên có thể sụp đổ dễ dàng.

Vắc-xin không loại trừ việc nhập viện và tử vong. Hoàn toàn không có khả năng miễn dịch cộng đồng và các ca lây nhiễm sẽ gia tăng ở những đối tượng chưa được tiêm chủng. Tỷ lệ lây lan theo cấp số nhân có nghĩa là các tỷ lệ phần trăm nhỏ có thể nhanh chóng mở rộng thành số tuyệt đối lớn. Khi vẫn còn nhiều nhóm người dễ bị tổn thương hoặc nhiều địa phương chưa tiếp cận được vắc-xin, thì không nên đặt ra những gì tạo ra kỳ vọng thái quá.

Người dân và doanh nghiệp TP.HCM đang mong Thành phố mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách.

Nhưng những dữ liệu gần đây đều cho thấy những diễn biến tích cực, nhất là số ca nhập viện, tử vong ở TP.HCM có xu hướng giảm?

Tôi đồng ý đây là điều tích cực và nếu mọi việc nằm trong tính toán, những tháng đầu năm 2022, người dân Thành phố có thể hân hoan đón chào Xuân mới đầy hy vọng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo, đối với biến thể Delta, mọi thứ đều là bất định.

Nếu khả năng nhận thức và thực thi của cả hệ thống về mở cửa kinh tế còn bất cập, thì hãy còn quá sớm để nói về mở cửa.

GS -TS Trần Ngọc Thơ

Vào giữa năm nay, nhà dịch tễ học của Đại học Imperial (Vương quốc Anh) Anne Cori đã trình bày mô hình dự báo tổng số ca tử vong do Covid-19 đến tháng 6/2022, cho thấy sai số lên đến gấp 10 lần từ khoảng 20.000 ca tử vong lên đến 200.000. Các ẩn số chính bao gồm hiệu quả của vắc-xin chống lại biến thể Delta và các biến thể mới khác, độ bền của khả năng miễn dịch do nhiễm virus và tiêm chủng, cách thức lây truyền của virus và mức độ mà mọi người duy trì các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sau khi nới lỏng các lệnh phong toả.

Có quá nhiều ẩn số khiến các mô hình dự báo luôn cho thấy sự không chắc chắn lớn (càng kinh khủng hơn nếu các dữ liệu đầu vào của dự báo là dữ liệu rác). Những cảnh báo của Anne Cori góp phần vào việc Chính phủ Anh trì hoãn lệnh dỡ bỏ phong toả cho đến một tháng sau đó (ngày 19/7).

Vậy phải nói gì với người dân và các doanh nghiệp về các bất trắc này, thưa ông?

Nhiều bất ổn và không chắc chắn xoay quanh các con số dự báo gợi ý cho nhà chức trách cách thức truyền đạt các bước nới lỏng phong toả một cách hiệu quả cho công chúng, sao cho người dân không chỉ nhận thức rằng, đây là một kế hoạch đã được suy nghĩ thấu đáo, mà còn không che giấu mức độ không chắc chắn hoặc khả năng cần phải sửa đổi nhanh chóng khi kế hoạch được thực hiện. Về mặt truyền thông, nhà chức trách nhất thiết phải phát triển các biện pháp thật cụ thể để cho phép công chúng theo dõi các tiến độ của các giai đoạn dần mở cửa nền kinh tế.

Ông có thể nói gì về khái niệm “mở cửa” kinh tế của TP.HCM?

Có thể về mặt ngữ nghĩa, “mở cửa” ở đây không có ý nghĩa như giai đoạn bình thường trước đây. Dẫu vậy, chúng vẫn có thể gây hiểu lầm rằng, chúng ta sắp tiến đến gần ngày có thể vào sân xem đội tuyển Việt Nam đấu với Trung Quốc vào đầu năm 2022 vậy.

Mô hình dự báo dịch của Chính phủ Australia phối hợp với Viện Doherty bắt đầu bằng cách giả lập tình huống bùng phát dịch ảo chỉ với 30 trường hợp lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, với các áp đặt ở điều kiện hiện tại. Với giả định 70% tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho dân số trưởng thành, kết quả dự đoán có 385.983 trường hợp có triệu chứng và 1.457 trường hợp tử vong trong 6 tháng. Điều quan trọng cần lưu ý là các nhà lập mô hình chỉ giả định nới lỏng các biện pháp an toàn và can thiệp sức khỏe cộng đồng ở mức độ nào đó, chứ chưa đưa vào đó yếu tố “mở cửa”.

Bài học cho Việt Nam là gì? Hãy thử tưởng tượng nếu đưa vào mô hình các yếu tố như nhà máy, dịch vụ mở cửa trở lại trong điều kiện còn nhiều bất cập, thì con số ca nhiễm sẽ là bao nhiêu và bao nhiêu trường hợp tử vong?

Nếu chính quyền chưa thể quản lý hết các rủi ro này trước khi chuyển giao cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp tự quản lý, e rằng hãy còn quá sớm để phát tín hiệu mở cửa. Ngoài ra, khi đặt vấn đề chính quyền không thể quản lý hết các rủi ro từ những bất định khi “mở cửa”, mà lại ôm hết toàn bộ hệ thống y tế công, không cho hệ thống y tế tư nhân vào cuộc chiến chống Covid-19 bằng cách thu phí (với những lý do mơ hồ do luật quy định) lại là một câu hỏi lớn. Chính xác là câu hỏi về mặt đạo đức.

Doanh nghiệp đang kiệt sức, làn sóng phá sản đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu chuyển đơn hàng, thậm chí chuyển dịch nhà máy sang nước khác. Nếu không đặt vấn đề mở cửa, không tạo niềm tin nơi doanh nghiệp, cái giá phải trả về kinh tế là quá lớn?

Có thể nói, chính quyền TP.HCM và Chính phủ đang đứng trước thách thức cực đại. Quả thật, biến thể Delta đã làm thay đổi cuộc chơi, làm đảo lộn mọi tính toán. Nhưng có một nguyên tắc mà chúng ta cần phải thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài là mọi thứ đều phải được diễn dịch bằng dữ liệu.

Các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo rằng, các chiến lược thoát khỏi đại dịch có thể còn quá sớm.

Đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ nói với chúng ta như thế, nhưng mới đây, tại nước họ, ông Neil Bradley, Phó chủ tịch điều hành, kiêm Giám đốc chính sách của Phòng Thương mại Hoa Kỳ lại cho rằng: “Chìa khóa để (Hoa Kỳ) mở cửa hoàn toàn nền kinh tế là đánh bại Covid-19 và biến thể Delta. Rõ ràng, càng nhiều người tiêm phòng, chúng ta mới càng gần với việc đưa đại dịch vào gương chiếu hậu”.

Ông còn nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng, điều thực sự quan trọng là các quan chức chính quyền địa phương phải hiểu điều gì đang xảy ra với tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu chúng. Điều đơn giản là chúng tôi không muốn để mất thêm bất kỳ người nào nữa vì Covid”.

Tôi xin dẫn lời của ông Neil Bradley để đặt vấn đề này về việc mở cửa trở lại của chính quyền TP.HCM.

Như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam có độ bao phủ vắc-xin quá thấp, càng đối mặt các ca nhiễm tràn vào bệnh viện, công sở, làm suy giảm lực lượng lao động, tăng bệnh tật ở trẻ em và những người dễ bị tổn thương, tạo ra các biến thể kháng vắc-xin. Hệ quả là có thể dẫn đến phong toả nhiều hơn và suy cho cùng gây tác động xấu đến chính những doanh nghiệp đòi hỏi mở cửa mạnh mẽ.

Vậy thực chất, theo ông, vấn đề mà TP.HCM phải đối phó hiện nay là gì?

Chúng ta đang đứng trước tình huống “bộ ba bất khả thi” là an toàn sức khoẻ nhân dân, mở cửa kinh tế và sự tự do đi lại của người dân. Quyết định của xã hội mà chúng ta đưa ra về mức độ đàn áp biến thể Delta có thể chấp nhận được liên quan đến lựa chọn giá trị nào, cái nào nên ưu tiên và giá trị nào phải thỏa hiệp. Chúng ta chỉ có thể tối đa hóa một hoặc 2 trong số 3 giá trị trên, nhưng không thể có đồng thời cả 3. Nếu chấp nhận an toàn tới đâu, sản xuất tới đó, tức là chúng ta chấp nhận ưu tiên 2 giá trị đầu tiên. Và như thế cũng có nghĩa giá trị thứ ba về sự tự do đi lại sẽ phần nào bị hạn chế.

Chính quyền phải thoả hiệp với người dân vấn đề này. Theo tôi, trước mắt, sử dụng thẻ xanh trong đi lại, làm ăn chính là cách khả dĩ, bên cạnh việc tuân thủ triệt để 5K.

Nhưng như đã đề cập phần trên, đến hiện tại, hãy còn quá sớm để nghĩ đến khái niệm mở cửa. Thay vào đó, chỉ là nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội với phương châm an toàn tới đâu, sản xuất tới đó.

Có quan điểm cho rằng, chúng ta cần cân nhắc “lợi ích và chi phí” của chính sách chống dịch Covid-19 như là một phần trong việc nới lỏng các biện pháp phong toả?

Theo một nghiên cứu gần nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đáp ứng các tiêu chí sinh học chỉ là một bước trong quyết định đàn áp hoặc xoá sổ dịch bệnh. TP.HCM dựa trên các tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới để quyết định cần làm gì tiếp theo trong lộ trình sau ngày 15/9. Nhưng theo CDC, do nguồn lực y tế và các ngành công nghiệp trong một quốc gia có hạn, không có câu trả lời dễ dàng để ứng dụng phương pháp phân tích lợi ích chi phí trong kinh tế học cho quyết định đàn áp hoặc loại bỏ dịch bệnh.

Ứng dụng góc nhìn trên vào thực tế TP.HCM, chúng ta thấy rất đúng. Hệ thống y tế quá tải, thể chất và tinh thần của y bác sĩ, nhân viên tuyến đầu suy giảm nghiêm trọng, tình trạng kiệt quệ tài chính doanh nghiệp do phải tuân thủ sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” khiến việc đặt vấn đề phân tích kinh tế “mục tiêu kép” vừa phục hồi sản xuất vừa chống dịch rất khó khăn. Đó là chưa đặt vấn đề đạo đức vào phân tích.

Hiện có quan niệm cho rằng, cần phải chấp nhận một tỷ lệ tử vong nhất định, như là một sàng lọc của tự nhiên đối với những người dễ bị tổn thương, để quay trở lại trạng thái bình thường mới. Luận điểm này đứng về mặt đạo đức rất khó được chấp nhận. Các chỉ số kinh tế khó có thể được chấp nhận phổ biến như là biện minh cho các vấn đề về đạo đức. Điều này rất dễ gây chia rẽ xã hội. Có những giới hạn thiêng liêng mà tại đó, khoa học phải bị phủ nhận bởi sự đánh giá của xã hội về điều gì được và không được chấp nhận. Nếu đặt vấn đề thiển cận về tự do cá nhân đề xuất bãi bỏ phong toả để mơ về những tháng ngày du lịch quốc tế, tham gia các chương trình giải trí, thì họ lại quên rằng, ngay cả khi không bị phong toả, vẫn còn hàng triệu người bị thiếu đói.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Làm sao để mở cửa lại đất nước một cách an toàn?
Việt Nam có thể học hỏi gì từ chiến lược chống Covid-19 và mở cửa lại nền kinh tế từ các quốc gia khác?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư